Vào năm 1958, Trung Quốc đã bí mật thành lập một cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân đầu tiên ở châu tự trị dân tộc Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải phía tây bắc nước này. Hiện tại, nơi đây đã trở thành “Thành phố Nguyên tử” (Yuanzi Cheng), địa điểm vinh danh những người giúp xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh.

‘Thành phố Nguyên tử’, nơi Trung Quốc chế tạo bom hạt nhân đầu tiên

22/01/2018, 06:31

Vào năm 1958, Trung Quốc đã bí mật thành lập một cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân đầu tiên ở châu tự trị dân tộc Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải phía tây bắc nước này. Hiện tại, nơi đây đã trở thành “Thành phố Nguyên tử” (Yuanzi Cheng), địa điểm vinh danh những người giúp xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh.

Nhà máy 221 nay đã trở thành Thành phố Nguyên tử - Ảnh: The New York Times

Cơ sở từng mang tên Nhà máy 221, hiện vẫn còn sót lại những cụm công xưởng, hầm chứa và khu cho người ở đã cũ này. Tại đây, trên cao nguyên Kim Ngân Đàm, hàng nghìn người Tây Tạng và Mông Cổ đã bị chuyển đi để lấy đất xây dựng cơ sở bí mật này.

Gia đình của Pengcuo Zhuoma, một người Mông Cổ 56 tuổi, đã từng phụ trách cung cấp thịt và sữa cho những nhà khoa học làm việc trong Nhà máy 221. Theo Zhuoma: “Khu này từng là điểm bí mật, bạn phải có thẻ mới được vào. Thậm chí bạn cũng không được nói về nó”.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào những năm 1990, Nhà máy 221 trở thành “Thành phố Nguyên tử”, một địa điểm kỷ niệm các nhà khoa học và người lao động đã làm việc trong môi trường khắc nghiệt tại đây, những người đã sản xuất được quả bom nguyên tử đầu tiên (được cho nổ thử vào năm 1964), quả bom nhiệt hạch đầu tiên (thử vào năm 1967) và giúp đỡ phát triển nhiều tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân.

Đây từng là địa điểm tuyệt mật - Ảnh: The New York Times

Ngày nay, những cựu binh tham gia dự án xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể tự hào kể về quá trình làm việc trước đó của họ. Một bảo tàng đã được xây nên để kể lại với du khách nội địa (người nước ngoài không được tham quan) rằng vũ khí hạt nhân được dùng để chống lại những kẻ xâm lược Mỹ và Liên Xô. Tại quảng trường chính của thành phố, tượng cố lãnh đạo Mao Trạch Đông được dựng lên.

Nhà văn Liao Tianli, người đến Kim Ngân Đài 1 - 2 lần mỗi năm và từng phỏng vấn nhiều nhà khoa học từng làm việc tại Nhà máy 221, cho biết: “Vào thời điểm đó, điều kiện xã hội và vị thế quốc tế của Trung Quốc giống như CHDCND Triều Tiên hiện tại. Với nhiều người, họ làm việc đơn thuần là vì tinh thần Tôi sẽ làm bất cứ điều gì Chủ tịch Mao đã bảo ."

Bảo tàng Nhà máy 221 - Ảnh: The New York Times

Những gì chưa kể

Tuy công việc của những nhà khoa học từng làm trong Nhà máy 221 đã được công nhận, và một số bí mật của khu vực này đã được công khai, tuy nhiên vẫn còn không ít mặt tối chưa được kể. Đó là câu chuyện về những người dân chăn gia súc và nông dân bị trục xuất phải hứng chịu cái đói, hàng ngàn nhà khoa học lẫn kỹ sư bị bức hại. Thậm chí một số cựu binh còn cho biết các công nhân làm trong nhà máy hạt nhân thời đó không được bảo vệ đầy đủ để chống lại phóng xạ, hoặc cũng không được chăm sóc hiệu quả khi bị ung thư.

Wei Shijie, nhà vật lý 76 tuổi đã nghỉ hưu từng làm việc trong một xưởng chất nổ thuộc Nhà máy 221. Ông từng viết một hồi ký mô tả tình cảnh công nhân tại đó, và kêu gọi những người có thời gian làm việc trong Nhà máy 221 phải được hưởng chế độ chăm sóc y tế tốt hơn.

Ông Wei cho biết: “Nếu không ai lên tiếng, chương này của lịch sử sẽ bị chôn vùi. Phía sau vinh quang của việc chế tạo được hai quả bom và phóng được một vệ tinh là sự hy sinh to lớn của nhiều người. Phần lớn những sự hy sinh đó là không cần thiết”.

Vẻ đẹp của cao nguyên Kim Ngân Đài đã được miêu tả qua phim ảnh và ca nhạc. Vào những tháng ấm áp, cao nguyên phủ màu xanh, và những người chăn gia súc Tây Tạng và Mông Cổ đã xuất hiện tại đây hàng thế kỷ.

Nhưng sau năm 1958, Kim Ngân Đài đã biến mất khỏi bản đồ Trung Quốc. Những nhà khoa học nước này được các cố vấn Liên Xô giúp đỡ đã chọn địa điểm này xây căn cứ phát triển vũ khí hạt nhân. Kết quả là hàng nghìn người Tây Tạng và Mông Cổ là đối tượng đầu tiên phải hy sinh cho dự án này.

Hàng ngàn người dân đã phải dời đi để nhường chỗ xây Nhà máy 221 - Ảnh: The New York Times

Bảo tàng Nhà máy 221 nói rằng họ tự nguyện chuyển đi, được nhà nước giúp đỡ và nhận được hàng nghìn con cừu. Còn trong cuốn hồi ký phát hành năm 2012, ông Shusheng, 80 tuổi, cựu cảnh sát tỉnh Thanh Hải viết giới chức địa phương đã bắt giam gần 700 người chăn gia súc quanh Kim Ngân Đài, cáo buộc họ tham gia những tổ chức phản cách mạng. Hơn 9.000 người bị buộc phải trục xuất và chỉ được cho một ngày chuẩn bị, mỗi nhà chỉ được phép mang theo vài con bò Tây Tạng.

Yin cho biết ông viết hồi ký này để tổng kết những bài học trong quá khứ, để những sai lầm cũ không bị lặp lại.

Ngoài chuyện của người dân địa phương, nhiều nhà khoa học, nhân viên kỹ thuật và binh sĩ đã được đưa đến Nhà máy 221 trong tình trạng biết rất ít về những gì chờ họ phía trước. Vào “thời hoàng kim”, Nhà máy 221 có đến 18 xưởng, phòng thí nghiệm và nhiều công trình rải rác trên 220 dặm vuông. Khoảng 30.000 nhà khoa học, công nhân, binh sĩ bảo vệ sống tại đây.

Và mặc dù đã có công chế tạo thành công bom nhiệt hạch, Nhà máy 221 cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng khi tình hình chính trị của Trung Quốc biến động. Năm 1966, Mao chủ tịch phát động Cách mạng Văn hóa, Nhà máy 221 với sự giúp đỡ xây dựng từ phía Liên Xô đã bị nghi ngờ. Điều này khiến không ít người làm việc tại đây bị thẩm vấn và bị bức hại.

Cao nguyên Kim Ngân Đài biến mất khỏi bản đồ Trung Quốc từ năm 1958 - Ảnh: The New York Times

Những sự kiện này không được kể trong bảo tàng Nhà máy 221 hiện tại, và vài cựu quan chức cũng khuyên ông Vỹ không nên đào xới chuyện cũ. Tuy nhiên, ông không có cách nào thoát khỏi quá khứ.

Ông cho biết: “Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta phải suy nghĩ về nó. Tôi đến nay vẫn còn mơ về Nhà máy 221”.

Cẩm Bình (theo The New York Times)

Bài liên quan
Thị trường di động sẽ đóng góp cho nền kinh tế 1.100 tỉ USD vào 2030, Trung Quốc đầu tư mạnh vào 5.5G và 6G
Theo một báo cáo gần đây, thị trường 5G đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung gần 260 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2030, với số lượng kết nối 5G chiếm gần 1/3 tổng số toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Thành phố Nguyên tử’, nơi Trung Quốc chế tạo bom hạt nhân đầu tiên