Chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang là cơ hội để tất cả mọi người tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách căn bản nhất.
Sáng 27.10, tại TP.Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang tổ chức chuỗi sự kiện chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn.
Tại Hội trường tỉnh An Giang đã diễn ra nhiều sự kiện như triển lãm hàng loạt sản phẩm, mô hình, giải pháp chuyển đổi số...
Đây là sự kiện này nhằm giới thiệu đến đông đảo người dân về các hạ tầng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số và các thành tựu chuyển đổi số. Các gian hàng cũng giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh An Giang cho biết, chuyển đổi số là xu thế, là tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các nước, các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giúp cho Chính phủ các quốc gia hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch hơn.
Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
“Việc An Giang thực hiện chuyển đổi số cũng là cơ hội để bức phá, vươn lên. Chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh An Giang hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn.
Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.
Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân”, bà Thúy nhận định.
Bà Thúy thông tin thêm, thách thức lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi số tỉnh An Giang là vấn đề về nhận thức, là lý luận về chuyển đổi số. Điều đó đòi hỏi phải có sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị cho đến người dân.
Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ giúp đưa chính quyền đến gần người dân hơn; hỗ trợ chính quyền đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp hơn.
Chuyển đổi số sẽ giúp xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp mà từ đó các nguồn lực về tài nguyên, con người sẽ được sử dụng tối ưu và mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ giúp người dân có cơ hội phát triển như nhau bất kể thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi, vùng xâu, vùng xa.
“Việc tổ chức các chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang là cơ hội để tất cả mọi người tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách căn bản nhất, có những góc nhìn sâu sắc hơn từ những chuyên gia đến từ các Bộ, ngành của Trung ương và các Tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin", bà Thúy nói.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng Cục chuyển đổi quốc gia số (Bộ TT-TT) thông tin với báo chí hoạt động chuyển đổi số tại các tỉnh, thành cho thấy sự quyết tâm của hệ thống chính trị.
Theo ông Tiến, chỉ lãnh đạo cao nhất vào cuộc mới thực hiện được chuyển đổi số vì chuyển đổi số là hoạt động mang tính tổng thể toàn diện, có kế hoạch, lộ trình...
“Bản thân các cán bộ cơ quan nhà nước phải thực sự có ý thức trong việc cung cấp dịch vụ công trên nền tảng trực tuyến, đồng thời cần có những giải pháp để khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số thông qua các hoạt động dịch vụ công”, ông Tiến nói.
Được biết, tại An Giang, hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao… Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, An Giang đứng thứ 42/63 tỉnh, .