Kể từ hôm 15.6.2016, đài truyền hình VTV với tên gọi rất oách là truyền hình quốc gia, hoặc truyền hình trung ương, chính thức ngưng phát sóng theo công nghệ cũ analog. Một số đài địa phương lớn khác như Hà Nội, Sài Gòn cũng vậy. Thế là xong, kết thúc một thuở vô tuyến truyền hình.

Chuyện coi tivi

07/06/2017, 06:33

Kể từ hôm 15.6.2016, đài truyền hình VTV với tên gọi rất oách là truyền hình quốc gia, hoặc truyền hình trung ương, chính thức ngưng phát sóng theo công nghệ cũ analog. Một số đài địa phương lớn khác như Hà Nội, Sài Gòn cũng vậy. Thế là xong, kết thúc một thuở vô tuyến truyền hình.

Một hình ảnh quen thuộc thời những năm 80 - 90 thế kỷ trước - Ảnh: Tư liệu/Internet

Tôi dốt về kỹ thuật nên cứ liều hiểu truyền hình công nghệ analog là kiểu phát-thu cổ điển các chương trình. Nhà đài dựng cái cột phát sóng rõ cao, thậm chí có nơi còn lôi hẳn lên núi để “núi cao lên đến tận cùng/thu vào cột sóng muôn trùng nước non” như ở Tam Đảo, Ba Vì chẳng hạn, tỏa ánh sáng của đảng và chính phủ đến mọi ngóc ngách. Mỗi nhà có tivi chỉ cần mua cái ăng ten loại 8 que, 12 que, 24 que (tùy túi tiền), cũng cố treo lên thật cao, nóc nhà, ngọn cau, hoặc nối chắp vài ba cây tre lại. Ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ do dân sung túc lắm tiền nên chơi sang xài ống nước to bằng cổ chân cao mấy chục mét giằng dây ra bốn phía. Nối dây từ ăng ten xuống tivi, thế là xong phần kỹ thuật cơ bản. Chỉ việc mở tivi xem thôi. Analog đại loại như vậy.

Những năm xưa, có một thời khi về những vùng nông thôn, tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu có không còn là nhà ngói, nhà mái bằng nữa mà là cột ăng ten. Nơi nào ăng ten nhấp nhô ken dày, trông tua tủa như con nhím trời thì nơi đó giàu có, sung túc, văn hóa cao, nông thôn mới. Sau ngày đất nước thống nhất, đang đà hào hứng với thắng lợi, một vị lãnh đạo tối cao của đảng đã phấn khích rằng chỉ vài năm nữa nhà nào cũng có… tivi. Hồi những năm cuối thập niên 70, nhiều chuyến tôi về miền Tây Nam Bộ, đi dọc quốc lộ 4 cũ, nay là quốc lộ 1A, qua Long An, Tiền Giang (các huyện Bến Lức, Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè…) tuốt xuống ngã ba An Hữu gần bắc (phà) Mỹ Thuận, nhìn hai bên đường nhà dân xanh mướt cây ăn trái, ăng ten nhô cao san sát, thấy đẹp lạ và vui khó tả. Đó là biểu tượng giàu có của một thời.

Dạo miền Bắc mới xuất hiện tivi, có nhiều nhà nhà chắt chiu tằn tiện lắm mới sắm được chiếc tivi cũ đen trắng, thậm chí sạch túi không còn tiền để mua chiếc ăng ten ra hồn. Nhà tôi ở quê ngoại thành Hải Phòng, cuối thập niên 70 hay đầu 80 gì đó, ông Kha em rể tôi mua được chiếc tivi hàng tàu do thủy thủ tàu Vosco buôn về, tuy đồ cũ nhưng của Nhật, xài điện 120V, bền lắm. Khi ấy hàng Nhật là số 1, giờ vẫn số 1, nhất là tivi. Chưa sắm được ăng ten, Kha bèn dựng cây tre cao đầu nhà, lấy mấy cái vung nhôm cũ cột dính vào nhau mắc lên đỉnh ngọn tre, nối dây xuống, thế mà cũng coi được. Chỉ phải cái hôm nào gió to thì vung bị xoay chỗ khác, kêu lanh tanh rất vui tai, lại phải hạ cột xuống điều chỉnh. Kha bắt chước cán bộ trung ương gọi đó là giải pháp tình thế. Nhiễu sóng, mất nét, thậm chí mất hình là chuyện cơm bữa. Vậy mà hôm nào cũng như hôm nào, cuối chiều cả nhà vồi vội ăn cơm sớm để tối còn rảnh rỗi thưởng thức món văn hóa cao, coi tivi. Sau sắm thêm được cái đầu video nữa lại càng xôm tụ. Trẻ con hàng xóm chẳng biết chúng cơm cháo gì chưa mà đã thập thò đầy ngoài ngõ. Kha lấy mấy cái chiếu cũ trải ra sân gạch, cung kính mời “các ông bà trẻ” vào coi chương trình Những bông hoa nhỏ, dặn dò kỹ đến phần thời sự chúng mày nhớ ngồi yên đừng có xì xào để người nhớn xem, nghe chửa.

Năm 1982, hồi tôi làm nghề dạy học trong Sài Gòn, nghỉ hè về thăm quê, đúng dịp World Cup đá ở Tây Ban Nha. Truyền hình trung ương hồi ấy không phát hết mọi trận, chỉ chọn một số trận cầu đinh thôi. Lấy cái đồng hồ con gà mái mổ thóc của Trung Quốc hẹn giờ để dậy kẻo dễ bị ngủ quên. Có hôm thày tôi, Kha và tôi, ba ông con pha ấm chè đặc cho tỉnh ngủ, cùng chui vào màn mắc ở ngoài hiên cho mát, xem vô tuyến thật say sưa. Xong rồi còn bàn luận sôi nổi, ăn khoai luộc bồi dưỡng ca đêm. Hồi đó đài vệ tinh mặt đất Hoa Sen ở Sài Gòn thu lại và chuyển cho bên nhà đài vô tuyến. Những kỷ niệm thân thương thế dù thời gian trôi đi vẫn chẳng phai mờ, cứ nhớ lại bổi hổi bồi hồi.

Gia đình bé mọn của tôi ở Sài Gòn cũng trải qua nhiều đời tivi. Chiếc đầu tiên là cái tivi đen trắng cũ 14 inches năm 1981 mua lại của thầy Trần Mạnh Hảo dạy toán Trường DBĐH, cũ đến mức hiệu của nó là gì cũng chả biết nữa. Nhớ láng máng trả thầy Hảo mấy chục đồng rồi khệ nệ vác về. Nhiều lần vừa coi vừa vỗ vỗ vào vỏ nó mới hiện hình, thường xuyên cảnh có hình mất tiếng, có tiếng mất hình. Có lần vừa mới vặn công tắc mở thì bên trong xẹt điện xanh lè, phát khiếp. Vỗ mãi đập mãi khiến nó chịu không nổi, vài tháng sau cu cậu liệt luôn, đành phải thay, mua chiếc tivi mới hiệu Orion, tivi màu đàng hoàng, made in Vietnam. Mất béng khoản tiền dạy luyện thi nửa năm chứ vừa đâu. Rồi khoảng đầu thập niên 90, chê Orion, chơi sang lên tận cửa hàng của Đài truyền hình TP.HCM ở đường Đinh Tiên Hoàng mua hẳn con JVC màu 19 inches, giá tiền tính ra vàng khoảng 8 chỉ, coi đã lắm. Thời gian qua đi, hết loại dày tới loại mỏng, màn hình cong màn hình phẳng, hết JVC tới Sony, Samsung, rồi còn kéo theo đầu thu đầu phát, đầu video… cho thỏa khao khát vô tuyến truyền hình. Giờ nghĩ lại thấy mình cũng bốc đồng hơi ngu ngu, chỉ thích đầu tư vào mấy thứ vớ vẩn, chứ nếu chịu khó dành dụm mua mảnh đất thì có phải đỡ biết bao nhiêu.

Một hôm tôi đang kẻ cái khẩu hiệu Chúc mừng năm mới bên khu trường thì thằng cháu Thức con thầy Nguyễn Cương chạy ra khoe chú ơi bố cháu mới mua cái vô tuyến không cần bật công tắc mà chỉ điều khiển từ xa cũng lên hình. Tôi không tin, làm quái gì có thứ thần thoại thế. Chạy vào nhà nó, chiếc Sony vỏ đỏ màn hình phẳng (còn xịn hơn cả JVC vỏ đỏ) đang ngự trên tủ buýp phê, thằng Thức 7 tuổi cầm cái cục nhựa bằng cổ tay bấm một nhát là mở được. Tài thật. Thoáng cái bây giờ nó đã là một bác sĩ giỏi của Bệnh viện Chợ Rẫy, nghe đâu làm giám đốc cơ sở mới của bệnh viện này mãi tận bên Phnom Penh ở Campuchia. Dòng đời trôi nhanh thật. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện coi tivi