Trên địa bàn H.Đức Hòa chỉ có 55 cơ sở Phật giáo, không có cơ sở nào mang tên chùa Bồng Lai hay tịnh thất Bồng Lai và cũng không ai có pháp danh là Hòa thượng Thích Tâm Đức.

Chuyện về 'tịnh thất' Bồng Lai đầy huyên náo

Hùng Anh | 01/11/2019, 09:07

Trên địa bàn H.Đức Hòa chỉ có 55 cơ sở Phật giáo, không có cơ sở nào mang tên chùa Bồng Lai hay tịnh thất Bồng Lai và cũng không ai có pháp danh là Hòa thượng Thích Tâm Đức.

Lục lạo, phá tài sản, hành hung người để… tìm con gái

Công an H.Đức Hòa, tỉnh Long An, hiện vẫn đang thu thập chứng cứ để điều tra vụ gây rối trật tự công cộng tại 1 cơ sở tu tại gia thuộc ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây (H.Đức Hòa, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trước đó, hơn 16 giờ ngày 24.10, khoảng 50 người từ TP.HCM đi trên nhiều xe ô tô tìm đến ấp Lập Thành, hò hét xông vào cơ sở tu tại gia có tên là tịnh thất Bồng Lai để tìm người. Nhóm người này do vợ chồng ông Thắng (ngụ TP.HCM) dẫn đầu, đến tịnh thất Bồng Lai để tìm con gái của ông này.

Theo trình bày của phía ông Thắng, con gái ông năm nay 22 tuổi, trước đó có quen với 1 phụ nữ đang sống trong tịnh thất, nhiều lần bày tỏ ý nguyện muốn đến trú ngụ tại đây để đi tu, nhưng bị cha mẹ phản đối.

Sau đó cô gái được cha mẹ cho đi học ở nước ngoài, nhưng cô này đã trốn về nước, đến sinh sống tại tịnh thất Bồng Lai. Biết chuyện, hôm đầu tháng 10, vợ chồng ông Thắng đã tìm đến tận nơi đưa con gái về TP.HCM, nhưng chỉ một thời gian ngắn cô con gái tiếp tục trốn nhà ra đi.

Nhóm người của ông Thắng tự tiện xông vào tịnh thất Bồng Lai tìm người, đập phá tài sản, hành hung người khác- Ảnh: cắt từ clip

Cho rằng con gái tiếp tục sinh sống trong Tịnh thất Bồng Lai, nên chiều 24.10 vợ chồng ông Thắng đi cùng nhiều người đến cơ sở này để… đòi con. Do thái độ của nhóm người lạ mặt quá hung hăng nên những người đang trú ngụ trong tịnh thất cương quyết không mở cổng, đồng thời nhiều lần lên tiếng giải thích là con gái của vợ chồng ông Thắng không có mặt trong tịnh thất. Tuy nhiên, nhóm người của ông Thắng không tin, liên tục la ó chất vấn: “Tụi bây dụ con gái tao xuống đây ở rồi giấu nó ở đâu?”.

Bất chấp giải thích của những người trong tịnh thất, nhóm của ông Thắng đã tự ý mở cổng tràn vào bên trong, chia nhau đi lục lọi từng căn phòng, từng chiếc tủ để tìm người. Tìm không được cô gái, nhóm người này bực tức ra tay đập phá nhiều đồ đạc trong tịnh thất. Nghiêm trọng hơn, khi ông Nhị Nguyên, người tu tập trong tịnh thất, tiếp tục can ngăn và giải thích không có cô gái trong cơ sở này thì bị người trong nhóm của ông Thắng ném gạch vào mặt, gây thương tích, phải đưa đi bệnh viện điều trị vết thương.

Tình hình căng thẳng nên nhóm người trong tịnh thất đã dùng điện thoại quay lại toàn bộ vụ việc và thông báo với Công an xã Hòa Khánh Tây. Sau khi lực lượng Công an xã Hòa Khánh Tây và Công an H.Đức Hòa có mặt giải quyết sự việc, nhóm người của ông Thắng còn tiếp tục chửi bới, lăng mạ những người trong tịnh thất và thách thức cả công an rồi mới chịu lên xe về TP.HCM.

Theo ông Nhất Nguyên, người tu tập trong tịnh thất, sau khi nhóm người của ông Thắng ra về, người trong tịnh thất kiểm tra lại thì phát hiện bị mất hơn 300 triệu đồng tiền mặt để trong tủ của chủ tịnh thất và 1 viên đá thạch anh có giá trị.

Ông Nhị Nguyên bị ném gạch chảy máu mặt phải đi bệnh viện điều trị - Ảnh: cắt từ clip

Luật sư Nguyễn Minh Tấn (Tiền Giang) cho biết, nếu xác định thật sự có cô con gái tá túc trong tịnh thất thì vợ chồng ông Thắng và nhóm người của mình phải thông báo với Công an xã Hòa Khánh Tây, Công an H.Đức Hòa và chính quyền địa phương, các cơ quan hữu trách đến xử lý vụ việc. Hành vi tự tiện xông vào Tịnh thất Bồng Lai lục lạo khắp nơi để tìm người, đập phá tài sản, hành hung người khác… của nhóm ông Thắng đã vi phạm pháp luật.

“Thứ nhất là họ xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác. Hành vi này vi phạm điều 158 Bộ Luật Hình sự năm 2015, tùy mức độ nghiêm trọng mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, phạt tù từ 1 - 5 năm vì phạm tội có tổ chức.

Nhóm người này còn có thể bị xử lý hình sự tội hủy hoại tài sản (có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm vì phạm tội có tổ chức, nhưng tùy theo mức độ thiệt hại của tài sản). Riêng việc người của tịnh thất bị hành hung bị thương thì nhóm người của ông Thắng đã phạm tội “Cố ý gây thương tích”, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Tấn giải thích.

Cơ sở tu tại gia nhiều lần gây bão dư luận

Đây không phải là lần đầu tiên tịnh thất Bồng Lai xảy ra sự việc gây bão dư luận. Vào tháng 5.2017, ông Lê Tùng Vân, (88 tuổi, người tự xưng Hòa thượng Thích Tâm Đức là chủ tịnh thất Bồng Lai), đã tung tin tại tịnh thất xuất hiện hoa Ưu đàm nhà Phật 3.000 năm mới nở 1 lần, gây xôn xao dư luận.

Trong khi sự việc hoa Ưu đàm chưa lắng xuống thì “chùa” Bồng Lai lại nổi như cồn với sự việc 2 “sư thầy” Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên (mệnh danh trên mạng là hát Bolero hot nhất Việt Nam) dự thi Tuyệt đỉnh song ca 2017 của 1 đài truyền hình ở miền Tây Nam Bộ.

Tiếp đó, năm 2018, tịnh thất Bồng Lai lại gây bão dư luận khi có 1 nhóm 5 em nhỏ được gọi là “chú tiểu” tham gia game show Thách thức danh hài và đoạt giải thưởng lớn. Nhưng sự việc khiến Tịnh thất Bồng Lai nổi tiếng nhất là vụ xảy ra vào tháng 9.2018, khi 3 người trong tịnh thất là Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Huyền Trân cần phải làm CMND và hộ khẩu.

Nhưng Trưởng Công an xã Hòa Khánh Tây lúc đó là ông Nguyễn Hoàn Khải trắng trợn ra giá: muốn được cấp CMND và hộ khẩu thì phải chi từ 100 - 150 triệu đồng cho 1 người. Sau khi người của tịnh thất Bồng Lai tố cáo sự việc, dù ông Khải giải trình là chỉ nói chơi trong lúc có uống rượu, nhưng vẫn bị kỷ luật mất chức.

Theo thông tin từ ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và các cơ quan hữu trách của H.Đức Hòa, tịnh thất Bồng Lai chỉ là cơ sở tu tại gia, biến gia thành tự, và không được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào công nhận. Những người tự xưng hòa thượng, sư thầy ở chùa Bồng Lai hay tịnh thất Bồng Lai đều không có tên trong danh bộ Tăng ni của H.Đức Hòa và tỉnh Long An.

Ông Nhất Nguyên trình bày sự việc - Ảnh: Thanh Anh

Trên địa bàn H.Đức Hòa chỉ có 55 cơ sở Phật giáo, không có cơ sở nào mang tên chùa Bồng Lai hay tịnh thất Bồng Lai và cũng không ai có pháp danh là Hòa thượng Thích Tâm Đức. Thực chất, những người này tự mua đất cất nhà và tự đặt tên chùa; không có đăng ký hoạt động tu tập với Giáo hội và cơ quan hữu trách, tự cạo đầu mặc áo nhà tu; giáo phẩm “Hòa thượng Thích Tâm Đức và các sư thầy” là tự xưng.

Nhưng theo “Hòa thượng” Thích Tâm Đức, ông có đầy đủ giấy tờ để chứng minh chùa là của ông, là ngôi chùa bỏ hoang được ông mua lại từ những năm trước. Ông Tâm Đức giải thích: “Chùa của mình thì gọi là tịnh thất hoặc chùa tư nhân đều được. Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên là đệ tử của tôi, 2 con là trẻ mồ côi ở với tôi từ nhỏ.

Từ trước đến nay tôi nuôi trên 200 em mồ côi, hiện tại tịnh thất Bồng Lai đang cưu mang hơn 20 người cơ nhỡ từ các nơi đến sinh sống và nhiều trẻ em mồ côi. Tôi không chỉ có tịnh thất Bồng Lai mà còn rất nhiều cơ sở ở các tỉnh thành khác như Châu Đốc, Cần Thơ, TP.HCM…”.

Tuy nhiên, phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An khẳng định: ông Tâm Đức và 2 đệ tử Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên chỉ là những người tu tại gia, không phải tu sĩ, nên không thể tự xưng ngôi nhà mình đang ở là chùa Bồng Lai và mình là sư thầy, hòa thượng.

“Việc tự xưng nhà là chùa và nuôi trẻ mồ côi hoàn toàn sai. Nếu là người bình thường nhận nuôi trẻ mồ côi thì phải xin phép các cơ quan hữu trách; nhà chùa nhận nuôi trẻ mồ côi thì còn phải được sự cho phép của Giáo hội”, đại diện ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An khẳng định.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
15 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về 'tịnh thất' Bồng Lai đầy huyên náo