Có thâm nhập thực tế thì mới thấy hết được nỗi nhọc nhằn, vất vả và thậm chí là bị stress của lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch ở vùng mũi đất Cà Mau.

Chuyện chống dịch nơi vùng đất cực Nam Tổ quốc

Trần Khải | 18/12/2021, 20:15

Có thâm nhập thực tế thì mới thấy hết được nỗi nhọc nhằn, vất vả và thậm chí là bị stress của lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch ở vùng mũi đất Cà Mau.

Tám giờ tối 14.12, tôi nhắn tin cho anh Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) với nội dung là ngày mai (15.12) tôi xuống địa phương để thâm nhập thực tế về công tác phòng chống dịch COVID-19. Anh Trung vội vàng trả lời: “Dưới này dịch bệnh phức tạp, ấp Ô Rô đang là vùng đỏ rồi, em không ngại sao mà đòi xuống”.

1.jpg
Lực lượng y tế xã Tân Ân phải trèo lên tàu cá (phương tiện đánh bắt trên biển) để test nhanh sàng lọc F0 - Ảnh: T.K

Biết anh lo cho tôi, nhưng vì nhiệm vụ tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh và bản thân cũng đã được chính quyền tỉnh Cà Mau tạo điều kiện tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 nên tôi chẳng ngại ngần đáp lại: “Mình đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên bằng dung dịch cồn, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người xung quanh và tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc 5K của ngành y tế thì sẽ không sao đâu anh”. Thế là vị Chủ tịch xã đảo Tân Ân đã không thể từ chối được trước câu trả lời quả quyết của tôi.

Đúng 10 giờ sáng 15.12, tôi có mặt như đã hẹn, sau vài câu chuyện trò, hỏi thăm sức khỏe của nhau rồi bắt đầu đi vào vấn đề chính – công tác phòng chống dịch bệnh ở xã Tân Ân. “Tình hình đang căng thẳng lắm, Tân Ân bây giờ được đánh giá mức độ dịch cấp 3 (vùng cam) rồi. Trong đó, ấp Ô Rô đang là vùng đỏ, xã có 5 ấp nhưng giờ đã có 3 ấp có nguy cơ cao và rất cao rồi”, anh Trung thông tin.

Lúc này, tôi hỏi anh trên địa bàn có trường hợp nào được điều trị tại nhà không? “Không, ở đây khi phát hiện F0 là được đưa đi cách ly, điều trị tập trung hết. Lượng bệnh đông, nên bệnh viện sắp bị quá tải rồi. Sắp tới chắc xã kiến nghị kích hoạt các điểm trường làm nơi cách ly, điều trị tập trung”, vị Chủ tịch xã Tân Ân cho hay.

Nói về nguyên nhân, số ca F0 ở địa phương tăng cao, anh Trung chia sẻ rằng, dân số ở Tân Ân đa số là người từ các địa phương khác đến cư trú, làm thuê, làm mướn nên có phần lơ là, xem nhẹ tác hại của bệnh dịch. Anh Trung cho biết thêm: “Ý thức lơ là, chủ quan của người dân là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát ở Tân Ân trong những ngày vừa qua. Mặc dù xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nên tuân thủ quy tác 5K theo khuyến cáo của ngành y tế. Nhiều người còn tụ tập để nói chuyện với nhau sau một ngày lao động vất vả”.

Tân Ân là xã đảo thuộc huyện Ngọc Hiển, trên địa bàn xã có nhiều nhánh sông, kênh rạch thông ra các cửa biển như cửa biển Rạch Gốc, Hóc Năng, Vàm Lũng…, dân cư sống rải rác dọc các tuyến kênh ven rừng để chăn nuôi thủy sản. Là địa bàn vùng sâu, vùng xa nên một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, nhất là trong việc thực hiện khuyến cáo 5K của ngành y tế. Họ thờ ơ, chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch tại địa phương còn mỏng nên ít nhiều đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát địa bàn.

Đêm đó, tôi ở lại Tân Ân để tìm hiểu về ý thức của người dân, cũng như dõi theo những bước chân của lực lượng làm nhiệm vụ trực chốt phong tỏa nơi đây. 21 giờ đêm 15.12, tại một chốt phong tỏa ở ấp Ô Rô, lực lượng làm nhiệm vụ đã làm rất tốt việc kiểm soát người ra vào địa bàn. Một cán bộ làm nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 cho hay: “Địa bàn với nhiều nhánh sông thông ra biển, khá nhiều người dân đi rừng bắt ốc len, ba khía, cua… nên rất khó kiểm soát được. Lực lượng y tế của xã thường xuyên ra các cửa biển để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch. Thế nhưng, ý thức phối hợp, chấp hành của người dân là rất lơ là, chủ quan. Ở đây lực lượng tuyến đầu vất vả lắm, nhất là cán bộ y tế”.

Tranh thủ thời gian một cán bộ dân quân tự vệ vội bóc vỏ gói mì tôm cho vào tô rồi pha với nước nóng, sau đó ăn vội cho đỡ đói. Có người tranh thủ ngã lưng trên chiếc võng được mắc tạm bợ ở chốt. Dẫu có mệt, đói nhưng lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch ở xã Tân Ân không một lời than vãn, kêu ca. Họ tuân thủ, chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh được giao phó.

“Do lực lượng y tế mỏng nên những đợt test nhanh sàng lọc để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì ban ngày chúng tôi được trưng dụng để làm nhiệm vụ lấy mẫu dịch để xét nghiệm nhanh cho người dân. Đêm đến thì tuần tra, khắp địa bàn hoặc trực chốt. Thời gian đầu khi test nhanh phát hiện F0 chúng tôi còn sợ hãi, nhưng sau này thành thói quen. Mình bình tĩnh hướng dẫn người dân, giữ đúng khoảng cách, mặc đồ bảo hộ và sát khuẩn thường xuyên thì sẽ không vấn đề gì. Đây là lúc mình phải hy sinh quên mình vì tổ quốc”, một dân quân tự vệ cho biết thêm.

2.jpg
Dù vất vả nhưng lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch ở vùng đất cực Nam Tổ quốc vẫn lạc quan, tin tưởng sẽ chiến thắng dịch bệnh - Ảnh: T.K

Ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển – nơi đây cũng đang là điểm “nóng” của dịch COVID-19. Trong lúc trao đổi với anh Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc thì một cán bộ vào báo cáo rằng dưới khóm vừa báo về có một trường hợp không chịu thực hiện test nhanh sàng lọc và xin ý kiến chỉ đạo từ anh Đảm. Lúc này, vị Chủ tịch UBND thị trấn nghiêm nghị: “Em cứ giải thích cho họ hiểu nếu họ chấp hành thì tốt, còn không chấp hành thì mình lập biên bản ghi rõ nội dung, nếu sau này họ bị nhiễm bệnh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và cho họ ký tên vào. Phải quyết liệt thì dịch bệnh mới sớm được khống chế được”.

Chỉ đạo xong, anh quay sang chúng tôi nói tiếp: “Em thấy không, ở đây tụi anh làm rất quyết liệt, trách nhiệm lắm nhưng có một số trường hợp vẫn thiếu ý thức. Nhiều lần anh xuống tận địa bàn tuyên truyền, vận động bà con nên cũng có chuyển biến tích cực. Số ca bệnh tăng cao, nếu mình không quyết liệt thì hậu quả lớn lắm. Nhiều đêm anh mất ngủ, có khi bị stress luôn, căng thẳng lắm em. Điện thoại anh để 24/24 để chỉ đạo công việc”.

Vất vả, dũng cảm và quyết liệt là những gì chúng tôi ghi nhận được từ chuyến đi thực tế đó. Có đi, mới thấy hết được nỗi cơ cực của lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ chống dịch. Họ chẳng quản ngại khó khăn, hy sinh thầm lặng để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Công lao và sự hy sinh của họ đối với cộng đồng xã hội xứng đáng được biểu dương, khen thưởng. Vùng đất cuối trời cực Nam của Tổ quốc trong những ngày qua đã chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, số ca F0 liên tục tăng cao, vượt mốc 1.000 ca mắc/ngày. Tin rằng, rồi đây với sự đồng lòng, kiên quyết của lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ phòng chống dịch sẽ kiểm soát được dịch COVID-19 đang hoành hành, gây hại đến sức khỏe của người dân. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
6 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chống dịch nơi vùng đất cực Nam Tổ quốc