Tại tọa đàm “Chuyển đổi số quốc gia từ góc nhìn sản xuất” do Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn nhấn mạnh cần có cái nhìn đa chiều và sự hiểu đúng về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một quá trình thách thức về trí tuệ

Tú Viên (Tổng hợp) | 14/12/2022, 16:35

Tại tọa đàm “Chuyển đổi số quốc gia từ góc nhìn sản xuất” do Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn nhấn mạnh cần có cái nhìn đa chiều và sự hiểu đúng về chuyển đổi số.

Theo GS-TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, "chuyển đổi số" là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google và là khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong đời sống, nhưng kết quả triển khai thực hiện chưa đáng kể và chưa rõ hiệu quả.

Trong nền kinh tế, những ngành có nhiều thuận lợi và có mức độ chuyển đổi số cao là tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông.

the-nao-la-san-xuat-thong-minh-va-cach-dua-vao-ap-dung-14-.6205(1).jpg
Sản xuất thông minh là một xu hướng được cả thế giới áp dụng trong quy trình sản xuất - Ảnh: PV

Riêng khu vực sản xuất, chuyển đổi số chậm và khó khăn hơn, cho thấy dư địa còn rất lớn. Thế lưỡng nan của doanh nghiệp khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số là phải lựa chọn phương án mua công nghệ mới hoàn toàn hay là cải tạo công nghệ cũ, điều này phụ thuộc rất nhiều về nguồn tài chính và nhân lực của doanh nghiệp, và của cả ngành kinh tế.

“Để chuyển đổi số thành công phải có tầm nhìn xa nhưng bước đi nhỏ. Tầm nhìn xa là phải có chiến lược phát triển, có bộ chỉ số thể hiện mức độ trưởng thành số trong từng ngành. Bước đi nhỏ là để có phải làm lại thì chi phí cũng không lớn”, GS Trần Thọ Đạt nói.

Số liệu từ khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số cho thấy 60% doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp rào cản trong chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; 52,3% doanh nghiệp phản ánh thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp và người lao động. Dẫn lại điều này, TS Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để quá trình chuyển đổi số đi vào thực chất và có hiệu quả.

"Yêu cầu đặt ra là phải tháo gỡ vướng mắc và hoàn thiện thể chế; đầu tư công nghệ, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động được các nguồn lực tài chính, đào tạo, thu hút được nguồn nhân lực… Quá trình này nếu không có thể chế đi trước mở đường rất có thể dẫn đến thất bại" - TS Phước lưu ý.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết “chuyển đổi số không phải có sẵn một bộ giải pháp để doanh nghiệp lựa chọn áp dụng mà là một quá trình vô cùng vất vả, thách thức về trí tuệ. Trong thời gian đầu, khối lượng công việc có thể tăng gấp 1,6 - 1,7 lần, gây áp lực lớn cho công tác quản trị doanh nghiệp. Nếu chọn bước đi không hợp lý, chi phí sẽ đội lên rất lớn, không đủ nguồn lực để đến đích và quá trình chuyển đối số sẽ thất bại, có thể khiến doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng tài chính”.

Ông Dương Quốc Anh - Phó viện trưởng IDS, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ một góc nhìn khác từ lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ông cho hay tài chính - ngân hàng là một trong những ngành dịch vụ được đánh giá là chuyển đổi số nhanh nhất trong nền kinh tế vì nó hội tụ một số điều kiện cần thiết.

Đây là ngành kinh doanh có điều kiện, với quy trình nghiệp vụ tương đối chặt chẽ, có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và mạng thanh toán liên thông giữa các ngân hàng; và quan trọng nhất là mỗi ngân hàng đều có cơ sở dữ liệu khách hàng, là tài sản quan trọng nhất trong tiến trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, trong đó bao gồm cả nhân lực và vốn đầu tư. Theo ông Quốc Anh, khó khăn lớn nhất vẫn là sự thiếu đồng bộ của hành lang pháp lý.

mmmnmn.jpeg
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi số lượng và chất lượng của đội ngũ lao động trong ngành dệt may - Ảnh: PV

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số và kinh tế số không chỉ đơn thuần là bài toán công nghệ mà quan trọng nhất là thể chế, vì đây là vấn đề liên quan đến cái mới. Trong nhiều trường hợp, kể cả có tiền đầu tư cũng chưa chắc đã làm được nếu thiếu chính sách, do đó thể chế có tính chất mở đường.

Từ kinh nghiệm thực tiễn chuyển đổi số ở doanh nghiệp sản xuất và ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Cần có cái nhìn đa chiều và hiểu đúng về chuyển đổi số. Việc thực hiện số hóa kết nối các thủ tục hành chính công, triển khai chính phủ điện tử... không chỉ đơn giản có thể làm được với quyết tâm chính trị, mà đó là quá trình phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải thay đổi thể chế, chuẩn bị về nguồn nhân lực, nguồn tài chính lớn và cần quỹ thời gian nhất định mới thành công.

Về thể chế, những quy định về tài chính phải được tính toán lại vì thiết bị công nghệ số thay đổi rất nhanh chóng, không thể tính thời gian khấu hao kéo dài như thông thường và giá trị số là tài sản lớn, phải được tính vào tài sản của doanh nghiệp, thay vì chỉ được tính tài sản hữu hình như cơ chế hiện hành. Cách thức chuyển đổi cũng không thể rập khuôn, mà phải linh hoạt, phù hợp với từng đơn vị, cá nhân, ngành cụ thể.

“Cần hiểu rõ về quá trình này để có sự đổi mới về cơ chế và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về vốn và nguồn nhân lực, từ đó lựa chọn các ngành nghề và tính toán khả năng thực hiện chuyển đổi số thành công, tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá cho nền sản xuất quốc gia”, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một quá trình thách thức về trí tuệ