Có người bảo “chó mèo ở chung cư là chuyện nhỏ, du di nhau mà chung sống hòa bình”.

Chuyện chó mèo ở chung cư

Nguyễn Văn Mỹ | 22/11/2021, 12:49

Có người bảo “chó mèo ở chung cư là chuyện nhỏ, du di nhau mà chung sống hòa bình”.

Chó và mèo thường đi đôi với nhau, cả trong thơ văn lẫn cuộc sống. Chuyện nuôi chó mèo, xưa hơn trái đất, chẳng có gì phải bận tâm nếu gia đình ở quê, nhà nào cũng có sân vườn. Ở phố, dù có không gian riêng, ai ở nhà nấy, việc nuôi chó mèo vẫn có mâu thuẫn, nếu vật nuôi gây phiền phức với láng giềng.

Ở chung cư thì khác. Không chỉ nhà sát vách; đến hành lang, cầu thang, thang máy, sân… đều chung nên dễ sinh va chạm. Đến người với nhau cũng khó tránh nữa là vật nuôi. Những năm gần đây, các chung cư cao cấp xuất hiện ngày càng nhiều. Người dân có xu hướng chuyển sở thích nhà ở, thích chung cư, thậm chí, càng cao càng tốt.

Nhà riêng kiểu biệt thự thì không đủ khả năng. Nhà phố hộp, hẹp, vừa ồn, bụi, ngột ngạt, an ninh trật tự phức tạp hơn nên chọn chung cư cho “chắc ăn”. Tốn thêm ít tiền quản lý nhưng không phải để xe trong nhà. Ở cao nên thoáng và ít bụi. Bên dưới có ngay siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, hồ bơi,…

Đặc biệt, an ninh luôn đảm bảo hơn. Lỡ gởi xe vào bãi quên rút chìa khó cũng không sợ mất.

Dĩ nhiên ở chung cư cũng có những bất tiện. Các chung cư cao cấp đều dùng thẻ từ riêng, tầng nào lên tầng đó, quên thẻ phải nhờ bảo vệ hỗ trợ. Ai đến chơi phải trình báo, lễ tân kiểm tra, mời người nhà xuống đón. Người thân đến thăm muốn ra về cũng vậy. Những việc này quá bình thường ở các nước phát triển nhưng Việt Nam thì chưa. Nhiều cư dân ở chung cư mới, vẫn mang theo những thói quen “thích gì làm nấy”, tùy tiện như ở nhà biệt lập.

Không chỉ cư dân chưa quen văn hóa chung cư mà đến chủ đầu tư và đơn vị quản lý cũng xuề xòa, thích du di, “dĩ hòa vi quí”, tự xé bỏ các nguyên tắc đã quy định. Dễ xung đột nhất là việc nuôi thú cưng. Có chủ đầu tư lập lờ, nước đôi vì muốn tranh thủ bàn hàng được cho mọi đối tượng. Cư dân được thế làm tới, dẫn đến tranh chấp, ầm ĩ cả ngoài đời lẫn mạng xã hội.

Hồi xưa, chó mèo ở quê là “người giúp việc”. Mèo bắt chuột. Chó để giữ nhà, thậm chí là “dọn phân” cho trẻ con. Người khổ, chó mèo càng khổ. Nghèo nên chó mèo thành thực phẩm như các gia súc, gia cầm khác. Thịt chó thường mua nhà khác, bí quá mới thịt chó nhà mình. Tôi biết có vài gia đình, đang bàn chuyện thịt chó nhà thì hôm sau, chó trốn biệt. Hình như, chó linh cảm, thấy chủ có vài biểu hiện khác thường, có khi chỉ mới suy nghĩ là chó bỏ trốn, dù nó cực kỳ trung thành.

Không có loài vật nào trung thành hơn chó với vô vàn câu chuyện xúc động. Có người thành kiến vì không ít thông tin chó phản chủ, thậm chí cắn chết chủ. Tôi tự tìm hiểu và kết luận, đó là những con chó điên. Người điên còn giết cả cha mẹ nữa là chó. Ở một số nước châu Âu, chó vừa là bạn, vừa là “bác sĩ” của người bệnh, nhất là bệnh động kinh. Trước khi chủ nhân lên cơn, chó thường tru thảm. Nghe chó cưng tru, chủ nhân lập tức nằm hoặc ngồi xuống, tránh tai họa té ngã chết người.

chomeo(1).jpg
Chó mèo được xem là thú cưng trong các gia đình - Ảnh: Internet

Cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển. Chó mèo trở thành thú cưng trong các gia đình, được nuôi để làm bầu bạn, thoát phận “người giúp việc” khổ ải ngày xưa. Mèo không còn phải bắt chuột, được chủ chiều chuộng hơn, thậm chí hơn cả người yêu. Nhiều chó vẫn giữ nhà nhưng đa phần là bầu bạn, có thể đùa giỡn, sai vặt và không phải chiều chuộng như mèo. Chó mèo có “nhà riêng”, có cả bệnh viện, các cửa hàng thực phẩm, quần áo, làm đẹp, khách sạn và cả nghĩa trang riêng.

Có nhiều chó mèo sướng gấp mấy lần con người. Và có những phận người nghèo khó, thua cả chó mèo. Tôi đã gặp những con chó ngồi chung với người, dùng bữa ăn “sang chảnh”. Có những người thương chó mèo hơn cả người thân. Ngược lại, có những người không thích, thậm chí ghét và sợ, vì nhiều lý do khác nhau.

Việc thích hoặc không thích nuôi chó mèo là quyền riêng tư mỗi người, cần được tôn trọng. Không nên sa đà tranh luận đúng sai.

Cộng đồng nào cũng có chung nguyên tắc “Sở thích của mình không làm phiền người khác”. Các chung cư cao cấp đều cấm nuôi chó mèo nhưng thực tế chung cư nào cũng có người vi phạm. Có những con chó nặng gần cả tạ, người lớn thấy cũng giật mình, nói chi trẻ nhỏ. Ở chung cư tôi, không thấy con chó nào được rọ miệng, chỉ có xích cổ nối dây cầm tay.

Nếu chó cắn người, ai phải chịu trách nhiệm? Ngoài chủ nhân, còn có sự “đồng phạm” của chủ đầu tư, ban quản lý lẫn ban quản trị vì đã du di, thông cảm cho người nuôi chó mèo. Ai đảm bảo là chó sẽ không bao giờ nhào tới đe dọa, làm hoảng hốt người khác, nhất là em bé và người già, tạo sang chấn tâm lý. Có người bảo “chó mèo ở chung cư là chuyện nhỏ, du di nhau mà chung sống hòa bình”.

“Du di”, “thông cảm” không hề có trong việc thực thi luật định ở các nước văn minh. Du di, bỏ qua những chuyện trái quy định là nguyên nhân dẫn đến bệnh lờn luật và kỷ cương trật tự xã hội đảo điên như hiện nay. Bỏ qua những lỗi nhỏ là khuyến khích vi phạm lớn, con đường ngắn nhất dẫn đến tôi phạm. Việc nuội chó mèo ở chung cư cần được lập lại trật tự. Trước mắt, có thể làm ngay.

sam1.jpg
Gần đây, Sam - một hotgirl tố Ban quản lý chung cư vì gọi thú cưng là gia súc gây chú ý trên mạng xã hội

- Không để vật nuôi gây mùi hôi, gây ồn cho láng giềng hoặc phóng uế nơi công cộng.

- Ra khỏi nhà, phải rọ mõm, bất kể chó mèo lớn nhỏ. Chỉ đi thang máy tải hàng, không đi thang máy chung với người.

- Có phiếu chích ngừa bệnh dại và theo dõi sức khỏe vật nuôi.

- Vận động chuyển vật nuôi khỏi chung cư theo lộ trình cụ thể, hợp lý.

Về lâu dài, các chung cư nên có block riêng, biệt lập cho những người thích nuôi thú cưng. Việc nuôi thú cưng phải được qui định chặt chẽ trong hợp đồng mua bán nhà cũng như qui định của ban quản trị.

Không thể vì sở thích của mình mà gây bực dọc, khó chịu cho người khác. Sở thích của số ít lại càng không thể với số đông. Đừng để chuyện bé, xé thành chuyện lớn vì cuộc sống còn rất nhiều việc khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chó mèo ở chung cư