Thực trạng mang thai, phá thai ở Việt Nam độ tuổi vị thành niên ngày càng đáng báo động, bố mẹ thay vì hướng dẫn con né tránh như thế nào, với ai, khi nào, ... thì nên dạy con làm thế nào để an toàn.
Những ngày tiếp theo, tôi đi nhà sách để tìm những cuốn sách giáo dục giới tính để nghiên cứu. Tôi cũng trao đổi với cô giáo chủ nhiệm trên trường vì muốn biết ở trên lớp cháu đã được dạy những gì rồi. Tôi cũng có hướng dẫn cháu, nhưng tính cháu vốn nhút nhát, mắc cỡ nên cuộc trò chuyện giữa mẹ và con gái dường như không được thoải mái lắm mặc dù tôi cũng cố gắng. Tôi thật sự lo lắng vì không biết là cháu đã thật sự hiểu đúng và đủ chưa. Tôi lo lắng bởi vì các cháu hiện nay dậy thì sớm so với thế hệ tôi. Con mới học lớp 5 mà tôi đã phải dạy cháu về "hiện tượng kinh nguyệt", "mang thai", "ngừa thai"... Đọc các thông tin trên mạng mà thấy hoảng: 25 - 30% trường hợp mang thai tại Việt Nam là nữ dưới 18 tuổi và thực trạng phá thai... tôi càng có ý thức quan tâm dạy dỗ con mình về vấn đề này cho thật tốt.
Do làm công việc truyền thông cho phòng khám đa khoa tại quận 1, tôi được tham dự một buổi hội thảo chuyên về "Giáo dục giới tính" tại một trường quốc tế ở quận 7 do một bác sĩ chuyên khoa Nhi người nước ngoài trình bày cho nhóm học sinh khoảng 50 em độ tuổi 12-13 tuổi bao gồm cả nam và nữ. Bác sĩ cung cấp nhiều thông tin cụ thể, tôi nhớ bác sĩ mở đầu bằng một câu chào dí dỏm: "Hôm nay tôi gặp gỡ các bạn không phải để giải đáp "How to do"" When to do" and "Whom to do with". Tôi chỉ muốn giúp các bạn tăng nhận thức về Safe - an toàn.
Bác sĩ đã trình bày về thực trạng về mang thai, phá thai độ tuổi vị thành niên, hậu quả, thông tin về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, khái niệm về cảnh báo về sexual network. Phần quan trọng nhất là "phòng tránh và ngăn ngừa" như thế nào. "Bọn trẻ" được hướng dẫn về cách phòng tránh lây nhiễm qua đường tình dục, các biện pháp ngừa thai và rủi ro. Các bạn nhỏ được "thực tập" các sử dụng bao cao su... Mỗi bạn được phát ống nghiệm và bao cao su để thực tập. Tôi vẫn nhớ câu hỏi cuối mà bác sĩ hỏi các em: "Vậy trách nhiệm phòng tránh là thuộc về nam hay nữ?", câu trả lời là "both" – tức cả hai giới và dặn dò: "Đừng bao giờ trông đợi ở người khác mà mình phải luôn ở thế chủ động phòng ngừa cho mình".
Tôi thấy bác sĩ trình bày cuốn hút và tính thuyết phục cao, cung cấp nhiều thông tin khoa học hơn và phần hỏi đáp sôi động hơn. Nếu như nhà trường hoặc bố mẹ có điều kiện thì vẫn nên cho các bé được gặp gỡ và trao đổi các vấn đề về giới tính với bác sĩ chuyên khoa Nhi, chuyên khoa Nam khoa hoặc sản phụ khoa, bởi vì nếu để các thầy cô phụ trách luôn cả môn này hoặc cha mẹ cũng khó mà truyền đạt được hết.
An Khuê