Trên đường tránh thị xã Cai Lậy, chủ đầu tư xây 2 chiếc cầu ngắn và thấp tè, khiến người dân khổ sở! Không những thế, họ còn phải đào hầm chui dưới cầu để lưu thông cho an toàn.

Chuyện ‘đào hầm chui’ trên đường tránh thị xã Cai Lậy

Hùng Anh | 07/12/2017, 10:01

Trên đường tránh thị xã Cai Lậy, chủ đầu tư xây 2 chiếc cầu ngắn và thấp tè, khiến người dân khổ sở! Không những thế, họ còn phải đào hầm chui dưới cầu để lưu thông cho an toàn.

Trong lúc nhiều người vui mừng vì Trạm thu phí BOT Cai Lậy dừng thu phí thì hàng ngàn người dân ở 2 ấp Mỹ Phú (xã Long Khánh) và ấp Phú Trinh (xã Nhị Quý), TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hết sức khổ sở vì những cây cầu “kỳ cục” trên tuyến đường tránh do Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang đầu tư. Đó là 2 cây cầu Bà Muông (ấp Mỹ Phú) và cầu Ông Mười (ấp Phú Trinh).

Bà Nguyễn Thị Anh (75 tuổi), nhà ở ngay đầu cầu Bà Muông, kể: “Trước khi có đường tránh Cai Lậy thì 2 bên rạch Ba Muông có đường giao thông. Khi làm đường tránh, mấy ổng xây dựng cây cầu ngang qua rạch, đổ móng cầu bít luôn đường đi của dân”. Lúc người dân phản ứng, đơn vị thi công cho làm mỗi bên 2 con đường dân sinh vòng từ chân cầu lên đường tránh. Tức ai muốn lưu thông tiếp, phải chấp nhận băng qua đường tránh Cai Lậy, ngay dưới chân cầu, rất nguy hiểm khi xe cộ từ trên cầu đổ xuống liên tục.

Bà Nguyễn Thị Anh, người từng bị tai nạn giao thông chấn thương nặng ở cầu Bà Muông, là 1 trong những người tham gia đào hầm chui dưới gầm cầu - Ảnh: Thanh Anh

Và dĩ nhiên, sau đó rất nhiều người bị tai nạn vì xe trên cầu xuống đâm vào, nên dân ấp Mỹ Phú xúm nhau… đào mố cầu thành “hầm chui” ngay vị trí con đường cũ để lưu thông cho an toàn. “Gia đình tui cũng có tham gia đào mố cầu làm hầm chui, sau khi tui đi bộ ngang dốc cầu thì bị xe gắn máy tông chấn thương nặng, phải nằm bệnh viện tốn mấy triệu đồng tiền thuốc. May mà khu vực này chưa xảy ra tai nạn chết người, còn bị thương thì không đếm xuể”, bà Anh cho biết.

Tương tự như cầu Bà Muông, khu vực cầu Ông Mười, người dân cũng phải tự đào hầm chui để đi lại cho an toàn. Ông Trần Văn Bé (60 tuổi, bán vé số lâu năm ở đầu cầu Ông Mười), cho biết ông đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn xảy ra ở 2 đầu cầu từ khi đường tránh thông xe.

“Thương tâm nhất là vụ 1 ông lão và 1 cháu học sinh đi xe đạp băng qua đầu cầu thì bị xe ôtô tông chết tại chỗ. Còn những vụ tai nạn chỉ bị thương mà không chết người thì nhiều lắm”, ông Bé nói. Theo ông Bé, sau khi xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng ở 2 đầu cầu, người dân đào hầm chui đi dưới gầm cầu, nên lâu nay tai nạn đã giảm.

“Nhưng hầm chui tự đào thấp lè tè, cao chỉ khoảng 2 m, qua lại rất khó khăn. Người dân rất mong muốn nhà đầu tư xây dựng đường tránh hỗ trợ làm con đường đàng hoàng dưới gầm cầu để người dân bớt khổ. Tui cũng có đứa cháu băng qua đường khi chưa có hầm chui nên bị tai nạn”, ông Trần Văn T., công nhân dọn vệ sinh trên đường tránh của Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, cho biết.

Theo đúng lý, 2 câu cầu này phải được xây với độ tĩnh không cao, để ghe xuồng qua lại dễ dàng, và 2 bên bờ giao thông bộ dọc theo tuyến rạch cũng thông suốt. Không hiểu saochủ đầu tư lại cholàm những cây cầu thấp, hết sức bất tiện cho người đi ở dưới.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ‘đào hầm chui’ trên đường tránh thị xã Cai Lậy