Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng khi doanh nghiệp đã đói vốn thì lúc đó họ không mong đợi một bữa ăn ngon, bữa ăn giá rẻ nữa, mà cứ có là họ ăn thôi.

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp đói vốn, họ không mong đợi 'bữa ngon' nữa mà cứ có là ăn thôi

Hoài Lam | 08/10/2022, 13:30

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng khi doanh nghiệp đã đói vốn thì lúc đó họ không mong đợi một bữa ăn ngon, bữa ăn giá rẻ nữa, mà cứ có là họ ăn thôi.

Lãi suất sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm

Sáng 8.10, tại tọa đàm "Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó", bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm TGĐ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết Chính phủ đã đưa ra những thông điệp nhất quán, chúng ta cần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn với chi phí thấp nhất.

“Đối với doanh nghiệp, chúng ta cũng cần hiểu rõ thông điệp của Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp chúng ta cần vừa phòng thủ, vừa tấn công, vừa giải quyết bài toán chi phí tăng, tỷ giá, lạm phát, chuỗi cung ứng… Chúng ta cũng phải linh hoạt, thấu hiểu và đồng hành cùng những quyết sách của Chính phủ”, bà Diễm nói.

Bà Diễm cho hay, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù nên nhìn thấy ngay là Fed tăng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian cuối năm.

“Trước đây chúng tôi vay nước ngoài chỉ 3,4%, bây giờ một hợp đồng vay của nước ngoài ít nhất phải 7% đối với USD. Thời gian vừa rồi, NHNN tăng lãi suất 0,5% thì lập tức các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất huy động của người dân gửi. Như vậy, các ngân hàng phải cạnh tranh khốc liệt với nhau và chi phí đầu ra của ngân hàng cũng phải tăng. Cho nên, tôi cho rằng các ngân hàng sẽ phải có giải pháp và giải pháp nào thì chắc chắn sẽ có sự đồng hành của NHNN và Chính phủ”, bà Diễm nêu.

Theo bà Diễm, hiện nay, đối với ngành ngân hàng, điểm nghẽn cần tháo gỡ thứ nhất là phải giải quyết đồng vốn và thủ tục pháp lý cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Lý do là lĩnh vực này rất hạn chế nhưng nếu không khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực này thì nền kinh tế của chúng ta sẽ rất khó phát triển.

Điểm nghẽn thứ hai là hành lang pháp lý đối với công tác chuyển đổi số. Đối với những công ty tài chính, đối với những ứng dụng công nghệ, rất cần những hành lang pháp lý để ổn định trong quá trình phát triển hệ thống.

diem-2.jpg
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm TGĐ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Ảnh: VGP

Ông Hồ Thanh Tùng cũng cho rằng các biến động về tiền tệ, về lãi suất, ví dụ việc Fed tăng lãi suất và dự kiến sẽ tăng tiếp sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.

“Là tập đoàn công nghệ, khi chúng tôi có giao dịch với đối tác nước ngoài thì tỷ giá biến động ảnh hưởng rất lớn. Tôi nghĩ không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả các DN Việt Nam, trước đây chưa bao giờ phải đề phòng về tỷ giá và nay tỷ giá thay đổi như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Trong ngắn hạn, nếu tỷ giá và lãi suất càng ngày càng cao thì ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh”, ông Tùng nói.

Còn về dài hạn, theo ông Tùng, các DN sẽ khó khăn hơn, khi chúng ta ra các bài toán quyết định đầu tư thì các chỉ số liên quan đến lãi suất hay tỷ giá chúng ta sẽ phải xem xét. Khi chúng ta đưa ra các chỉ số cao thì chúng ta sẽ thấy khả năng đưa ra các quyết định đầu tư khó khăn rất nhiều.

Phải “thông tiền” cho nền kinh tế

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng sống chết gì cũng cần bảo đảm thông mạch cho nền kinh tế. Đồng thời phải bảo đảm “thông tiền” cho nền kinh tế.

“Thông hàng và thông tiền cho nền kinh tế thị trường là hai điều kiện sống còn. Năm 2021, Chính phủ rút ra được bài học rất thấm thía, cho nên lo được cả hai việc: thông hàng và thông tiền. Kinh tế thị trường rất quan trọng ở chỗ đó. Đến bây giờ, bài học đó vẫn được rút ra, làm sao để thông tiền, bởi vì sau hai năm tiền hàng "khô" hết cả”, ông Thiên nêu.

Theo ông Thiên, cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam gồm: Thị trường tiền tệ; thị trường vốn (cổ phiếu, triếu phiếu doanh nghiệp). “Chúng ta phải đặt bối cảnh là sự nở rộ của thị trường trái phiếu, gọi là tăng trưởng nóng, nằm trong bối cảnh là nguồn vốn bơm ra cho nền kinh tế, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, rất chậm”.

Ngoài ra, chương trình phục hồi và phát triển nguồn vốn bơm ra giải ngân cũng rất chậm.

“Như vậy, nguồn lực chúng ta kỳ vọng rất nhiều để phục hồi kinh tế, thay đổi diện mạo nền kinh tế sau dịch lại chậm và trong trường hợp này, sự bùng nổ của thị trường vốn tư nhân rất có ý nghĩa để giúp giải tỏa cơn khát. Nhưng vừa rồi, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết mấy sự cố làm cho thị trường này ngưng lại, tức là "nguồn máu" của tư nhân cũng bị ngưng lại. Đấy là vấn đề chúng ta phải giải quyết”, ông Thiên nói.

thien.jpg
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - Ảnh: VGP

Còn thị trường tiền tệ, vốn vay ngân hàng, ông Thiên cho biết bản chất thị trường là ngắn hạn, không thể để tình trạng rủi ro quá, nhiều nhất là trong cái bối cảnh hiện nay thế giới quá nhiều rủi ro. Cấu trúc thị trường tài chính, trăm sự đổ vào ngân hàng là chỗ ngắn hạn, như thế rất là gay.

Theo chuyên gia này, hiện nay, thị trường cổ phiếu đang có vấn đề rất nghiêm trọng. Chính phủ tập trung vào chỗ này là điều kiện bắt buộc và phải làm. Việc này tiếp cận không phải để phục vụ lại ích nhóm mà là "bơm máu" vào nền kinh tế để tạo ra các động lực mới khôi phục đà của nền kinh tế, nếu không sẽ đánh mất thời cơ.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại (VCCI) Phạm Tấn Công cũng cho rằng vốn là vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp.

“Vốn là vấn đề tồn tại hay không tồn tại đối với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã đói vốn thì lúc đó họ không mong đợi một bữa ăn ngon, bữa ăn giá rẻ nữa, mà cứ có là họ ăn thôi. Nhiều khi chúng ta nói có ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp nhưng khi người ta đang đói rồi thì người ta không đợi được cái đấy. Do đó, chúng ta nhìn thấy quá trình phát triển vừa rồi có thể có những bùng nổ không còn tuân thủ được nữa vì người ta đói quá”, ông Công nói.

cong.jpg
Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại (VCCI) Phạm Tấn Công

Ông Công cho rằng hiện nay câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn.

“Chúng ta có thể thấy rằng, trong điều hành kinh tế, cũng như đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", tức là những chính sách không lường trước được. Chúng ta phải rất khéo léo, rất thông minh để giải bài toán này”, ông Công nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp đói vốn, họ không mong đợi 'bữa ngon' nữa mà cứ có là ăn thôi