Về chuyện chung cư mini, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý để người dân nắm rõ, chứ không thể bắt người dân phải thế này thế khác.
Chủ hộ cử người giúp việc đi tập huấn về PCCC
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, "chung cư mini" (CCMN) phát triển nhanh chóng ở các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Hầu hết những dự án này nằm sâu trong các ngõ phố, dân cư đông đúc, khi xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản của người dân.
Tại cuộc tọa đàm “Chung cư mini biến tướng - Để an toàn cho người dân” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 26.9, đại tá, tiến sĩ Nguyễn Thành Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) cho rằng cơ quan quản lý vẫn còn nhiều sơ hở như: Cấp giấy phép một đằng xây dựng một nẻo; cấp phép không quản lý, không thanh tra giám sát; không quản lý trong khi xây dựng; nhiều sai phạm nhưng không được phát hiện điều chỉnh.
Ngoài ra, việc quản lý tòa nhà như với điện, gas cũng còn nhiều thiếu sót. “Ngành điện phát hiện ra cũng phải có ý kiến với chính quyền về phòng chống cháy nổ, nhưng trước nay hầu như chưa từng có trường hợp được báo cáo”, ông Long nói, và cho rằng người dân chưa có nhận thức cao về pháp luật, không biết căn nhà như thế nào là vi phạm pháp luật.
“Ở một tòa nhà không có cơ sở về PCCC, xây dựng kiểu chuồng cọp, không có ban công, người ta vẫn mua và sử dụng, không báo cáo lại chính quyền. Điều đó cho thấy nhận thức chung về những việc liên quan đến tài sản tính mạng người dân còn hạn chế”, đại tá Nguyễn Thành Long nhận xét.
Theo trung tá Lê Minh Hải (Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, Bộ Công an), đã là nhà chung cư được thẩm định phê duyệt thì phải đảm bảo về PCCC. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đầy đủ về các yêu cầu này. Tuy nhiên, CCMN lúc trước được xây dựng nhà ở riêng lẻ, sau đó sẽ do nhu cầu nên chuyển đổi cho thuê và bán lại. Loại hình nhà này còn nhiều vấn đề an toàn về PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
“Đối với loại hình CCMN, lối thoát nạn rất nan giải. Đặc biệt, CCMN bố trí cầu thang trong nhà, tại tầng 1, còn tầng hầm sử dụng để xe, có phòng công năng khác như phòng để máy phát điện hoặc là phòng kỹ thuật điện… nên khi xảy ra cháy nổ thì khói sẽ lan ra, người các tầng trên bị ngạt khói và nguy cơ tử vong. Việc triển khai công tác cứu nạn đều khó khăn”, ông Hải nói.
Ngoài ra, khi là nhà riêng lẻ thì rất ít người nhưng khi chuyển thành chung cư, thì số hộ dân đông, nhiều người hơn; công suất điện tăng lên, nếu không cải tạo dây điện, dễ gây quá tải và chập điện. Các hộ dân sinh sống trong tòa nhà CCMN chưa nắm được kỹ năng PCCC nên chưa biết cách sử dụng thiết bị điện, ngoài ra việc để xe máy cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.
“Từ năm 2021, chúng tôi đã tập trung toàn bộ lực lượng để tuyên truyền đến từng hộ gia đình, người dân về công tác PCCC. Tuy nhiên, người dân tham gia rất hạn chế. Có gia đình không thấy chủ nhà tới mà toàn cử người giúp việc đi thay”, ông Hải nói.
Không thể bắt người dân phải thế này thế khác
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho hay, về nhà ở, theo quy định có 2 loại: Nhà riêng lẻ và chung cư.
Từ 2005, Luật Nhà ở đã quy định 2 loại hình nhà này. Tên gọi “chung cư mini” không có trong luật. Luật Xây dựng quy định nhà dưới 7 tầng thì hộ gia đình cá nhân được cấp giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở quy định chặt chẽ các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn về căn hộ.
“Loại hình riêng lẻ nhiều tầng, một thời gian dài đã đáp ứng nhu cầu của những đối tượng như học sinh, sinh viên, công nhân. Họ là những người chưa đủ tài chính nên họ mua, thuê CCMN bởi diện tích, giá cả vừa phải”, ông Khởi nói.
Theo ông Khởi, năm 2015, Chính phủ có báo cáo đánh giá về loại hình căn hộ này gửi Quốc hội và sau đó được đưa vào Luật Nhà ở năm 2015. Chính phủ ban hành Nghị định 99, để hướng dẫn thi hành. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở đã được quy định chặt chẽ. Nhà ở riêng lẻ dù xây phòng hay không đều phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Trong vụ cháy vừa qua, giấy phép cho xây 70% thì chủ nhà xây 100%. Vấn đề này lại liên quan đến thực thi pháp luật.
“Như thế, đến thời điểm hiện nay, các quy chuẩn, tiêu chuẩn đều đã có. Vấn đề là quy định đã đủ chưa hay cần bổ sung một số quy định?”, ông Khởi nói.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong xây dựng nhà ở có 2 quy định. Thứ nhất, xây dựng với nhà chung cư và nhà riêng lẻ. Thứ 2 là quản lý vận hành.
Theo quy định, chung cư được xây dựng từ 2 tầng, có từ 2 căn hộ trở lên. Tuy nhiên, lâu nay nó vẫn được hiểu là nhà riêng lẻ nên bỏ qua khâu vận hành. Từ tháng 6.2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương yêu cầu kiểm tra, rà soát nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ.
Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở. Trong đó, bộ đề xuất, khi xây dựng căn hộ chung cư phải đáp ứng các tiêu chí, bao gồm cả PCCC; xây dựng phải có sở hữu chung, sở hữu riêng; bắt buộc phải có giấy phép xây dựng trong mọi tình huống; giao cho UBND cấp tỉnh quy định hệ thống hạ tầng giao thông để PCCC có thể vào được; được cấp giấy với từng căn hộ; nếu xây dựng từ 20 căn hộ trở lên phải lập dự án đầu tư, như một dự án bình thường.
Gần đây sau vụ cháy, có nhiều quan điểm về căn hộ mini, cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Bộ Xây dựng cho rằng nếu xây căn hộ để bán thì phải lập dự án để thể hiện trách nhiệm, không phân biệt quy mô, số căn. Khi bán phải thực hiện theo Luật Kinh doanh BĐS. Ngoài ra, hồ sơ, giấy phép xây dựng phải thể hiện rõ được xây bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu tầng, mỗi tầng bao căn, mỗi căn bao nhiêu mét. Hiện bộ đang báo cáo để gửi sang Quốc hội.
“Cuối cùng là người dân, không thể bắt họ phải thế này thế khác mà Nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý để người dân nhìn rõ, đồng thời, nâng cao ý thức PCCC, các kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân”, ông Khởi nói.