Tôi còn nhớ như in những buổi đứng lớp đầu tiên, vào lớp mà phát hoảng, thấy tinh những học trò oai phong lẫm liệt, thậm chí nhiều đấng bậc tuổi đàn anh đàn chị mình.

Chuyện đại học: Chính thức bước vào đời

26/06/2018, 08:14

Tôi còn nhớ như in những buổi đứng lớp đầu tiên, vào lớp mà phát hoảng, thấy tinh những học trò oai phong lẫm liệt, thậm chí nhiều đấng bậc tuổi đàn anh đàn chị mình.

Lớp học thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhiều khi đang tiết học vội chạy ra hầm hào tránh bom - Ảnh: Tư liệu/Internet

Kỳ trước: Chuyện đại học: Thi dưới tầm bom Mỹ

Tháng 12.1976 tôi tốt nghiệp đại học. Bốn năm rưỡi trôi qua lúc nhanh lúc chậm. Tạm biệt các thầy cô khoa Văn, Trường Tổng hợp, cả cái nhà C2 cũ kỹ khu ký túc xá Mễ Trì, nhà ăn bị bom B-52 dạo 12 ngày đêm chỉ còn một nửa, hội trường phong cách kiến trúc Trung Quốc, mấy khóm trúc đào rực nở quanh năm, cả những cây xà cừ cổ thụ hai người ôm mới hết. Tạm biệt quán bà u phía bên cổng trường ngoại ngữ Thanh Xuân, có cô con gái tên Xuyến mắt liếc đám sinh viên, đứa nào bố mẹ gửi cho vài đồng bạc trong tay sau khi vào quán u mà còn đem về được 1 hào cũng thuộc hạng ghê gớm bởi cô Xuyến đáo để có cách rút cho bằng hết…

Đêm chia tay chấm dứt quãng đời mài quần trên ghế giảng đường để hôm sau đứa nào đứa ấy về quê, tôi và chúng nó, đám thằng Ngọc Bính, Xuân Ba, Bá Tân, Quang Tửu, Văn Bảo, anh Ma Duy Giang… lôi chiếu, lôi hòm gỗ khóa chuông bị mọt nham nhở ra đốt cháy rừng rực, thả xuống đất, hò reo rầm trời. Chả biết ai báo, sáng hôm sau, bác Bạn trưởng ban quản lý, rồi cả chú Bích y tế, chú Tế bảo vệ, anh Nghề bên nhà ăn… kéo một đoàn lên lập biên bản, theo cách bây giờ gọi là xử lý tội “gây rối trật tự công cộng”. Anh Lê Quốc Lập và anh Nguyễn Văn Sĩ (cùng dân xứ Thanh, bộ đội đi học) trong ban cán sự lớp thay mặt ký tên “nhận khuyết điểm, cam kết không tái phạm”. Khi những nhà chức việc vừa quay gót, anh Lập cười hơ hơ bảo ôi dào ký cho các ông ấy hài lòng chứ chút nữa bọn mình tếch hết, còn quái đứa nào ở lại mà thi hành. Dọn dẹp xong, đến trưa cả bọn góp tiền, góp phiếu lương thực đổi được một rổ tú hụ bánh cuốn Thanh Trì, liên hoan tưng bừng chia tay. Hình như thằng Vương hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”, sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Với tôi, quả đúng là chưa bao giờ, nhưng là chưa bao giờ được ăn bữa bánh cuốn no đến thế. Chả bù cho suốt mấy năm thấy cô hàng bánh cuốn Thanh Trì bê rổ bánh thơm nức mùi hành phi vào bán dạo, thèm cồn cào gan ruột mà cứ phải ra vẻ “người quân tử ăn chẳng cầu no”. Nay thì no lặc lè, cuối cùng bắt tay nhau chia biệt, kẻ ra ga Hàng Cỏ, đứa đi bến Nứa, người thẳng bến Kim Liên, ai nấy khăn gói quy cố hương, hẹn vài tháng sau gặp lại khi nhận công tác. Bịn rịn, rơm rớm nước mắt, hệt như tiễn nhau đi chiến trường hồi năm 1975.

Tôi về quê huyện Kiến Thụy, Hải Phòng với chiếc ba lô lép xẹp. Quần áo cũ, nhuộm đi nhuộm lại, đầy vết lộn cổ, tích kê đùi mông chằng đụp mặc suốt mấy năm, còn tiếc gì mà chẳng bỏ. Chiếc vỏ chăn đơn bộ đội màu cỏ úa ông anh ruột để lại cho trước khi vào chiến trường cho cũng đã rách, bạc trắng, chả đem về làm gì. Còn chiếc áo vải pô pơ lin màu xám khá mới của thằng Tửu người Hà Nam, nó đổi lấy chiếc sơ mi trắng của tôi, bảo để cùng nhau giữ làm kỷ niệm, “đập cổ kính ra tìm lấy bóng/xếp tàn y lại để dành hơi” (thơ vua Tự Đức), tôi gói cẩn thận cất vào đáy ba lô. Chiếc áo ấy, tôi đem vào miền Nam vận mãi đến năm 1980 rách sờn cả cổ mới phụ nó.

Quê nhà Hải Phòng. Mùa đông năm 76 rét lắm, mà sao suốt từ năm 1972 đến giờ hình như tiết đông năm nào cũng buốt giá, có những lúc xuống chỉ còn 4 - 5 độ. Thực ra so với mấy chục năm sau thì vẫn chưa là cái đinh gì bởi năm 2015 miền Bắc xuống dưới 0 độ, các vùng Ba Vì, Tam Đảo ở thủ đô, thậm chí tận vùng núi Nghệ An còn có tuyết, nước suối đóng băng, nhưng hồi ấy đồ chống rét không nhiều, quần áo chăn mền chả bao nhiêu, chủ yếu chịu đựng bằng cái tinh thần “phong phanh áo vải hồn muôn trượng”, nên cứ sắp tới mùa đông là sợ. Tôi ở nhà với thày bu tôi, ngày rét vẫn ra đồng trồng rau cấy lúa, thỉnh thoảng có ý ngóng lên Hà Nội, vừa hóng tin tức xem đã có gì chưa, vừa nhơ nhớ cảnh cũ người xưa bởi vẫn còn thầy cô bạn bè trên đó. Sau mấy năm “dài lưng tốn vải”, giờ phụ giúp việc nhà mới thấm sự vất vả của nghề nông, cũng may cái chân cái tay mình từng quen làm lụng, thuận việc đồng áng nên không đến nỗi nào.

Chưa kịp giúp thày bu thu hoạch vụ lúa chiêm thì tôi nhận được giấy thông báo của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp kêu lên nhận quyết định phân công công tác. Quyết định do Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy ký, cầm trên tay mà cứ run run. Kể từ nay, mình chính thức bước vào cuộc mưu sinh. Vào đời. Cảm giác thật khó tả.

Hầu hết bạn bè đều được nhận việc ở Hà Nội, người được giữ lại khoa làm cán bộ giảng dạy, người về nhà xuất bản, người về các báo, người về các viện nghiên cứu, ít nhất cũng được về quê gần gũi gia đình. Chỉ có tôi và anh Trần Ngọc Hồng xứ Nghệ hát bài hành phương nam. Tôi được điều vào Trường dự bị đại học TP.HCM, còn anh Hồng làm phóng viên TTXVN ở miền Nam (vài tháng sau, anh Hồng xin chuyển qua Trường đại học Tổng hợp TP.HCM). Nếu chậm một chút thì có lẽ tôi đã về báo Hải Phòng bởi người trong họ nhà tôi có quen Tổng biên tập Kim Toàn, ông ấy đã hứa nhận, nhưng thôi, cái số mình, nghe ông thày bói bảo tuổi Ất Mùi phải thiên di, không được ở gần nhà, đành chịu.

Giữa tháng 4.1977, tôi ra ngân hàng nhà nước Hải Phòng trên đường Nguyễn Tri Phương gần bến Bính đổi 100 đồng tiền miền Bắc được 90 đồng tiền Nam. Đứa em gái ra tiễn, hai anh em lủi thủi đến bến Chùa Vẽ. Xuống tàu khách Thống Nhất, để tiết kiệm, tôi trước đó đã mua vé loại 60 đồng, hạng bét dem, không có phòng, xách ba lô lang thang hết boong này boong nọ, tới bữa mua vé cơm 8 hào/suất, sau suốt 48 tiếng lênh đênh trên biển thì cặp bến Nhà Rồng. Tôi ghé vào đồn biên phòng cảng gặp ông anh là bạn học thời cấp 3 của anh trai tôi, anh ấy đãi bữa cơm lính rồi lấy xe đạp chở xuống quận 5. Thả tận cổng trường rồi, anh còn dặn nếu có gì khó khăn, mày cứ gọi cho anh, nhé.

Từ nay tôi chính thức vào nghề giáo học, giống như thầy Bạt thầy Mông cụ giáo làng hồi học lớp vỡ lòng-tập chép, như các thầy cô thời cấp 1, cấp 2, cấp 3, như thầy Chung, thầy Diên, thầy Đức, thầy Đệ, cô Thơ là các giáo sư thời đại học.

Đời dạy học cũng lắm buồn vui. Trường tôi dạy thuộc dạng trường đặc biệt được lập ra thời hậu chiến, chỉ thu nhận học viên thuộc diện chính sách (bộ đội, thương binh, cán bộ đi học, con em gia đình cách mạng, TNXP, người dân tộc thiểu số, con cán bộ). Tôi còn nhớ như in những buổi đứng lớp đầu tiên, vào lớp mà phát hoảng, thấy tinh những học trò oai phong lẫm liệt, thậm chí nhiều đấng bậc tuổi đàn anh đàn chị mình. Ai nấy đều mạnh bạo, tự nhiên, cười nói oang oang, vẻ tự chủ bản lĩnh toát ra từng khuôn mặt. Có “bác” còn chơi nguyên bộ đồ lính mới tinh, đeo cả quân hàm quân hiệu rất oai, có người từng là đặc công rừng Sác, người thì lính lữ đoàn xe tăng 203 vào chiếm dinh Độc Lập trưa 30.4. Số có tuổi phần lớn đã tốt nghiệp lớp 10/10 phổ thông rồi đi bộ đội hoặc vào chiến trường B công tác, nay được nhận thẳng vào trường; đám trẻ hơn hầu hết là con cán bộ, thi đại học bị trượt, thiếu tí ti điểm, được xét vào hệ dự bị. Tất cả đều học 1 năm ở đây, bồi dưỡng củng cố lại kiến thức, năm sau vào thẳng các trường đại học, khỏi cần thi quốc gia, chỉ cần qua một kỳ thi nội bộ cho đủ lệ. Chúng tôi thường đùa, chả phải học sinh, chả phải sinh viên, đố là ai? Trả lời: học viên lớp 13.

Suốt đêm không ngủ được. Sáng sớm bật dậy. Chọn bộ đồ mới nhất, lần đầu tiên bỏ áo trong quần, chưa có tiền mua giày nên vẫn loẹt quẹt dép lê, tôi hồi hộp tới lớp, sớm vài phút, rụt rè lặng lẽ ngồi hàng ghế dưới cùng, chưa dám vào thẳng lên bàn giáo viên. Một anh bộ đội bên cạnh hỏi ông quê đâu, tôi đáp Hải Phòng, gã phát đánh đét vào đùi tôi, a đồng hương, dân Thủy Nguyên đây, mà sao giờ này chưa thấy giáo viên đến nhỉ. Nghe vậy tôi giật mình nhìn vào chiếc đồng hồ Orient Nhật màu hồng 4 đinh “thủy quân lục chiến” của gã, biết rằng đã tới giờ dạy, vội ôm tập giáo án bước lên. Ai nấy trong lớp ồ một lượt ngạc nhiên, kiểu như ối giời ơi, thày giáo thầy giếc gì mà non choẹt thế. Sau này cái anh bộ đội người Thủy Nguyên lúc đã thân tình rủ rỉ bảo ông chả chịu nói sớm làm tôi thất lễ quá. Y tên Đào Gia Thiệp, người xã Tân Dương, một tay bộ đội đi học nhiều tài lẻ, chơi đàn phong cầm (accordeon) vào hàng thượng đẳng, chỉ có điều về sau đang học dở đại học Sư phạm thì bỏ về quê làm ruộng, bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn gần chục năm rồi mới nghỉ.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện đại học: Chính thức bước vào đời