Viện Năng lượng - Bộ Công Thương (đơn vị tư vấn Quy hoạch điện VIII) cho rằng 15 năm tới Việt Nam vẫn phải cần tới các nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo an ninh năng lượng.

Chưa thể bỏ được nhiệt điện than vì giá rẻ?

Tuyết Nhung | 18/03/2021, 17:50

Viện Năng lượng - Bộ Công Thương (đơn vị tư vấn Quy hoạch điện VIII) cho rằng 15 năm tới Việt Nam vẫn phải cần tới các nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo an ninh năng lượng.

Đóng góp ý kiến vào Quy hoạch điện VIII, các tỉnh có quy hoạch nhiệt điện than, Đại sứ quán Đan Mạch... đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió. Các dự án nhiệt điện than dự kiến trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh sẽ chuyển sang sử dụng LNG, phần công suất thiếu hụt sẽ bù vào công suất nguồn LNG... do các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường và không thu xếp được vốn.

nhiet-dien-than(1).jpg
Các nhà máy nhiệt điện than đang đặt ra vấn đề lớn về ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người - Ảnh: Internet

Phản hồi trước ý kiến trên, Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn Quy hoạch điện VIII, cho biết quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng, đây là những dự án đã thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt mà không thể loại bỏ, ví dụ: Nhiệt điện Nam Định I, Nhiệt điện Thái Bình II, Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhiệt điện Vân Phong I, Nhiệt điện Duyên Hải II....

Sau 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao. Quy hoạch điện VIII sẽ yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ như sau trong giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng công nghệ nhiệt điện than siêu tới hạn trở lên, giai đoạn từ 2025-2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn (USC) trở lên, và sau năm 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến (AUSC).

"Để đáp ứng nhu cầu phụ tải với chi phí không quá cao, hệ thống vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện", Viện Năng lượng nhấn mạnh.

Với đề xuất chuyển các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng LNG, đơn vị này cho rằng, nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn như vậy, và chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng, ngoài ra chi phí sản xuất điện của nguồn điện LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều. Cụ thể, chi phí hệ thống sẽ tăng khoảng 2 tỉ USD/năm so với kịch bản chọn. Điều này không phù hợp với tiêu chí quy hoạch nguồn điện theo chi phí tối thiểu đã đặt ra.

Nói về công nghệ sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện than những năm tới, Viện Năng lượng cho biết công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện đã phát triển và tiến bộ vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường. Vì vậy, với công nghệ hiện đại của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay ngoài hiệu suất có thể lên đến trên 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên thì công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng đạt hiệu suất cao tương ứng có thể xử lý để giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

"Ví dụ, nhiều dự án còn nằm gần các đô thị lớn như ở Úc, Nhật Bản, Đức... Thực tế cho thấy, phát thải từ nhà máy hiện được kiểm soát bởi hai lớp tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn nguồn thải quy định nồng độ phát thải khí thải tại nguồn và tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh áp dụng để kiểm soát nồng độ phát thải các loại khí thải trong không khí xung quanh nên phát thải ở mức rất thấp và được kiểm soát bằng hệ thống giám sát tự động về các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Do đó, nồng độ các khí thải sẽ được kiểm soát ở ngưỡng không gây hại đến sức khỏe con người", cơ quan này lý giải.

Trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý cho thấy, mặc dù đã loại bỏ 5.000 MW nhiệt điện than, song cơ cấu phát triển nguồn nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng 41% trong năm 2030 và chỉ giảm còn 31% đến năm 2045. Nhiệt điện than vẫn chiếm 27% cơ cấu công suất điện trong năm 2030 và giảm còn 18% cho tới năm 2045.

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%. Giai đoạn 2021-2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,5 tỉ USD cho nguồn và 3,3 tỉ USD cho lưới).

Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 140,2 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư cho nguồn và lưới là 73%/27%. Giai đoạn 2031-2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,3 tỉ USD cho nguồn và 3,4 tỉ USD cho lưới).

Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 UScent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 9,6 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 12,3 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2045.

Bài liên quan
Bộ Công thương nói về vai trò nhiệt điện than trong bức tranh phát triển đất nước
"Có thể 50 năm tới bức tranh năng lượng khác nhưng 20 năm tới nhiệt điện than vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước ta", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chưa thể bỏ được nhiệt điện than vì giá rẻ?