Ngoài quận Đống Đa, TP Hà Nội vừa công bố thêm quận Hai Bà Trưng nâng cấp độ dịch lên mức 3 - nguy cơ cao, vùng cam.

Hà Nội công bố thêm một quận vùng cam

Tuyết Nhung | 18/12/2021, 18:46

Ngoài quận Đống Đa, TP Hà Nội vừa công bố thêm quận Hai Bà Trưng nâng cấp độ dịch lên mức 3 - nguy cơ cao, vùng cam.

UBND TP Hà Nội vừa thông báo đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Theo đó, TP Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (vùng vàng) nhưng số lượng các quận và xã, phường ở cấp độ 3 (vùng cam) trong phòng chống dịch COVID-19 đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.

ha-noi.jpg
TP Hà Nội công bố thêm một quận vùng cam là quận Hai Bà Trưng - Ảnh: Internet

Trong 30 quận, huyện, thị xã chỉ có 4 huyện ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh, giảm 4 địa bàn so với công bố vào ngày 11.12); 24 quận, huyện ở cấp độ 2 (tăng 3 quận, huyện) và 2 quận ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam, tăng 1 quận).

Với số ca mắc COVID-19 tăng nóng thời gian gần đây, quận Hai Bà Trưng đã chuyển từ cấp độ dịch 2 (vùng vàng) lên cấp độ dịch 3 (vùng cam). Trước đó 1 tuần, quận Đống Đa cũng được xếp vào cấp độ dịch 3. Ngoài 2 quận "vùng cam" kể trên, Hà Nội chưa có quận "vùng đỏ".

4 huyện cấp độ 1 ở Hà Nội là Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ và Ứng Hòa; 2 quận ở cấp độ 3 là Hai Bà Trưng và Đống Đa. Về cấp xã, phường, có 439 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 17 xã, phường); 132 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 5 xã, phường); 25 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng 12 xã, phường) và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).

25 xã/phường ở cấp độ 3 gồm: 2 xã của huyện Đông Anh là Vân Nội, Việt Hùng; 10 phường của quận Đống Đa là Khâm Thiên, Văn Miếu, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Phương Liên, Kim Liên, Thổ Quan, Khương Thượng, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở; xã Yên Viên của huyện Gia Lâm; phường Đống Mác của quận Hai Bà Trưng; 5 phường của quận Hoàn Kiếm là Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Bạc, Đồng Xuân, Cửa Đông; 2 phường của quận Hoàng Mai là Thanh Trì, Vĩnh Hưng của quận Hoàng Mai; xã Đông Xuân của huyện Quốc Oai; 2 phường của quận Tây Hồ là Quảng An, Yên Phụ; xã Văn Bình của huyện Thường Tín.

Trong 14 ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận 11.769 ca mắc tại cộng đồng (tăng 4.357 ca so với 14 ngày trước đó). Đặc biệt, liên tiếp trong 3 ngày qua (từ ngày 15 đến 17.12), TP ghi nhận từ trên 1.300/ca ngày, gần 40% là ca cộng đồng. Riêng ngày 17.12, số ca mắc tăng mạnh lên tới 1.440 ca.

Về tình hình tiêm vắc xin COVID-19, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều trên địa bàn TP là 94,3% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều là 94,1% (đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký, ban hành Chỉ thị số 25/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong dịp Lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Tình hình chống dịch trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chưa thống nhất rõ ràng thời gian cách ly F1, việc tổ chức xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm còn chậm. Một số nơi còn lúng túng, thậm chí lơ là, chủ quan trong tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch.

Để tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch, TP yêu cầu các địa phương phải thường xuyên đánh giá cấp độ dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp, xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và TP.

Căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn, các địa phương khẩn trương chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới...; hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin tối đa, hoàn thành việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo chỉ đạo; tập trung rà soát, bổ sung, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, công tác điều trị F0 tại nhà.

TP cũng đề nghị người dân tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó thực hiện nghiêm thông điệp 5K; khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết.

Bài liên quan
Hà Nội hướng dẫn điều trị F0 và cho dùng thuốc Molnupiravir tại nhà
Khi số ca F0 mắc tăng hơn 1.000 người/ngày, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng các trạm y tế lưu động và đưa ra hướng dẫn điều trị bệnh tại nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiêu thụ điện lập kỷ lục, cảnh báo hóa đơn tiền điện tăng cao
Cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc lên cao kỷ lục, có ngày lên tới gần 1 tỉ kWh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội công bố thêm một quận vùng cam