Doanh nhân triệu phú Nga Anton Bakov đã quyết rút khỏi cuộc tranh cử Tổng thống Nga 2018, sau khi có quốc tịch kép ở “Triều đình Romanov” tại Tây Phi.

Chuyện hậu duệ Sa hoàng muốn dựng lại triều đình Romanov

26/01/2018, 08:10

Doanh nhân triệu phú Nga Anton Bakov đã quyết rút khỏi cuộc tranh cử Tổng thống Nga 2018, sau khi có quốc tịch kép ở “Triều đình Romanov” tại Tây Phi.

Ông Bakov (phải) và đại diện chính quyền Kiribati - Ảnh: Kiribati News

Đảng Quân chủ Nga hồi tháng 12.2017 đã đề cử ông Bakov làm ứng cử viên tổng thống Nga, và ông ta tự phong là Thừa tướng của “Đế chế Ngai vàng”- một bản sao tự phong của Đế chế Nga - với mục tiêu tái lập triều đình Sa hoàng Romanov tại Nga.

Ông Bakov là người lập và là thủ lĩnh đảng Quân chủ Nga hồi năm 2012. Ông ta tuyên bố: “Nhiệm vụ của tất cả người yêu nước Nga là giữ lời thề trung thành với Đế chế. Nhưng chúng tôi chỉ có vài người trung thành”.

Nhưng ngày 24.1, ông Bakov tuyên bố từ bỏ ý định tranh cử, sau khi ông được cấp quốc tịch kép ở “quốc gia mới lập” Đế chế Romanov ở Tây Phi.

Ông nói chính phủ mới của ông đã được Gambia công nhận hồi cuối năm 2017, cấp quốc tịch kép Gambia-Đế chế Romanov nên ông không thể tranh cử Tổng thống Nga.

Nhưng chính phủ Gambia phủ nhận thỏa thuận, gọi đó là “tài liệu giả”, sau khi kênh phát thanh Radio Newzealand phát thông tin hồi đầu tháng 12.2017.

Dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương, bà Ella Pamfilova tuyên bố: “Việc lập một đế chế rất hay, chúng tôi chúc mừng ông!”, theo Interfax ngày 24.1. Bà nói sẽ chờ ông Bakov làm đơn rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống Nga (bầu vào ngày 18.3.2018) và chúc ông thành công với “dự án thú vị và bất thường” của ông.

Ông Bakov nói hy vọng sẽ lập quan hệ ngoại giao giữa “Đế chế Romanov Tây Phi” với Nga. Ông cũng hứa sẽ rút quyền công dân Nga, theo hãng tin nhà nước RIA Novosti ngày 24.1.

Nhưng không phải tất cả người theo phe bảo hoàng hài lòng với kế hoạch của ông Bakov. Một trợ lý của “Nữ đại công tước” Maria Romanova, tộc trưởng của dòng họ Romanov, nói: “Đấy hoàn toàn là trò hề”.

Tỉ phú Nga Bakov kể về nỗ lực lập "Đế chế ngai vàng" - Ảnh: Moscow Times

Tổng thống Nga Putin không duyệt cấp đất cho Bakov

Doanh nhân này từng nuôi tham vọng phục hồi Đế chế Nga nhưng lại không có đất, nên ông ta phải đi khắp thế giới để tìm mua đất cho kế hoạch phục hồi triều đại Sa hoàng Romanov.

Triều đại này từng trị vì nước Nga suốt 400 năm,cho đến khi Cách mạng tháng 10 Nga bùng nổ năm 1917, quét sạch dòng họ Romanov khỏi quyền lực.

Ông Bakov, 53 tuổi, làm ăn có lãi từ bất động sản và một sân bay, từng là nghị sĩ của một đảng đối lập ở Nga nhưng bị mất ghế nghị trường năm 2007.

Năm 2012, ông lập đảng Quân chủ Nga và làm thủ lĩnh. Đảng này thất bại ở những cuộc bầu cử địa phương, nhưng từ đó ông ta tìm thấy cơ hội kết hợp 3 niềm đam mê: chính trị, chủ nghĩa bảo hoàng và những cuộc phiêu lưu ở nước ngoài.

Ông Bakov lập “Đế chế ngai vàng” năm 2011, ký sắc lệnh phong một hậu duệ của dòng họ Romanov là hoàng tử Karl Emich (sống ở Đức) là “Vua” của đế chế này. Ông hoàng cải đạo theo Chính thống giáo, lấy hiệu là Nicholas 3.

Ông Bakov cũng viết thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin, xin chính phủ cấp đất ở thành phố Yekaterinburg, nơi mà Sa hoàng Nga cuối cùng Nicholas 2 và gia đình bị quân cách mạng Nga xử tử năm 1918. Mục đích xin đất là lập một thành phố-quốc gia theo mô hình thành phố Vatican. Ông Bakov nói ông không ráng đưa dòng họ Sa hoàng Romanov trở lại Điện Kremlin, nhưng ông muốn khôi phục tính hợp pháp quốc tế của hoàng tộc này.

Chính phủ Nga không hồi âm lá thư. Người phát ngôn của Tổng thống Nga nói ông Putin không chấp nhận ý tưởng của ông Bakov.

Bakov suýt bị xử tử oan

Ông Bakov đi khắp thế giới để tìm đất lập “vương quốc”. Ông ta tính mua một lô đất ở Montenegro, một quốc gia vùng Balkan nổi tiếng với giới nhà giàu Nga. Nhưng chính phủ Montenegro không chấp nhận kế hoạch lập quốc của Bakov. Bakov phải nhắm đến những hòn đảo nhân tạo ở Gambia miền tây châu Phi.

Ban đầu ông Bakov gặp nhiều khó khăn: lực lượng an ninh bắt vợ chồng ông ở sân bay, nhốt 6 giờ vì nghi ngờ ông toan dùng một cây kiếm để... giết Tổng thống Gambia. Thật ra đó chỉ là một món quà “cung tiến” tổng thống, người mà sau đó cấp cho nhóm ông Bakov một dãy phòng tại khách sạn hạng sang, một chiếc xe sang hiệu Bentley và 6 vệ sĩ vũ trang tận răng.

Nhưng vị lãnh đạo Gambia vẫn hờ hững với ý tưởng tái lập vương triều Sa hoàng, nên vợ chồng ông Bakov phải bay về Nga.

Bài tính làm kinh tế cho Đế chế

Năm 2017, ông Bakov công bố kế hoạch tái lập triều đình Romanov ở 3 đảo hoang trên Thái Bình Dương. Trước đó, ông “ngắm nghía” quần đảo Kiribati ở Thái Bình Dương cách Hawaii của Mỹ 2.500 dặm về phía tây nam. Kiribati từng là thuộc địa của Anh, có khoảng 100.000 cư dân và 33 đảo.

Ông Bakov thuyết phục các nhà lãnh đạo Kiribati ủng hộ kế hoạch tái lập “Đế chế ngai vàng”, theo đó 3 đảo không người ở hưởng quy chế đặc biệt là thuộc Đế chế Romanov.

Để “vương quốc”này sống được, ông Bakov có ý tưởng bán những lô đất cùng bán các tước hiệu hoàng tử cho giới nhà giàu và tránh được thuế. Ông nói: “Việc này phải có lãi, nếu không thì chẳng thành công”.

Ông Bakov tính mỗi năm chuyển 20 triệu USD làm ngân sách cho “Đế chế ngai vàng” trong vòng 6 năm, đầu tư 230 triệu USD cho đảo Malden xây một hải cảng, một sân bay, nhà máy phát điện và xây dựng đường sá. Ông nói đảo này có thể trở thành điểm đến du lịch lý tưởng.

Ông Bakov thuyết phục các lãnh đạo chính trị và tôn giáo ủng hộ kế hoạch, nhưng xem ra có người phản đối kế hoạch Kiribati đã tìm cách phá ông. Ông kể hồi tháng 1.2017, khi đang chuẩn bị ký thỏa thuận thì Tổng thống Kiribati lên tàu đi kiểm tra 3 hòn đảo, vì nghi ông Bakov âm mưu chiếm đất.

Ông Bakov không thể nhờ vả được một bộ trưởng từng là bạn nhậu của ông ta. Rồi chính quyền Kiribati gửi thư điện tử thông báo chính quyền bác bỏ đề xuất lập quốc của Bakov. Phủ Tổng thống nói họ lo ngại ông Bakov muốn hưởng quy chế chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đối với 3 hòn đảo. Tuy nhiên ông Bakov nói ông không có ý đồ này. Ông Bakov không từ bỏ hy vọng phương án Kiribati nhưng ông cũng sẵn sàng kiện ra tòa để cầu may.

100 năm sau khi quân cách mạng Nga quét dòng họ Sa hoàng Romanov khỏi quyền lực, các thăm dò cho thấy chỉ có một số ít dân Nga muốn phục hồi Đế chế Nga. Đa số người muốn có một Sa hoàng nắm quyền lực là giới trẻ thành thị tuổi từ 18 đến 24, theo thăm dò của Trung tâm nghiên cứu dư luận toàn Nga (VCIOM).

Trung Trực (theo Moscow Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện hậu duệ Sa hoàng muốn dựng lại triều đình Romanov