Tại hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, các ý kiến cho rằng có thể áp dụng đại học số để đào tạo nông dân, chợ số dể tiêu thụ sản phẩm và áp dụng bảo hiểm thiên tai để chống lại nỗi sợ nghìn đời.

Chuyển đổi số nông nghiệp: Đại học số, chợ số, bảo hiểm thiên tai cho nông dân? Tại sao không?

Lam Thanh | 19/06/2021, 18:39

Tại hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, các ý kiến cho rằng có thể áp dụng đại học số để đào tạo nông dân, chợ số dể tiêu thụ sản phẩm và áp dụng bảo hiểm thiên tai để chống lại nỗi sợ nghìn đời.

Mù mờ về thông tin sẽ ngắt quãng cung – cầu

Tại hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan cho biết sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu trong nông nghiệp.

“Người sản xuất mù mờ về thị trường trong khi thị trường mù mờ về sản xuất. Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu. Việc kết nối vạn vật, kết nối với người và vật quá khó khăn dẫn đến câu chuyện giải cứu trong nhiều mùa vụ, mang tính chu kỳ.

Tôi mong nền nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu, thông tin, thì ngành nông nghiệp mới vươn xa hơn. Minh bạch cũng tạo nên thương hiệu của nền nông nghiệp có trách nhiệm. Việc thay đổi dù khó khăn vì chúng ta đã quen với ngôi nhà cũ, chuyển sang ngôi nhà mới sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu nhưng bổn phận của chúng ta là phải thay đổi”, ông Hoan nêu.

chuyen-doi-so-2.jpg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Bộ NN-PTNT xác định khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất là 2 trụ cột quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cả 2 vấn đề này đều liên quan mật thiết đến chuyển đổi số”.

Theo đó, việc xây dựng hệ thống dữ liệu số nông nghiệp cho phép lưu trữ, quản lý dữ liệu của nông nghiệp Việt Nam, kết hợp với ứng dụng hiển thị thông tin dữ liệu là rất cần thiết; hệ thống bản đồ nông nghiệp số Việt Nam sẽ đáp ứng được mục tiêu quản lý, cập nhật liên tục dữ liệu về thổ nhưỡng, thủy văn, nông sản, lâm sản, thủy sản tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Qua đó, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có đủ dữ liệu, số liệu cập nhật để hoạch định chiến lược, sách lược vĩ mô (gồm hoạch định tìm kiếm thị trường, hoạch định chính sách quản lý, hoạch định vùng cây trồng...).

Hệ thống dữ liệu số trong nông nghiệp cũng sẽ giúp kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thông tin khách quan, cập nhật, đầy đủ để hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh.

“Đại học số”, “chợ số” cho bà con nông dân

Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chuyển đổi số thực chất là cách làm nông nghiệp khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số. “Lực cản chuyển đổi số của một tổ chức thì chủ yếu là ở người đứng đầu chứ không phải ở nhân viên, vì nhân viên và đối tượng phục vụ của tổ chức đó luôn được hưởng lợi từ chuyển đổi số”, ông Hùng nêu.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng nêu, khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng, giá nông sản thấp. “Quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không xuất xứ và không thương hiệu; nông dân đã nghèo nhưng mua con giống, mua phân bón không biết có đúng giá, đúng chất lượng không…”

Theo ông Hùng, một sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân có thể giải quyết được các khó khăn trên. Bà con đưa được sản phẩm của mình lên sàn. Sản phẩm của mỗi mảnh đất phải có thương hiệu riêng, có xuất xứ không bị làm giả, giá trị của quả chuối còn có giá trị của nắng, của gió, của đất nơi ấy….

Vậy là quả chuối không còn là quả chuối nữa, mỗi quả chuối của mỗi cây chuối, của mỗi gia đình nông dân có sự khác biệt, có đời sống riêng, có giá trị duy nhất… Sàn này còn kết nối bà con nông dân với các nhà cung cấp con giống, phân bón và được đảm bảo chất lượng.

Theo Bộ trưởng Hùng, bà con nông dân có khó khăn là không có sóng di động, không có phương tiện truy nhập Internet. Bộ TT-TT cũng đã chỉ đạo một chương trình để đến hết năm nay, mỗi hộ nông dân ít nhất có một điện thoại thông minh để truy nhập Internet.

Bộ cũng đã có giải pháp để đẩy nhanh việc mỗi hộ nông dân có một đường cáp quang Internet, trước đây mục tiêu là đến 2030, nay mục tiêu đã rút lại là trước 2025. Muốn chuyển đổi số nông nghiệp thì đây là điều kiện đầu tiên.

chuyen-doi-so.jpg
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Một khó khăn nữa của bà con nông dân là luôn là thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu đào tạo. Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, mới được ký ngày 25.2.2021 vừa qua, cũng chỉ dám đặt mục tiêu tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%.

Ông Hùng cho rằng đấy là tiếp cận theo cách cũ. Còn nếu là đào tạo trực tuyến thì sao? Nếu có một nền tảng đào tạo trực tuyến dạng MOOC (Massive Open Online Course) dành riêng cho bà con nông dân thì sao? Nếu có một đại học số cho bà con nông dân để họ không phải khăn gói lên thành phố học thì sao? Nếu người nông dân có trợ lý ảo để có thể hỏi về bất cứ thứ gì liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì sao? Có thể đạt 100% lao động nông nghiệp qua đào tạo vào năm 2025 không?

Một khó khăn nữa của người nông dân luôn là khoảng cách với thành phố. Khó khăn của họ là không tiếp cận được với đào tạo chất lượng cao cho con cái, là không tiếp cận được với y tế chất lượng cao. Thu hẹp khoảng cách này lại chính là lợi thế của công nghệ số, của chuyển đổi số.

Theo đó, đào tạo trực tuyến tức là người giáo viên giỏi nhất toàn quốc sẽ đến được với bất cứ học sinh nào, dù là nông thôn hay thành phố. Các nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa cũng giúp bà con tiếp cận được với bác sĩ chuyên khoa giỏi trên toàn quốc.

Hệ thống cầu truyền hình kết nối các bệnh viện tuyến huyện với bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối ở tỉnh, ở trung ương để bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia đầu ngành tư vấn cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng y tế cho bà con nông dân. Các phần mềm AI hỗ trợ các bác sĩ đọc hình ảnh X quang cũng giúp giảm khoảng cách về y tế giữa nông thôn và thành thị.

“Bán biết bao nhiêu quả chuối, cân gạo để mua được một chiếc iPhone? Nhưng với người Nhật, cùng là quả dưa, quả hồng, quả đào nhưng giá khác nhau hàng chục lần tùy thuộc vào của tỉnh nào, của mảnh đất nào, của gia đình nào. Và nếu đấu giá thì giá còn khác nữa. Việc đưa thương hiệu vào từng quả chuối, từng ngôi làng, từng mảnh vườn, từng hộ gia đình là khả thi với công nghệ Blockchain”, Bộ trưởng Hùng nêu.

Bảo hiểm thiên tai, tại sao không?

Một khó khăn nữa của bà con nông dân là phụ thuộc vào thiên tai, thời tiết. Đây là nỗi sợ ngàn năm. Bộ trưởng Hùng nêu câu hỏi “vậy có công ty bảo hiểm nào không? Tại sao người đáng có bảo hiểm nhất là bà con, vì họ nghèo nhất, thì lại không có ai làm?

Một nước ở châu Phi là Kenya đã làm như sau. Họ lắp đặt một số trạm đo thời tiết tự động, dùng công nghệ và dữ liệu lớn để dự đoán và sau đó thành lập một quỹ bảo hiểm cho bà con. Bà con có thể mua bảo hiểm để nếu mất mùa do thời tiết thì vẫn thu hồi được một phần vốn. Vậy, chúng ta có làm một việc tương tự để bà con nông dân đỡ đi nỗi sợ ngàn năm là thời tiết, thiên tai, mùa màng không?”, Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng Hùng chia sẻ: “Nói đến đây thì tôi chợt nghĩ, câu chuyện công nghệ số, chuyển đổi số có phải là câu chuyện nông thôn bao vây thành thị không?

Tức là chuyển đổi số nông thôn trước. Vì nơi đây có nhiều nỗi đau hơn, nơi đây chuyển đổi số mang lại những lợi ích thiết thực hơn và chỉ cần áp dụng những gì cơ bản đã có hơn là phát triển mới. Nơi đây là tình yêu, là cội nguồn của mỗi chúng ta, là nơi mỗi khi khó khăn nhất ta lại tìm về thì tại sao lúc ta có điều kiện thì lại không đầu tư cho nơi ấy?

Nông thôn mà chuyển đổi số trước hơn, nhanh hơn, thành công hơn thì sau đó có kích thích thành thị chuyển đổi số không? Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam thì thành công luôn đến từ nông thôn bao vây thành thị. Chiến tranh chống ngoại xâm là như vậy. Mất nước rồi giành lại nước cũng là như vậy. Đổi mới cũng là như vậy. Nông nghiệp đã đổi mới thành công trước và gây cảm hứng cho cả đất nước đổi mới”, Bộ trưởng nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số nông nghiệp: Đại học số, chợ số, bảo hiểm thiên tai cho nông dân? Tại sao không?