Tính đến thời điểm hiện tại, đa số các ngân hàng đã tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017. Thế nhưng, câu chuyện chia cổ tức bằng tiền mặt, cổ phiếu hay không được chia cổ tức tiếp tục được đa số các cổ đông ngân hàng tranh cãi.

Cổ đông nhiều ngân hàng bức xúc vì không được chia cổ tức

Phan Diệu | 11/05/2017, 16:36

Tính đến thời điểm hiện tại, đa số các ngân hàng đã tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017. Thế nhưng, câu chuyện chia cổ tức bằng tiền mặt, cổ phiếu hay không được chia cổ tức tiếp tục được đa số các cổ đông ngân hàng tranh cãi.

Tranh cãi cổ phiếu hay tiền mặt

Trong số những ngân hàng công bố chi tiết, năm nay, có khoảng 5 ngân hàng trả cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu, 4 ngân hàng vừa cổ phiếu vừa tiền mặt và 4 ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, còn lại là không chia cổ tức.

Ba “ông lớn” quốc doanh là BIDV, VietinBank, Vietcombank tiếp tục chia cổ tức cho cổ đông toàn bộ bằng tiền mặt. Cụ thể, BIDV và VietinBank cùng chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7%, Vietcombank chia cổ tức 8%.

Nhiều ngân hàng lại chia cổ tức vừa bằng cổ phiếu và tiền mặt với tỷ lệ cao chót vót. Điển hình như VIB nhận cổ tức 5% bằng tiền mặt và 39,6% bằng cổ phiếu. VPbank chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 31,8%.

Tại OCB, ngân hàng này đã thống nhất chia cổ tức 10%, trong đó có 5% tiền mặt. Cổ đông LienVietPostBank đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2016 là 10%, trong đó có 4% tiền mặt và 6% bằng cổ phiếu. MB chia cổ tức 6% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng năm nay lại quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, HDBank thống nhất chia cổ tức với tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu và 2% cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ. SHB chia cổ tức bằng cổ phiếu 7,5%. Bac A Bank chia cổ tức 8% bằng cổ phiếu.

ACB cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% và giữ lại 100 tỉ đồng lợi nhuận để mua cổ phiếu thưởng nhân viên. Trong phương án phân phối lợi nhuận dự kiến năm 2017, ngân hàng này cũng lên kế hoạch tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu, giữ nguyên tỷ lệ như năm 2016.

Tuy nhiên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu đã khiến nhiều cổ đông ngân hàng không hài lòng và tranh cãi nhiều tại các cuộc họp. Một số cổ đông cho rằng đầu tư vào ngân hàng chỉ mong cuối năm nhận được tiền mặt, thế nhưng năm nào cũng chỉ nhận được cổ tức. Thậm chí, tại một số nhà băng quy mô vừa và nhỏ, tỷ lệ cổ tức năm 2016 chỉ được chia ở mức 3-4% còn khiến cổ đông không hài lòng vì cho rằng mức cổ tức này thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng.

Theo đại diện nhiều ngân hàng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm giúp họtăng vốn điều lệ bởi lẽáp lực tăng vốn ngày càng mạnh vàtrong năm nay, Ngân hàng Nhà nước áp các giới hạn về an toàn vốn. Nhiều nhà băng không còn cách nào khác là phải tăng vốn để đáp ứng yêu cầu trên.

Nhiều ngân hàngkhông trả cổ tức

Đáng lưu ý ở những ngân hàng đang thực hiện tái cấu trúc sau M&A, cổ đông còn không thể kỳ vọng có cổ tức. Đơn cử tại Eximbank, dùnăm 2016 hoạt động có lãi với mức lợi nhuận trước thuế đạt gần 400 tỉ đồng, thế nhưng ngân hàng này vẫn lỗ lũy kế đến 461 tỉ đồng nên không chia cổ tức cho cổ đông. Vì vậy, không ít cổ đông của Eximbank rất bức xúc.

Tại SCB, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối tính đến cuối năm 2016 của ngân hàng này là hơn 500 tỉ đồng, nhưng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nênkhông thể chia cổ tức.

Hay tại TPBank, dù vẫn hoàn thành vượt chỉ tiêu nhưng cổ đông của TPBank đã không nhận được cổ tức năm 2016.

Techcombank dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn tăng được trong năm 2017 để mở rộng mạng lưới, phần còn lại sẽ tăng nguồn vốn cho hoạt động tín dụng và đầu tư trái phiếu Chính phủ. Trong kế hoạch này, vấn đề chi trả cổ tức cho cổ đông vẫn không đả động tới, dù cổ đông đã không có một đồng cổ tức nào kể từ năm 2011 đến nay.

Tương tự, nhiều cổ đông của VietABank cũng bức xúc khi nhiều năm không được nhận cổ tức và cũng không kỳ vọng được nhận cổ tức vào năm nay.

“Cơm không ăn gạo còn đó”

Trả lời cổ đông về việc không chia cổ tức, ông Lê Minh Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank nói rằng ngân hàng này có nền tảng vững, nhưng thời gian tới cần phải xử lý nhiều vấn đề tồn đọng. Hoạt động của ngân hàng cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức cả bên trong và bên ngoài. Vì vậy, dự kiến đến giữa năm 2018, Eximbank mới khắc phục được những vấn đề tồn đọng, sau đó mới tính đến chuyện chia cổ tức.

“Việc bù đắp lỗ lũy kế song song với chia cổ tức, chúng tôi sẽ xin ý kiến cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước, nhưng về cơ bản là rất khó”, lãnh đạo Eximbank nói.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cũng cho biết các cổ đông hầu hết mong được chia cổ tức bằng tiền mặt và đây là nguyện vọng chính đáng. Thế nhưng, nếu chia bằng tiền mặt, trong 3-5 năm tiếp theosẽ khó đảm bảo sự lớn mạnh của ngân hàng.

“Chúng tôi cũng là cổ đông và mong cổ đông chia sẻ. Chúng tôi lo cho 7.000 nhân viên, gần 4 vạn cổ đông và hơn 5 triệu khách hàng. Nếu chúng ta chia ngay thì 3-5 năm sau sự lớn mạnh của ngân hàng sẽ như thế nào? Cổ đông cũng thử ngồi vị trí của chúng tôi đi để hiểu nỗi lòng của chúng tôi”, ông Hiển nói.

Nhận định về vấn đề chia cổ tức, ông Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM nói rằng trong bối cảnh tái cơ cấu hiện nay, ngân hàng cần phải ưu tiên nâng cao năng lực tài chính trước. Hiện tại, còn nhiều vấn đề mà các ngân hàng phải giải quyết trước khi chia cổ tức là xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính...

Theo ông, một số ngân hàng chia cổ tức năm 2016 từ 5-7%, nhưng vẫn có những trường hợp không chia cổ tức do còn phải tập trung nguồn lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Về yếu tố bền vững, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ mang lại giá trị cao hơn nhiều cho cổ đông trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng sau khi trích lập dự phòng chia cổ tức bằng cổ phiếu.

“Trong bối cảnh tái cơ cấu hiện nay, ngân hàng cần phải ưu tiên nâng cao năng lực tài chính trước. Điều chúng ta muốn chính là đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, cơm không ăn gạo còn đó”, ông Dũng chia sẻ.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổ đông nhiều ngân hàng bức xúc vì không được chia cổ tức