Chiều 26.3, Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải”.
ĐKKD can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2015/TT-BGTVT cho thấy có tới hơn 50 quy định, điều kiện kinh doanh áp dụng cho mỗi loại hình kinh doanh.
Trong số này, còn nhiều quy định mang nặng tính chất áp đặt hành chính như yêu cầu về phương án kinh doanh, bố trí đủ xe và lái xe, có nơi đỗ xe phù hợp, người điều hành...
“Bản thân doanh nghiệp hẳn sẽ nắm rõ nhất nhu cầu thị trường để có phương án kinh doanh, nhân sự phù hợp, không cần nhà nước phải quy định cụ thể”. Ông Long chỉ rõ.
Theo đó, ông Long kiến nghị, trong xu thế xây dựng Chính phủ kiến tạo, cần phải tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp. Khi đưa ra bất kỳ một điều kiện hay yêu cầu nào hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý, để làm gì, có tác dụng gì, và tác dụng đó có bù đắp được cho chi phí của xã hội hay không?
“Thay vì áp đặt các điều kiện, trách nhiệm đối với các doanh nghiệp vận tải, cần tính đến phương án hiệu quả hơn để vừa tạođiều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng được nhu cầu quản lý”, ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, mỗi loại hình vận tải chỉ có vài ba điều kiện, tuy nhiên đi sâu lại có nhiều thông tư khác nhau.
Do đó ông Thanh đề nghị giảm 50% các điều kiện không cần thiết, bởi có những điều kiện ràng buộc và điều kiện đưa ra không thực thi được đối với các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân,…
“Quan điểm chung là làm sao các nghị đinh tới đây và các thông tư sau nó phải tốt lên, xóa bỏ triệt để cơ chế xin cho. Ví dụ như đối với ngành vận tải ô tô, có 1 doanh nghiệp sẵn sang bỏ ra nhiều tiền để mua rồi, nhưng chỉ đợi xem có được đăng ký vào chấp thuận tuyến không thì mới vào hoạt động, điều này là bất hợp lý”. Ông Thanh nêu rõ.
Cần công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ
Về các quy định đối với taxi truyền thống và taxi công nghệ, ông Ngô Trí Long đề nghị cần rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện để tạo sân chơi bình đẳng giữa taxi và xe hợp đồng điện tử.
Ông Long nêu rõ, nên sửa đổi các quy định quản lý về giá để bãi bỏ quy định kê khai giá cước vận tải bằng xe taxi. Hiện nay, không còn hiện tượng xe taxi tăng giá như trước kia kể cả khi giá xăng giảm. Do đó, Nhà nước cần điều chỉnh kịp thời để giảm gánh nặng tuân thủ cho ngành taxi, coi trọng lợi ích của người tiêu dùng.
Trong hoạt động giao thông vận tải, hiện đang có quan điểm là nên định danh các xe hợp đồng Uber/Grab là taxi. Ông Long cho rằng, nếu áp dụng vào thực tế sẽ dẫn tới hai hậu quả:
Thứ nhất, sẽ biến hàng chục nghìn xe hợp đồng đang sử dụng ứng dụng trung gian của Uber/Grab trở thành xe taxi. Thứ hai, triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mạng mang lại, biến nó trở thành đơn thuần là một kênh liên lạc không hơn không kém.
“Các đơn vị vận tải hợp đồng không được hưởng thành quả tiến bộ công nghệ mới để tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Điều này đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là cắt giảm điều kiện, chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp”, ông Long nói.
Vị này nhấn mạnh, cần xác định đúng bản chất hoạt động kết nối của Uber/Grab. Thế giới coi dịch vụ của Uber là một loại hình dịch vụ trong lĩnh vực vận tải, chứ không phải là một phương thức kinh doanh vận tải như vận tải bằng taxi, vận tải hợp đồng ở Việt Nam.
“Xét về vai trò của dịch vụ Grab/Uber trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải ở Việt Nam thì gọi tên dịch vụ này là “dịch vụ kết nối vận tải” là phù hợp nhất. Dịch vụ này có thể kết nối cho cả xe hợp đồng, cả xe taxi cũng như vận tải hàng hóa”, ông Long nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị các đơn vị taxi được phép thay đổi giá cước trong phạm vi 5% không phải xin phép mà chỉ cần kê khai gửi thông báo.
“Uber/Grab tăng giá giờ cao điểm gấp 2-4 lần giá cơ bản mà không cần chịu sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước. Còn đối với các công ty taxi, sẽ áp dụng hình thức kinh doanh mới là cho thuê xe chứ không bắt buộc ký hợp đồng lao động với lái xe do nhu cầu lao động hiện nay quá biến động, bản thân người lái xe không muốn phụ”, ông Hùng nêu.
Góp ý kiến, TS.Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng Bộ GTVT nên mạnh dạn cắt bỏ các điều kiện, bởi chỉ cái thực bỏ đi thì mới giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, còn nếu chỉ chuyển chi phí từ trạng thái này sang trạng thái khác thì gánh nặng chưa được giảm.
Ông Hiếu cũng cho rằng đợt rà soát điều kiện kinh doanh lần này của Bộ vẫn chỉ mang tính kỹ thuật, nặng về cơ học, tức là rà soát theo tinh thần cái gì chưa rõ thì bãi bỏ. Để công bằng, Bộ cần bãi bỏ rất nhiều điều kiện kinh doanh với taxi truyền thống, và cần bãi bỏ ngay cả khi không có Uber/Grab.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng cần loại bỏ tư duy kinh doanh là phải làm từ đầu đến cuối, bởi họ chỉ kinh doanh một công đoạn, như dịch vụ phần mềm kết nối của Uber/Grab.
“Để công bằng trong môi trườngkinh doanh thì phải có nghĩa vụ về thuế, qua đó mới yêu cầu cần có hiện diện thương mại bằng pháp nhân Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Lê Oanh