Hà Nội có chợ Đồng Xuân và khu phố cổ 36 phố phường bên cạnh. Sài Gòn cũng vậy, có chợ Bến Thành và khu phố cổ chung quanh. Chỉ khác một điều là khu phố cổ Hà Nội được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới trong khi khu phố cổ Sài Gòn không được xếp vào di sản bảo tồn và có nguy cơ nhiều kiến trúc cổ sẽ bị phá bỏ. Sài Gòn không chỉ có chợ Bến Thành mà còn có những chợ khác cùng bề dày lịch sử chưa được đánh giá xứng đáng như chợ Tân Định và Bình Tây.

Chuyện thú vị về lễ khai thị hai ngôi chợ xưa ở Sài Gòn

12/12/2019, 12:14

Hà Nội có chợ Đồng Xuân và khu phố cổ 36 phố phường bên cạnh. Sài Gòn cũng vậy, có chợ Bến Thành và khu phố cổ chung quanh. Chỉ khác một điều là khu phố cổ Hà Nội được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới trong khi khu phố cổ Sài Gòn không được xếp vào di sản bảo tồn và có nguy cơ nhiều kiến trúc cổ sẽ bị phá bỏ. Sài Gòn không chỉ có chợ Bến Thành mà còn có những chợ khác cùng bề dày lịch sử chưa được đánh giá xứng đáng như chợ Tân Định và Bình Tây.

Lễ khai thị chợ Tân Định

Không xa nhà thờ Tân Định, một biểu tượng của vùng là chợ Tân Định. Chợ Tân Định trong ký ức người Sài Gòn là nơi có nhiều hàng quán bán món ăn ngon, nhiều hàng hóa chất lượng tốt, rau quả tươi. Chung quanh chợ ngày xưa có các rạp cải lương, hát bội, các đình xưa...

Chợ Tân Định xưa (trái) và nay. Ảnh tư liệu do Historic Việt Nam, Tim Doling sưu tập.

Tọa lạc ở đường Hai Bà Trưng, chợ khánh thành năm 1927, sau chợ mới Bến Thành 13 năm. Ngày khánh thành chợ Tân Định cũng không kém trang trọng và đông người đến xem như ngày khai thị chợ mới Bến Thành. Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse đã đến khai mạc lễ khai thị (Công Luận báo, 25.7.1927):

Lễ khai thị Chợ mới Tândinh

Sớm mai ngày 26 Juillet vừa rồi lối 9 giờ sở đốc lý thành phố Saigon có bày cuộc lễ khai thị ở Tân-dinh. Thiên hạ đến coi đông như kiến, lính tráng khó bề dẹp được.

Giữa chợ treo cờ xí đủ màu coi đẹp lắm.

Các quan và sở đốc lý phải đến bày cuộc lễ nầy, đứng nơi trong đợi quan nguyên soái Nam kỳ, chính giữa để một cái bàn có để rượu sâm-banh, mấy người nấu ăn đứng xung quanh coi ngộ lắm. Bước vô bên tay mặt một tấm vải giăng ra và một giàng (sic) máy chớp bóng.

Tám giờ đúng, một cái xe hơi đưa quan Nguyên-soái Nam kỳ, đến đậu trước chợ, gần hàng rào.

Quan Nguyên soái Nam-kỳ bước xuống bắt tay quan Đốc-lý [thị trưởng] thành phố Saigon, Lefebvre và ông Héraud hội trưởng hội đồng quản hạt, rồi bước thẳng vô chợ.

Kế quan đốc lý đọc một bài diễn văn tỏ ý cho trước là quan Nguyên-soái Nam-kỳ sau các chức việc biết rằng cái chợ nầy mà cất thành đây là nhờ sở đốc lý ham muốn mở mang hầu cho thành phố Saigon nầy có nhiều nơi tốt đẹp.

Bởi vậy sở đốc lý không dụ dự chúc (sic) nào mà xuất tiền cất chợ và cũng là nhờ quan Nguyên-soái Nam-kỳ dự vào nữa. Ông hội trưởng hội đồng quản hạt đã ở Saigon lâu rồi có thể biết những điều cần ích, nên muốn Saigon nầy đứng hàng ngũ cho xứng đáng ở cõi viễn đông nầy vậy.

Rốt hết quan đốc lý mời quan Nguyên soái Nam-kỳ dùng rượu và chúc cho thành Saigon nầy sung thạnh...

Năm sau, 1928, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse cũng đến Chợ Lớn dự lễ khai thị chợ Bình Tây (chợ mới) thay thế Chợ Lớn cũ (vị trí Bưu điện Chợ Lớn ngày nay). Trước đó cũng có chợ Bình Tây ở góc đường Bình Tây và Quai de Mytho (bến Lê Quang Liêm, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt).

Trong thời kỳ đầu khi người Pháp đến, cho đến gần cuối thế kỷ XIX, hai ngôi chợ chính trong thành phố Chợ Lớn là Chợ Lớn trên rạch cùng tên đối diện với kinh Phố Xếp, và chợ Bình Tây cũ ở bến Quai de Mytho gần cầu Bình Tây bắc qua kinh Tàu Hủ. Đến cuối thế kỷ XIX, thì chợ Bình Tây cũ khang trang và được ưa chuộng hơn Chợ Lớn, nơi có chợ cá đông đảo chung quanh giao điểm rạch Chợ Lớn và rạch Phố Xếp, nơi có cầu Đường bắc ngang.

Lễ khai thị chợ Bình Tây mới

Khi rạch Chợ Lớn được lấp năm 1926 thành đường lộ thì vị trí thuận tiện giao thông đường thủy của Chợ Lớn không còn và do đó hoạt động ở chợ này giảm sút. Chợ Bình Tây cũ kế kinh Tàu Hủ thuận tiện hơn nhưng không đủ lớn để phát triển.

Ông Quách Đàm đã cổ động cho sự thành lập một chợ mới gần đó cạnh kinh Bonard (Bãi Sậy, sau này cũng gọi là kinh Hàng Bàng), nơi trước kia là ụ tàu để sửa chữa tàu bè, gọi là Bassin de Lanessan (Sài Gòn và Chợ Lớn chỉ có hai nơi sửa tàu bè, Ba Son ở cảng Sài Gòn cho các tàu lớn đại dương và Bassin de Lanessan cho các ghe thuyền nhỏ).

Chợ Bình Tây nhìn từ cầu Palikao đường Ngô Nhân Tịnh năm 1966. Rạch cạnh chợ là rạch Bãi Sậy, kinh Hàng Bàng. Nguồn: flickr manhhai

Tờ Công Luận báo (ngày 11.9, 28.9 và 6.10.1928) có cho biết lễ khánh thành chợ mới Bình Tây và lễ hội kéo dài ba ngày từ Thứ sáu 28.9.1928, đúng ngày tết Trung Thu, đến hết ngày Chủ nhật 30.9.1928. Theo nhà văn Phú Đức, tác giả các tiểu thuyết nổi tiếng ăn khách trong thập niên 1920 thì lễ hội khai thị chợ Bình Tây còn lớn và trang trọng hơn lễ khai thị chợ Sài Gòn 14 năm trước đó.

Chương trình lễ khai thị trong ngày đầu, trước khi lễ khánh thành bắt đầu vào lúc 4 giờ 30 chiều thì từ lúc 3 giờ chiều đã có trên khắp các nẻo đường ở Chợ Lớn các cộ rồng, cộ xe của bảy bang người Hoa (từ bang Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu... đến Phúc Kiến) đi qua các con đường Rue des Clochetons (sau là Phù Đổng Thiên Vương), Rue des marins (Trần Hưng Đạo), Boulevard Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm), Bd Bonhoure (Hải Thượng Lãn Ông), bến “quai Trần Thanh Cần”, đường Tháp Mười, đi qua Chợ Lớn đến các con đường Rue de Paris (Phùng Hưng), Rue de Gia Long (Trịnh Hoài Đức), Rue des Jardins (Nguyễn Thi), Quai de My Tho (Võ Văn Kiệt), Rue de Canton (Triệu Quang Phục), Bd Gaudot, Avenue Jaccaréo (Tản Đà) và trở lại Bd Tổng Đốc Phương.

Chợ Bình Tây cũ xây khoảng thập niên 1880, góc Quai de Mytho (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) và đường Bình Tây. Nguồn: flickr manhhai. Bức ảnh này được chụp từ trên cầu Bình Tây bắc qua kinh Tàu Hủ.

Lễ khánh thành có sự tham dự của Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse lúc 4 giờ rưỡi, chấm dứt vào lúc 5 giờ thì cộ bông diễu hành và 6 giờ thì đốt đèn chợ và trên các con đường. Đến 9 giờ rưỡi là đốt pháo bông. Trong chợ lúc 10 giờ rưỡi, có trò chơi liệng bông, hát bóng và hát bội đến khuya.

Qua ngày thứ Bảy hôm sau là có đá banh lúc 4 giờ chiều trên sân thể thao ở đường Bonard (Cholon) tức đường Bãi Sậy giữa hai đội banh Chợ Lớn và Commerce Sport, trọng tài là ông Daillan. Lúc chiều tối 6 giờ đốt đèn trong chợ có hát bội chiếu bóng miễn phí như hôm thứ Sáu.

Ngày thứ ba của lễ hội khánh thành chợ Bình Tây, tức ngày Chủ nhật là dành cho thể thao. Từ sáng sớm 5 giờ rưỡi là đua xe đạp (vòng đua 110km) đến 9 giờ thì đua xe đạp trở về. Đua xe đạp khởi hành đúng 5 giờ rưỡi ở góc đường Drouhet (Hùng Vương) và Maréchal Foch (Lý Thường Kiệt). Trước đó ngày 27.9 các tay cua-rơ đã ghi tên phải đến Dinh Xã Tây Chợ Lớn (nay không còn, ở địa điểm Trường Đại học Y ngày nay) để lấy dossard (số hiệu đeo sau lưng cua-rơ) và để được biết phải chạy con đường nào, bao xa và các phần thưởng. Trong thời gian đó thì đánh tennis (quần vợt) vào lúc 8 giờ sáng. Đến chiều lúc 4 giờ đá banh trên sân Stade municipal (sân thể thao thành phố Chợ Lớn) giữa hai đội Cercle sportif và Denysiana. Sau đó lúc 7 giờ rưỡi tối, cũng trên sân Stade municipal, là trận đá giữa hai hội người Hoa là La Trung Sơn (Cholon) và Vut-Hui (Saigon).

Ngày lễ khai thị chợ Bình Tây 1928. Nguồn: flickr manhhai

Như vậy chương trình lễ khánh thành chợ Bình Tây được tổ chức trong không khí cộng đồng tham gia đông đảo cho ngày hội chung vui.

Khi chợ Bình Tây khánh thành thì Quách Đàm đã mất. Nhà văn Phú Đức, tác giả tiểu thuyết Châu về hiệp phố (1926), Lửa lòng (1929) đã viết trên Công Luận báo (13.9.1928) hai tuần trước khi chợ khánh thành về Quách Đàm, cho ta thêm nhiều chi tiết về nhân vật chủ động xây chợ Bình Tây mới và tài kinh doanh và ngoại giao của ông như sau:

Chợ mới Bình Tây

Đại kỳ mưu của Quách Đàm

Lễ khánh thành chợ mới nầy là một cái lễ đại cáo thành công của Quách Đàm và cũng là lễ kỷ niệm Quách Đàm.

Chú Quách Đàm đã mất mà tên tuổi chú Quách Đàm vẫn còn. Lịch sử chú Quách Đàm ta đã được rõ, tưởng không cần phải thuật lại. Ai không nghe nói chú Quách Đàm cách vài mươi năm về trước là một người khổ cực nghèo khó đi mua da trâu (*)? Mà ai không nghe chú Quách Đàm vài năm về sau nầy là một người sung sướng sang trọng, là tay đại phú hộ? Trước dày sành đạp sỏi, giang nắng dầm mưa, sau lên xe xuống ngựa, lầu son gác tía. Một người như Quách Đàm trên đời hiếm có vậy.

Hôm nay nói đến tên Quách Đàm không phải là vô vị. Nhắc đến tên Quách Đàm là nói đến cái chợ mới ở Bình Tây...

“Ảnh trên nầy chụp lúc quí ông trong ban trị sự hội khai thị chợ mới Bình Tây đứng chực rước quan Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse. Phía tả người mặc đồ trắng, đứng chống nạnh là M. Gazano, Đốc lý thành phố Cholon”. Nguồn: Công Luận báo 6.10.1928, Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nhà văn Phú Đức kế đó nói về thân thế của ông Quách Đàm từ nghèo hèn trở thành phú hộ và tài kinh doanh, ngoại giao của ông trong lãnh vực thương mại:

Nói đến chợ Bình Tây tất phải nói đến tên chú Quách Đàm. Chú Quách Đàm cho đất cất chợ, chú Quách Đàm cho hai trăm bốn chục ngàn đồng để cất chợ, ai nghe nói không nói chú Quách Đàm giàu bạc mà lại lòng báo nghĩa. Nói như vậy là chưa đúng với sự thật. Một tên mua bán da trâu mà trở nên một tay đại phú hộ, ta chẳng nên nói câu đại phú do thiên là đủ đâu ta phải rõ là một người thượng trí.

Thuở còn sanh tiền chú Quách Đàm thấy chợ ở Cholon tuy rộng lớn, song một ngày một nhỏ, vì không đủ chỗ cho kẻ bán, không còn đường cho người mua, Quách Đàm nghĩ rằng sớm muộn chánh-phủ phải kiếm đất mua đặng cất chợ khác rộng lớn hơn.

Thấy như vậy Quách Đàm bèn xuất tiền mua một sở đất được bốn mẫu, đầy những hào vũng bỏ hoang tại Bình Tây không bao nhiêu tiền. Quách Đàm định sẽ cắt ra một vuông đất đặng cho thành phố Cholon để cất chợ cũ thì đất chung quanh chợ mới sẽ cất giá cao là dường nào. Các chủ phố ở chung quanh chợ nghe tin ấy rõ biết cái mưu của Quách Đàm rồi. Chợ dời thì chỗ buôn bán ở quanh chợ phải thất lợi nhiều, như chợ cũ và chợ mới Saigon vậy. Mấy thương gia không thể ngồi xem các cửa hàng của mình nát. Chủ phố không thể ngồi điềm nhiên tọa thị để phố bỏ không. Mấy chủ phố ở gần chợ cũ bèn quyên tiền đi lo. Lo gì? Lo cho ai?

Quách Đàm thấy mấy chủ phố quyết vãi bạc đánh một trận với mình, không thể chịu thua bèn xuất ra một số tiền to để lo xa lo gần. Việc lo gần của Quách Đàm ta không được nói, chỉ nói lo xa, là cho thành phố Cholon số tiền là 242.000 đồng bạc để cất chợ.

Phú Đức đề cập số tiền xây chợ mà Quách Đàm cho thành phố là 242 ngàn đồng, một số tiền lớn thời bấy giờ (lương công chức như thư ký thời Tây là khoảng 120 đồng/tháng). Đó là chưa kể số tiền “lo gần” mà Quách Đàm bỏ ra để được phép xây chợ.

Ngày nay chợ Bình Tây sau hơn 90 năm, vẫn là nơi người dân và du khách đến mua bán và thưởng lãm cảnh mua bán như các năm ở thế kỷ trước. Chợ Bình Tây trở thành biểu tượng của Chợ Lớn tương tự như chợ Bến Thành cho thành phố Sài Gòn...

Theo Nguyễn Đức Hiệp – Người Đô Thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện thú vị về lễ khai thị hai ngôi chợ xưa ở Sài Gòn