Chuyên gia quốc tế khuyên rằng các doanh nghiệp sữa Việt Nam cần tăng nguồn cung trong nước để dần thay thế nguồn sản phẩm nhập khẩu.
Theo Báo cáo Chỉ số ngành sữa toàn cầu vừa công bố, nhu cầu sữa toàn cầu sẽ tăng 36% trong 10 năm tới.
Nguyên nhân chính là do sự tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
Còn ở Việt Nam, các số liệu thống kê mới nhất cho thấy nhu cầu sữa cũng đang gia tăng mạnh. Theo ông Robert Graves, Giám đốc điều hành công ty Tetra Pak Việt Nam, trong 5 năm gần đây (2008-2013), tiêu dùng sữa của Việt Nam tăng trung bình 16%/năm và hiện mỗi người Việt Nam sử dụng 20,5 lít sữa/năm.
Tuy nhiên, nguồn cung và nhu cầu về sữa trên thế giới sẽ mất cân bằng bởi lượng nguyên liệu sữa tại các thị trường mới nổi có thể bị thiếu hụt trong khi ở các thị trường phát triển lại dư thừa, dẫn đến cạnh tranh mạnh trong xuất khẩu.
Theo Tetra Pak Việt Nam (Tetra Pak cung cấp báo cáo Chỉ số ngành sữa toàn cầu), Việt Nam đang là một thị trường mới nổi có truyền thống nhập khẩu sữa, mới bước đầu xuất khẩu sữa với doanh số năm hiện đạt khoảng 230 triệu USD.
Cho nên trong thời gian tới, các công ty sữa địa phương nên gia tăng nguồn cung trong nước, phát triển đàn bò sữa và thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu.
Cách đây vài ngày, Vinamilk đã cho nhập vài trăm con bò sữa cao sản về Việt Nam. Công ty cho biết từ nay đến tháng 2.2015, sẽ nhập thêm 3.000 con bò sữa và đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại công nghệ cao. Dự kiến với tổng số 9 trang trại sẽ đáp ứng 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu trong nước.
Vào đầu tháng 9, công ty Đức Long Gia Lai đưa ra dự án trang trại bò sữa quy mô lớn sẽ có 80.000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt, tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỉ đồng... Dự kiến công ty bắt đầu nhập bò sữa từ tháng 2.2015.
Trước đó, vào đầu tháng 6.2014, Hoàng Anh Gia Lai, Nutifood và Công ty Vissan cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và xây dựng nhà máy chế biến, với mức vốn đầu tư khoảng 11.000-12.000 tỉ đồng.
Thi Anh tổng hợp