Hãng Reuters ghi nhận tình trạng nhiều loài cỏ dại giết chết cây trồng đang lan rộng ra khắp vùng đồng bằng phía bắc và Trung Tây nước Mỹ.
Khoa học - công nghệ

Cỏ dại giết chết cây trồng lan tràn khắp nước Mỹ vì hóa chất mất tác dụng

Cẩm Bình 17/01/2024 17:20

Hãng Reuters ghi nhận tình trạng nhiều loài cỏ dại giết chết cây trồng đang lan rộng ra khắp vùng đồng bằng phía bắc và Trung Tây nước Mỹ.

Dấu hiệu mới nhất này cho thấy cỏ dại đang tiến hóa khả năng kháng hóa chất nhanh hơn tốc độ phát triển sản phẩm mới của các công ty nông dược.

Các nông dân mà Reuters phỏng vấn phản ánh rằng họ đang thua trong “cuộc chiến” chống cỏ dại đe dọa ngũ cốc cùng hạt có dầu. Cỏ dại làm tăng thêm khó khăn cho người trồng trọt, bên cạnh lạm phát và thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.

Giám đốc Cơ quan Khảo sát quốc tế về Cỏ dại kháng thuốc (ISHRW) Ian Heap nhận định: “Trong 10 năm tới, chúng ta chắc chắn gặp rắc rối lớn. Chúng ta đang trải qua một cuộc biến động thực sự”.

ISHRW là tổ chức tập hợp 80 nhà khoa học thực hiện công tác cập nhật cơ sở dữ liệu toàn cầu về hóa chất diệt cỏ.

Cơ sở dữ liệu ghi lại quá trình mất đi tác dụng của glyphosate - một trong số thuốc diệt cỏ phổ biến nhất - với 361 loài cỏ dại (180 loài hiện diện ở Mỹ) khiến ngô, đậu nành, củ cải đường cùng hàng loạt cây trồng khác bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 21 loài kháng dicamba - loại hóa chất ra mắt gần đây nhất tại Mỹ.

Năng suất cây trồng toàn cầu nhìn chung tăng cao hơn trước nhờ nhiều yếu tố, trong đó, công nghệ tiên tiến cho ra đời hạt giống khỏe mạnh hơn. Nhưng giới khoa học cảnh báo vấn đề cỏ dại sẽ trở nên nghiêm trọng, thậm chí có loài đạt được khả năng kháng thuốc ngay lần tiếp xúc đầu tiên.

co.jpg
Cỏ kochia - Ảnh: Reuters

Tại thành phố Douglas thuộc bang Bắc Dakota, nông dân Bob Finken phun cả dicamba lẫn glyphosate mà vẫn không diệt nổi cỏ dại cuối vụ. Không hóa chất nào loại bỏ được loài cỏ kochia phát tán đến 30.000 hạt mỗi cây.

“Thật đáng sợ. Dường như mỗi năm tình hình lại tệ hơn một chút”, Finken chia sẻ. Ông buộc phải dọn cỏ bằng thiết bị thu hoạch dù làm vậy có nguy cơ khiến máy móc đắt tiền bị hư hại.

Nhiều nông dân khác phải thuê nhân công dọn cỏ, theo nhà nông học Sarah Lovas (công ty GK Technology). Năm ngoái, Bắc Dakota là bang sản xuất lúa mì vụ xuân lớn nhất và là bang trồng đậu nành lớn thứ 9 của Mỹ.

Chuyên gia Joe Ikley (Đại học bang Bắc Dakota) cho biết, 5 trên tổng số 53 hạt trên địa bàn ghi nhận kochia kháng dicamba. Nông dân trồng đậu nành Monte Peterson bi quan nhận định: “Sớm muộn gì chúng cũng sẽ tấn công trang trại của bạn mà thôi”.

Lý giải về nguyên nhân tốc độ phát triển sản phẩm mới quá chậm chạp, ba công ty nông dược hàng đầu Bayer, Corteva và FMC nói rằng quy định quản lý về tác động môi trường nghiêm ngặt hơn ngăn cản họ tung ra hóa chất diệt cỏ hiệu quả. Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) khẳng định các tiêu chuẩn phê duyệt hiện hành không thay đổi đáng kể kể từ năm 1996.

Theo công ty phân tích AgbioInvestor, tỷ lệ doanh thu mà các công ty nông dược dành cho hoạt động nghiên cứu - phát triển sản phẩm mới giảm từ 8,9% năm 2000 xuống còn 6,2% năm 2020. Thay vào đó họ chỉ đẩy mạnh bán sản phẩm hiện có như dicamba, glufosinate và 2,4-D.

FMC dự định năm 2026 sẽ tung ra sản phẩm diệt cỏ dại hại cây lúa dựa trên công nghệ mới. Thuốc được phát triển trong 11 năm.

Phải đến năm 2028 Bayer mới ra mắt loại thuốc diệt cỏ mới. Hai thập kỷ trước, mỗi 50.000 hóa chất tiềm năng họ sẽ chọn ra được 1 sản phẩm để thương mại hóa, nhưng giờ đây tỷ lệ này tăng lên mỗi 100.000 - 150.000 chất tiềm năng chọn 1 sản phẩm.

Năm 2027, Corteva dự kiến giới thiệu thuốc diệt nấm bảo vệ cây đậu tương châu Á khỏi bệnh gỉ sắt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
2 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cỏ dại giết chết cây trồng lan tràn khắp nước Mỹ vì hóa chất mất tác dụng