Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết mong muốn lớn nhất là thành phố có được quyền chủ động để có thể chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển.
Thị trường và chính sách

Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo TP.HCM là có quyền chủ động chỉ đạo DNNN trên địa bàn

Lam Thanh 19:24 03/03/2024

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết mong muốn lớn nhất là thành phố có được quyền chủ động để có thể chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển.

Tổng doanh thu DNNN khoảng 1,65 triệu tỉ đồng

Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngày 3.3, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1,65 triệu tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế của DNNN khoảng 125,8 nghìn tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166 nghìn tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161 nghìn tỉ đồng so với 208,328 nghìn tỉ đồng được giao, đạt gần 80% kế hoạch năm. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai: Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…

dung.jpeg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộ một số hạn chế như: một số DNNN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra, một số DNNN hoạt động còn thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt…

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng để thực hiện vai trò chủ đạo, chủ lực của mình thì DNNN phải có quy mô đủ lớn trong ngành, lĩnh vực đó; có công nghệ hiện đại nổi trội trong ngành và có cách thức quản trị tiên tiến, công khai, minh bạch thông tin.

Ông kiến nghị Chính phủ chỉ đao các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, tạo điều kiện cho các DNNN, trong đó có các ngân hàng thương mại triển khai phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại có hàm lượng công nghệ cao cung cấp cho thị trường và quản trị nội bộ.

tu.jpeg
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng kiến nghị: Các vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, những rào cản liên quan đến trách nhiệm, đạo đức công vụ cần tiếp tục được làm rõ và có giải pháp cụ thể để các DN tự tin, mạnh dạn bứt phá phát triển.

Ngoài ra, theo ông Ấn, trong điều kiện hiện nay, các chính sách tài khoá đặc biệt là đầu tư công và hỗ trợ DN là chìa khoá để kích thích sản xuất, tiêu dùng. Qua đó, nhu cầu sử dụng vốn sẽ tăng thêm, vốn của ngân hàng thương mại mới phát huy tác dụng. Chính phủ cần triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN chuyển đổi xanh để đáp ứng các xu hướng, tiêu chuẩn quốc tế.

Cũng theo ông Ấn, DNNN dám nghĩ, dám làm thì cơ chế quản lý vốn đầu tư vào cũng như hoạt động của DN cần sớm được đổi mới. Trong đó, tăng cường giao quyền tự chủ cho DNNN trên tinh thần chuyển quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu, tăng cường giám sát, phát hiện, cảnh báo và xử lý vi phạm ngay từ sớm nhằm ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.

an.jpeg
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)

“Mục tiêu giao cho DNNN cần cụ thể hoá cho từng loại hình và từng DN cụ thể, nhất là khả năng làm chủ công nghệ, sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu có giá trị gia tăng cao, tránh chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh và lợi nhuận đơn thuần. Cơ chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ trong DNNN cũng cần được đổi mới triệt để”, ông Ấn nêu.

Nên đánh giá trên kết quả cuối cùng thay vì trên từng vụ việc

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn Chính phủ quan tâm, điều chỉnh sớm các chính sách, quy chế. Các đánh giá nên dựa trên các kết quả cuối cùng, thay vì đánh giá trên từng vụ việc, quá trình. Điều này sẽ khiến các DN mạnh dạn hơn, năng động hơn, có thể đầu tư hiệu quả, kinh doanh tốt hơn.

Theo đó, cần có quy chế rõ ràng đối với DN liên doanh, các dự án đầu tư nước ngoài. Vừa qua, TP.HCM có gặp một số khó khăn. Ví dụ trường hợp DN liên doanh, sau khi hết thời hạn kinh doanh thì phải chuyển giao lại toàn bộ tài sản cho phía Việt Nam. Tuy nhiên, do vướng mắc quy chế hiện tại, nên việc bàn giao tài sản lại cho Việt Nam bị chậm.

duc.jpeg
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Theo ông Đức, nếu giải quyết được những vướng mắc, chúng ta có thể tiếp quản ngay, khai thác hiệu quả tối đa hoạt động và các tài sản được giao.

Ví dụ như khách sạn Lộc Phúc của TP.HCM là một trong những liên doanh đầu tiên của Việt Nam, hoạt động kinh doanh rất có lãi, đóng góp rất nhiều cho kinh tế thành phố, nhưng sau thời hạn kinh doanh, hơn 3 năm nay thì hiện giờ vẫn đang để trống, không tiếp tục triển khai được, gây lãng phí. Trước đây, Lộc Phúc là một trong những khách sạn luôn luôn có tỷ lệ phủ khách cao.

Phó chủ tịch TP.HCM cũng cho biết hiện nay một số DNNN tại TP.HCM gặp một số khó khăn trong phát triển, mặc dù trước đây DN này hoạt động rất hiệu quả.

Do đó, ông mong muốn trong năm 2024 sẽ tiếp tục được Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các DNNN tại TP.HCM được phát huy hiệu quả hơn nữa.

“Từ trước đến nay, đối với TP.HCM, việc đầu tư, phát triển DN luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo TP.HCM là thành phố có được quyền chủ động để có thể chỉ đạo các DNNN trên địa bàn thành phố, để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế”, ông Đức nói.

Không để thiếu điện trong mọi tình huống


Việc xảy ra thiếu điện tháng 5 và đầu tháng 6 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đây là bài học sâu sắc mà EVN vẫn đang tiếp tục phân tích, mổ xẻ, có biện pháp khắc phục.

Năm 2024, EVN quyết tâm đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6.5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống. EVN đã chuẩn bị kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Sẽ phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm nay

Năm 2024 sẽ là năm chuyển đổi lớn khi tháng 9 này sẽ tắt sóng 2G, chỉ có sóng 4G và 5G. Năm nay sẽ triển khai 5G phủ sóng trên phạm vi toàn quốc.

Ông Tào Đức Thắng , Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel

Bài liên quan
Giá vàng có thể biến động thế nào tuần tới?
Giá vàng trong nước hiện đang đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay, vượt 80 triệu đồng/lượng, liệu tuần tới có tiếp tục biến động?

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nắng nóng gay gắt khắp cả nước, nhiều nơi trên 41 độ C
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 28.4, nhiệt độ cả nước tăng nhanh, thời tiết nắng nóng gay gắt khi có nơi trên 41 độ C.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo TP.HCM là có quyền chủ động chỉ đạo DNNN trên địa bàn