Khi quyết định hiến tặng ngôi nhà 48 Hàng Ngang và vật dụng để nhà nước làm nhà bảo tàng, cụ ông và cụ bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã giữ lại chiếc tràng kỷ này để có chút kỷ niệm về "Ông Cụ", nhưng...

Chuyện chiếc tràng kỷ ở nhà cụ bà Trịnh Văn Bô

Xuân Ba | 12/11/2017, 09:46

Khi quyết định hiến tặng ngôi nhà 48 Hàng Ngang và vật dụng để nhà nước làm nhà bảo tàng, cụ ông và cụ bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã giữ lại chiếc tràng kỷ này để có chút kỷ niệm về "Ông Cụ", nhưng...

Tin cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô qua đời ở tuổi 104 loang nhanh…

Ngồi buồn soát lại những tấm ảnh cũ chụp thời vẫn qua lại để viết bài về cụ bà Trịnh Văn Bô. Thời mà nhiều người ít nhắc đến công tích từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng thời gian khó cùng việc hiến mấy ngôi nhà cũng cho cách mạng, trong đó có nhà 48 Hàng Ngang (nơi Cụ Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập). Người ta cũng chả mấy khi nhắc đến tên thật của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ mà thường gọi là bà Trịnh Văn Bô.

Nhớ lần đến được hầu chuyện cụ Hoàng Minh Hồ ở nhà 34 Hoàng Diệu, ấy là năm cụ 92 tuổi còn khỏe mạnh mẫn tiệp. Ngó cụ da dẻ hồng hào, tóc trắng cước, áo lụa màu mỡ gà thư thái sải những bước khoan thai trong không khí u tịch có cảm giác cụ như dạngLão Phật bà… Ấn tượng nữa là chất giọng cụ bà vang, vượng. Quả là nhất tướng nhị thanh. Ấy là cụ đang nhắc nhớ đến một kỷ vật của "Ông Cụ".

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ tại nhà riêng, biệt thự 34 Hoàng Diệu, Hà Nội - Ảnh: Xuân Ba

"Ngày 16.9.1945, "Ông Cụ" tức là Bác Hồ cho người đến nhà mời vợ chồng tôi lên Phủ Chủ tịch. Không biết là có việc gì? Đến nơi, thấy Ông Cụ đã ngồi đợi bên bộ bàn ghế mây. Cụkhông ngồi một mình. Có cả các ông Nguyễn Lương Bằng,Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Trường Chinh.

Sau động thái ân cần hỏi thăm sức khỏe đến từng người trong nhà tôi, Cụ Hồ cười rồi chỉ vào một cặp ngà voi trên bàn bên cạnh và nói “Cách mạng tặng cô chú cặp ngà voi này, mong gia đình ta và cách mạng gắn bó, đoàn kết một khối vững chắc như cặp ngà voi đây”. Vợ chồng tôi rất bất ngờ nhưng rất vui vì món quà quý ấy. Chúng tôi mang cặp ngà về bày trang trọng ở phòng khách. Sau cũng được biết, đây là cặp ngà do ông Vũ Đình Huỳnh (thư ký riêng của Bác) mua ở phố Hàng Gai. Mua xong, ông còn mang cho thợ khắc lên đó hình ảnh một đàn voi theo lời dặn của Bác". Cụ bà kể.

Cặp ngà ấy sau này đã có một số phận đặc biệt. Cứ như lời cụ bà thì khi gia đình ông bà vội vã tản cư khỏi Thủ đô năm 1946 thì trong những ngày Trung đoàn Thủ đô quyết tử giữ thành Hà Nội, có một nhóm chiến sĩ đã trụ lại ở nhà 48 Hàng Ngang. Trong một trận đánh ác liệt không cân xứng, trước khi rút để bảo toàn lực lượng, một chiến sĩ đã nhảo vào bê cặp ngà voi vì không muốn kỷ vật vô giá ấy rơi vào tay quân thù. Nhưng vừa ra đến cửa, chiến sĩ ấy bị trúng đạn hy sinh. Cặp ngà bị thất lạc từ đó.

Lạiđang nói đến đoạn soát lại tập ảnh cũ tôi chụp. Một tấm ảnh rơi ra. Ảnh một chiếc tràng kỷ.

Nhớ những lần đến ngôi nhà 34 Hoàng Diệu. Nội thất đơn sơ với những đồ đạc, vật dụng tầm tầm. Nếu không có cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ giới thiệu thì tôi không để ý gì đến một chiếc tràng kỷ bằng gỗ gụ kê sát tường nơi cụ làm giường ngủ. Chiếc tràng kỷ đóng theo lối cổ nom khiêm nhường, thua xa kiểu cầu kỳ diêm dúa của các đại gia thời nay. Nhưng vẫn toát lên sang trọng bắt mắt mà không phải ai cũng nhìn ra?

Chiếc tràng kỷ, kỷ vật vô giá của ông bà Trịnh Văn Bô - Ảnh: Xuân Ba

Hóa ra đó là chiếc tràng kỷ mà cụ Hồ Chí Minh, thời gian tá túc ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô sau khi từ chiến khu về thành đã từng dùng làm giường ngủ. Theo lời cụ bà, nhà 48 Hàng Ngang, giường chiếu bàn ghế vật dụng đủ cả nhưng nhiều khi mang trà nước, hoa quả lên cho Ông Cụ và những ông Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh… thấy cụ Hồ khi ngồi, khi phủ phục trên chiếc tràng kỷ mà viết lách gì đó.

Về sau, người nhà nước nói lại với gia đình bà, cũng chính trên chiếc tràng kỷ này cụ Hồ Chí Minh đã khởi thảo và hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn độc lập công bố trước quốc dân đồng bào chiều 2.9.1945

Sau này yên hàn, khi quyết định hiến tặng ngôi nhà 48 Hàng Ngang và vật dụng để nhà nước làm nhà bảo tàng, cụ ông và cụ bà Trịnh Văn Bô đã giữ lại chiếc tràng kỷ này để có chút kỷ niệm về Ông Cụ. Nhưng các nhà chức việc không đồng ý, nói là chiếc tràng kỷ vàcũng là cái giường này đã thuộc về lịch sử! Sau, có lẽ trước thịnh tình của những con người đã từng hằng tâm hằng sản một lúc hiến hàng ngàn lượng vàng cho quốc gia và mối thiện cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người nhà nước đã thuận theo ý cụ?

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ và con cháu - Ảnh: Xuân Ba

Hình như cũng có sự nghĩ lại hay sao đó nên sau đấy có người nhà nước cũng đến nài cụ nhường lại chiếc tràng kỷ cho nhà bảo tàng 48 Hàng Ngang. Và sau này khi xây xong Bảo tàng Hồ Chí Minh, người ta cũng gợi ý là chủ nhà nên hiến nốt chiếc tràng kỷ.Nhưng cụ bà Hoàng Minh Hồ vẫn không đổi ý!

Chất giọng rành rọt của cụ bà buổi thăm ấy khiến tôi giật mình "tôi không đổi ý vì sau này nhỡ ra có bề nào thì nhà mình mất hết kỷ niệm về Ông Cụ"…

Tôi thoáng giật mình vì linh cảm của cụ bà đã đúng.

Một quá vãng buồn ập về. Cái "bề nào" ấy là thế này…

…Tháng 10.1987, ôngcố vấn Trường Chinh có mời ông Trịnh Văn Bô (ông Trịnh Văn Bô mất năm 1990) và bà Hoàng Thị Minh Hồ lên gặp.

Hai ông bà nhân cuộc gặp thân mật này đã ngỏ ý cho phép gia đình được trở về sống tại nhà 34 Hoàng Diệu vì gia đình ông bà hiện đông các con, cháu, chắt. Cả bốn thế hệ cùng ở trong một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Nhà 34 Hoàng Diệu, ông bà Trịnh Văn Bô cho thiếu tướng Hoàng Văn Thái mượn từ những ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 với thời hạn 2 năm (1954-1956), đến ngày Tổng tuyển cử đất nước thì trả. Sự việc này đã được các ông Trường Chinh, Lê Đức Thọ Phạm Văn Đồng xác nhận. (còn tiếp đọc tại đây)

Xuân Ba
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
4 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chiếc tràng kỷ ở nhà cụ bà Trịnh Văn Bô