Để giải quyết những bất lợi do đại dịch COVID, việc áp dụng KH-CN trở thành yếu tố tiên quyết trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Hỗ trợ tiêu thụ trên nền tảng số
Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19 khiến các chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản bị gián đoạn do chính sách kiểm soát, phong tỏa các quốc gia. Điều này khiến việc tiệu thụ nông sản gặp khó khăn cả trong nước lẫn thị trường quốc tế, nông sản Việt lại phải vào thế kêu gọi "giải cứu", trong khi việc này chưa bao giờ là giải pháp hiệu quả, bền vững.
Để giải quyết những bất lợi do đại dịch, việc áp dụng KH-CN trở thành yếu tố tiên quyết vì KH-CN là một trong hai trụ đỡ trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Một trong những giải pháp hiệu quả mà các địa phương, DN đang áp dụng là tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử (TMĐT). Mới đây 4 sàn TMĐT gồm: Postmart.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Lazada.vn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 4 đơn vị sản xuất, thu mua vải và nông sản của Hải Dương. Các sàn dự kiến phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này.
Cùng với vải thiều Thanh Hà, Hải Dương còn có 5 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử gồm: trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, cải bắp, su hào Gia Lộc.
Hoặc gần đây nhất, hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh Sóc Trăng tìm giải pháp phù hợp giúp cho bà con nông dân thị xã Vĩnh Châu tiêu thụ hành tím bị tồn đọng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với sàn Voso.vn, tổ chức chương trình hỗ trợ tiêu thụ. Và chỉ sau gần 10 ngày đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 30 tấn hành. Ước tính đến hết tháng 5, lượng hành tím hỗ trợ tiêu thụ qua TMĐT có thể lên tới 150 tấn.
Hay với vải thiều Bắc Giang, sàn Voso.vn đã đưa sản phẩm này lên sàn vào ngày 28.5.2021, với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Đồng thời, sàn cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng bà con nông dân tại Bắc Giang tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn.
Còn tại tỉnh Sơn La, với các giải pháp tương tự, các mặt hàng nông sản như: mận hậu và xoài tròn Yên Châu (Sơn La) đã chính thức lên sàn Shopee để phân phối tại thị trường Hà Nội và TP.HCM vào chiều ngày 28.5.2021. Các sản phẩm lên sàn TMĐT, đều được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Truy xuất nguồn gốc, khẳng định chất lượng sản phẩm
Bên cạnh việc áp dụng nhiều kênh tiêu thụ, các mặt hàng nông sản cũng được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Tem truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao sự cam kết và trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối.
Ví dụ, sau 3 ngày lên kệ hệ thống siêu thị Á Châu, lô vải thiều Thanh Hà gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 nhập khẩu vào Pháp đã được tiêu thụ nhanh chóng. Khi có tem, họ đã được tiếp cận thông tin đầy đủ, từ quy trình trồng cho tới lịch sử thu hoạch, đóng gói, các chứng chỉ kiểm tra chất lượng...
Cũng từ đó, doanh nghiệp Pháp đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu và lô vải thứ hai sẽ được nhập ngay trong tuần này. Như vậy, chỉ trong 7 ngày, có hai lô hàng gần một tấn vải thiều được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này.
Bên cạnh đó, tại thị trường Nhật Bản, các lô vải thiều tươi của nước ta xuất khẩu từ đầu năm tới nay cũng được gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247. Dự kiến mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu sẽ xuất khoảng 2.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản, trong đó Bắc Giang và Hải Dương mỗi địa phương là 1.000 tấn.
Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN... năm nay trái vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như: Mỹ, Australia, Hà Lan, Anh, Canada, UAE, Thái Lan… Như vậy, có thể thấy, khi việc truy xuất nguồn gốc, thông tin về nông sản được minh bạch sẽ giúp cho sản phẩm nhanh chóng thâm nhập và có vị trí bền vững hơn ở thị trường xuất khẩu.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Bộ cũng đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc. Dự kiến quý 4/2021, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động.
COVID-19 góp phần thay đổi hành vi mua sắm
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, cùng với sự thay đổi nhanh chóng từ mua sắm, tiêu dùng trực tiếp của các chủ thể trong xã hội dịch chuyển sang hành vi mua sắm, tiêu dùng trên internet, việc đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc đã thúc đẩy các DN chuyển mạnh sang kinh tế số.
Ông Thịnh cho rằng hoạt động trực tuyến đã trở nên quen thuộc và thu hút sự tham gia của nhiều DN trong nền kinh tế. Các giao dịch giữa các DN, các hợp đồng cung cấp nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị… đã được nhiều DN thực hiện thông qua mạng internet, qua các thông tin trên các sàn điện tử.
“Đây có thể xem là bước đột phá của DN Việt Nam trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khi ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số nhiều hơn trong quản trị và vận hành sản xuất kinh doanh”, ông Thịnh nói.
Điều này dẫn đến hoạt động thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước tăng trưởng nhanh nhất từ trước tới nay. Do vậy, trong tình trạng chung của sự sụt giảm của thị trường bán lẻ thì lĩnh vực thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng đáng kể.
“Điệp khúc “được mùa mất giá” gắn với nông dân Việt Nam trong nhiều năm qua đang đòi hỏi phải có sự đầu tư tương xứng nguồn vốn và công nghệ vào việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ để phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Thịnh nêu.
Đánh giá về vai trò của việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng, việc đưa sản phẩm nông sản tươi và các sản phẩm nông sản có tiềm năng của các địa phương lên các sàn TMĐT là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh.
Vai trò của kênh thương mại điện tử càng được thể hiện rõ khi số liệu của Bộ Công thương cho thấy, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lĩnh vực thương mại điện tử năm 2020 vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, quy mô thị trường thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) của Việt Nam năm 2020 tăng 18%, đạt 11,8 tỉ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hải Dương đã chủ động xây dựng kịch bản phù hợp, vừa thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Năm nay, việc kết nối và tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Theo đó, việc đưa nông sản nói chung và vải thiều nói riêng lên sàn TMĐT sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc sản của các địa phương, đồng thời góp phần kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hậu cần kho bãi, đảm bảo yêu cầu kinh doanh TMĐT, qua đó khai thác tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp Hải Dương.
Trước đó, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) và Grab Việt Nam đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về thực hiện chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước mắt, chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT) cũng cho hay từ tháng 1.2021, Bộ KH-ĐT đã ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên vì đây là ngành then chốt của nền kinh tế, có rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang sản xuất kinh doanh.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”