Dân làm thương hiệu bao giờ cũng có câu cửa miệng: “Sản phẩm của bạn có chuyện gì để kể?”. Chuyện về K’ho coffee kể suốt ngày không hết!

Chuyện tình K’ho coffee

19/06/2016, 10:56

Dân làm thương hiệu bao giờ cũng có câu cửa miệng: “Sản phẩm của bạn có chuyện gì để kể?”. Chuyện về K’ho coffee kể suốt ngày không hết!

Lang Bian là núi mẹ của người K’ho. Cộng đồng người quần tụ bao đời nay dưới chân núi đầy huyền tích về mối tình của chàng Lang và nàng Bian này cũng sống rất lãng mạn. Sau những cái tên mỹ miều mà những người yêu mến đặt cho như “làng ca sĩ”, “làng nghệ sĩ”, nay vùng đất này có thêm một tên mới là “làng tình yêu”. Rất nhiều chuyện tình xuyên biên giới đã đơm hoa kết trái tại đây. Nổi tiếng nhất trong những mối tình Tây - K’ho hiện nay là cặp đôi làm nên thương hiệu cà phê độc đáo K’ho coffee.

Say tiếng chiêng, yêu người đánh

Sinh năm 1983, Josh Guikema là kỹ sư nông nghiệp, có công việc ổn định và sinh sống tại bang Michigan, Hoa Kỳ. Một trong những sở thích của anh là du lịch. Khi đến Việt Nam, Josh mê ngay đất này. Và để có cơ hội ở lại, năm 2009, anh vào làm việc ở Công ty Green Energy chuyên tổ chức các tour du lịch bằng xe Vespa cho khách nước ngoài khám phá đất nước và con người Việt Nam. Tháng 9.2011, trong một lần dẫn khách lên khám phá văn hóa cồng chiêng của người K’ho ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, Josh đã gặp cơ duyên thay đổi cuộc đời.

Rolan Co Lieng sinh năm 1987, cũng như bao nhiêu người K’ho khác, cô có dòng máu nghệ sĩ chảy trong người nên từ nhỏ đã học đánh chiêng, hát, múa và lớn lên thì trở thành một nghệ sĩ chủ lực của đội văn nghệ buôn làng. Vào một buổi tối tháng 9.2011, Rolan dẫn mấy người bạn đi giao lưu cồng chiêng với du khách tại sân nhà sàn. Đêm. Sương vấn vít. Núi rừng thinh lặng. Lửa rực hồng. Hai ché rượu cần được khui ra. Tiếng chiêng ngân vang. Rượu cần nghiêng ngả. Những Rolan Co Lieng, Cil Sra, Krajan Doal, Dagout Gli cùng múa hát với Yến, Minh, Michel, Alain, Josh... Bị hút hồn bởi dáng điệu uyển chuyển, chân nhịp, tay đánh, mắt nâu hoang dã, mơ mộng, miệng tươi như hoa nở, tâm hồn hòa nhập vào tiếng chiêng khi linh thiêng, lúc vui nhộn, gợi cảm của Rolan nên kết thúc buổi giao lưu văn nghệ, Josh lập tức đến làm quen với cô thôn nữ đáng yêu này. Khi chia tay, họ trao đổi số điện thoại và hẹn nhau giữ liên lạc.

Rolan kể, cô cũng nghĩ chỉ là mối quan hệ xã giao như bao du khách mà cô thường trao đổi số điện thoại nhưng không ngờ Josh lại nhắn tin và gọi điện thường xuyên và chân tình. Tình cảm của họ càng thân thiết thì tiền cước điện thoại càng tốn.

Rồi đầu năm 2012, Josh trở lại tổ dân phố Bonneur C để làm quen với gia đình Rolan. Josh nhớ lại: “Tôi thích nông nghiệp, thích cà phê từ lâu mà không có điều kiện làm. Đến nhà Rolan, mở cửa ra sau nhà là tôi đã được hít hà không khí của cả một thung lũng bạt ngàn cà phê arabica. Bố Rolan lại là một người rang, xay cà phê thủ công và rất yêu nghề. Ngay lập tức tôi thích thú cùng gia đình ra vườn bón phân, tỉa cành cà phê, hái trái chín, vào bếp trực tiếp rang hạt để tận hưởng hương vị quyến rũ của nó”.

Ông Rơông Ha Mừng, bố của Rolan, kể Josh tính nết hiền lành, tốt bụng, ít nói hay cười lại rất hòa đồng lăn vào làm những công việc của nhà nông cùng với gia đình nên ai cũng quý.

Yêu người, mến cảnh, Josh quyết định nghỉ việc ở công ty để lên nhà Rolan sinh sống và làm cà phê. Josh bỏ phố lên rừng trong sự ngỡ ngàng của bạn bè và cả chính người yêu. Josh thuê một căn phòng ở thành phố Đà Lạt và hàng ngày đi xe máy lên nhà người yêu để phụ giúp gia đình trồng, chăm sóc và chế biến cà phê.

“Làm cái gì của người K’ho mình”

Ông Rơông Ha Mừng trồng gần 1,8 héc ta cà phê arabica từ năm 1994 nhưng do canh tác theo lối thông thường nghĩa là bón nhiều phân hóa học, phun nhiều thuốc trừ sâu nên rất tốn tiền. Đã vậy giá cà phê lại thấp, lúc trồi lúc sụt, thương lái chỉ mua từ 12.000-15.000 đồng/ký. Phần giữ lại để rang xay thủ công cũng không đáng kể, chỉ đủ gia đình uống và tặng người thân, bạn bè. Thấy mà tiếc nên Josh thuyết phục ông Rơông và các thành viên trong gia đình phải làm nông nghiệp hữu cơ để vừa bảo vệ sức khỏe con người, vừa ít tốn tiền đầu tư phân, thuốc, lại cho sản phẩm sạch, ngon và có giá hơn. Rất may là gia đình đồng ý và hợp tác. Họ cùng ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê, mùn, phân bò, phân gà; nghiền hạt xoan, trộn với vôi bột rồi ngâm nước để làm thuốc trừ sâu; trồng hoa để dụ thiên địch...

Tháng 10 hàng năm là bắt đầu vụ thu hoạch cà phê, kéo dài đến hết tháng 11. Khác với cách hái thông thường của người dân là tuốt (được cái nhanh nhưng bị lẫn hạt xanh, hạt lép dẫn đến chất lượng kém), Josh hướng dẫn các thành viên trong gia đình hái từng trái, lựa trái mẩy, chín đỏ, mọng mới hái. Tiếp đến là một quá trình chế biến rất công phu. Josh kể tỉ mỉ: “Hạt tươi phơi hai lần mất một tháng, đóng vào bao gai ủ trong ba đến bốn tháng để cân bằng độ ẩm. Tiếp đến là xay hạt tách vỏ lụa rồi lựa bằng tay bỏ hết hạt lép, để vài ngày sau thì mang rang. Làm cà phê vất vả lắm, mất vài tháng mới xong quy trình, mười ký cà phê tươi mới được một ký cà phê hạt”.

Lô hàng 10 ký cà phê làm thành công đầu tiên năm 2012 của họ được bán hết ngay. Năm tiếp theo, Josh mạnh dạn mang sản phẩm đi tham dự Organic Famers’ Market tại TPHCM và được đông đảo khách hàng hồ hởi đón nhận. Sau đó, người đại diện của Công ty Real Speliality Coffee Roaster đã tìm đến tận thôn Bonneur C để khảo sát quy trình sản xuất và quyết định đặt mua 20 tấn mỗi năm nhưng anh phải từ chối vì làm không xuể và để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chất lượng.

Mày mò suốt ba năm, tháng 7-2015, Rolan và Josh mới ưng ý với sản phẩm cà phê của mình. Chuyện đặt tên thương hiệu cũng là chuyện đau đầu. Rolan nhớ lại: “Hai đứa bàn đi tính lại mãi cũng chưa ưng ý với cái tên nào. Một hôm tôi nghĩ tại sao không làm cái gì của người K’ho mình để nếu mình thành công thì sẽ giúp ích được cho nhiều bà con. Thế là bật ra cái tên K’ho coffee. Lại mất một năm hai đứa mới nghĩ ra logo. Bao bì được họ dùng giấy màu vàng của hạt cà phê chưa rang nên cũng rất đẹp và gợi hứng.

Có cà phê ngon, thương hiệu ấn tượng, logo đẹp mắt nên Rolan và Josh tự tin thành lập Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ K’ho. Một tháng sau, họ đầu tư 130 triệu đồng mua một chiếc máy rang hiện đại. Mỗi mẻ rang hết 20 phút, được 4 ký hạt. Trái tim đam mê, bàn tay khéo léo, cái mũi ngửi mùi tốt, cái lưỡi nếm sành điệu cộng với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nên chất lượng cà phê nâng cao rõ rệt, đã bán được 500.000 đồng/ký so với giá 280.000-350.000 đồng/ký rang hoàn toàn thủ công trước kia.

Đến nhà Rolan và Josh, khách sẽ được nếm trải sự kỳ công và thú vị của người làm cà phê. Đẩy cánh cửa gỗ bước vào, đập vào mắt là những bao cà phê chất chồng. Trên giá gỗ quanh tường bày những lọ thủy tinh trắng đựng hạt cà phê mẫu. Dưới cái mẹt đan bằng tre vẽ logo treo trên vách gỗ là chiếc máy rang cà phê.

Xong màn chào hỏi, Josh lấy cái muôi inox xục vào bao gai xúc hạt cà phê đổ vào máy. Hương cà phê vừa bắt đầu xay đã lan tỏa khắp căn phòng. Một du khách thốt lên, thơm quá! Căn phòng dần trở nên rộn rã với những tiếng ồ à thích thú và những lời xuýt xoa khen ngợi. Hai mươi phút, rang xong, Josh dẫn khách đi xuyên qua vườn cà phê xanh mướt, quả trĩu trịt, tỏa hương thơm ngai ngái tươi mát để đến một ngôi nhà sàn bằng gỗ. Trong khi khách ngắm thổ cẩm, đánh đàn t’rưng, thổi kèn bầu... thì Rolan xay cà phê rồi đổ vào dụng cụ pha chế.

Ngồi trong căn nhà gỗ nằm giữa vườn cà phê nhâm nhi ly cà phê thơm đậm đà, nghe gió thổi vi vu, ngắm mây trời bồng bềnh quanh núi biếc, nghe câu chuyện tình lãng mạn chắp cánh cho thương hiệu cà phê độc đáo, quả là thi vị.

Năm 2014, Rolan và Josh tổ chức đám cưới. Hiện họ đã có một bé trai kháu khỉnh hơn hai tuổi, mang tên ghép giữa hai dân tộc là Lee Herry Guikema Cơ Liêng. Căn nhà hạnh phúc của họ do Josh tự thiết kế, nằm ở lưng chừng đồi, bao quanh là vườn cà phê arabica, hàng ngày tiếp đón rất nhiều du khách. Anh K’Vâng, chuyên viên du lịch của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cho biết anh đã đưa câu chuyện tình, câu chuyện thương hiệu K’ho coffee vào làm một điểm nhấn trong hành trình khám phá di sản thiên nhiên, văn hóa K’ho và được du khách hưởng ứng, khen ngợi.

Rolan cho biết Công ty K’ho đã hướng dẫn kỹ thuật canh tác hữu cơ và mua cà phê tươi của 50 gia đình trong buôn. Những túi cà phê K’ho coffee được gửi bán ở các thị trường Đà Lạt, Nha Trang, TPHCM... Qua mạng Internet, Josh cũng kết nối với nhiều khách du lịch Mỹ và các nước châu Âu tìm đến mua cà phê của họ.

Rolan và Josh cho biết với thương hiệu K’ho Coffee, họ muốn nhấn mạnh tới thương hiệu đặc trưng của sản phẩm do chính những người K’ho ở mảnh đất này tạo ra: “Logo của K’ho Coffee là hình hạt cà phê cách điệu trên nền họa tiết trống đồng, hoa văn thổ cẩm của người K’ho. Bao bì đựng cà phê được đặt mua ở Hồng Kông là bao giấy có phủ lớp giấy bạc bên trong để vừa chống ẩm vừa không làm ảnh hưởng tới hương vị”.

Dân làm thương hiệu bao giờ cũng có câu cửa miệng: “Sản phẩm của bạn có chuyện gì để kể?”. Chuyện về K’ho coffee kể suốt ngày không hết!

Theo TBKTSG (Ảnh: Internet, blog K ho coffee)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
41 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện tình K’ho coffee