Thông tin này được đưa ra tại dự thảo tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp của Bộ KH-ĐT. Theo đó, phân cấp toàn bộ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (tại Điều 31 Luật Đầu tư) cho các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không xem xét, quyết định các dự án đầu tư cụ thể.

Có nên giao quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng cho các Bộ, UBND tỉnh?

21/02/2019, 10:45

Thông tin này được đưa ra tại dự thảo tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp của Bộ KH-ĐT. Theo đó, phân cấp toàn bộ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (tại Điều 31 Luật Đầu tư) cho các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không xem xét, quyết định các dự án đầu tư cụ thể.

Đề xuất các Bộ, ngành, UBND tỉnh sẽ quyết định chủ trương đầu tư các dự án - Ảnh minh họa

Theo dự thảo tờ trình, luật này sẽ sửa đổi 23 điều, bổ sung 1 điều của Luật Đầu tư 2014. Trong đó, bổ sung khái niệm “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài”, cụ thể thuộc một trong các trường hợp như sau:

Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đó; Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế đó; Nhà đầu tư nước ngoài có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức kinh tế đó.

Không hồi tố về điều kiện đầu tư

Sửa đổi khoản 2 Điều 13 của luật theo hướng bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

”Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm để Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết trong WTO về việc không hồi tố các điều kiện đầu tư (phạm vi hoạt động, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài)”, tờ trình nêu.

Cũng theo tờ trình, Khoản 4 Điều 15 được sửa đổi để loại bỏ dự án nhà ở thương mại ra khỏi đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư; thay thế doanh nghiệp khoa học và công nghệ thành hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ; bổ sung giáo dục đại học vào Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.

Chính phủ, Thủ tướng không quyết dự án đầu tư cụ thể?

Dự thảo luật cũng đề nghị loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư, bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỉ trở lên, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan.

Về việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ, hiện tồn tại 2 loại ý kiến khác nhau, do đó, Bộ KH-ĐT cần xin ý kiến Chính phủ.

Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị không phân cấp cho Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với tất cả các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư vì các dự án này đều là dự án quan trọng, nhạy cảm, có tính chất liên ngành, liên vùng cần có sự chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Trường hợp cần thiết thì chỉ thực hiện cơ chế phân cấp đối với các dự án phù hợp với quy hoạch.

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị phân cấp toàn bộ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư cho các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh để Chính phủ và Thủ tướng chính phủ tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành và không xem xét, quyết định các dự án đầu tư cụ thể.

Dự thảo luật cũng sửa đổi các Điều 34 và 35 theo hướng quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan trực tiếp tiếp nhận, tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng chính phủ, Quốc hội để đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ sự trùng lặp về quy trình thẩm định chủ trương đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan đăng ký đầu tư.

Về điều kiện kinh doanh, dự thảo luật này đề nghị bãi bỏ 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, bổ sung 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bao gồm: tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp; đăng kiểm tàu cá; kinh doanh sản phẩm báo chí.

Luật này cũng sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 khoản của Luật Doanh nghiệp. Trong đó, bãi bỏ việc yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh...

Sửa đổi khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3.6.2017 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (Khóa XII), đồng thời thay thế thuật ngữ “doanh nghiệp nhà nước” bằng thuật ngữ “doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”…

Chưa thống nhất bỏ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp với điều kiện quản lý của Việt Nam, gây khó khăn trong cân đối vĩ mô và kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Mặt khác, việc áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối cần được cân nhắc bởi cơ quan này không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư, trong đó có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, dự án đầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn (200 triệu USD trở lên) phải được Quốc vụ Viện (Chính phủ) chấp thuận; các dự án khác, tùy thuộc mục tiêu, quy mô, tính chất có thể được phân cấp cho Ủy ban cải cách và phát triển Quốc gia và Bộ Thương mại, Sở Thương mại.

Ngoài ra, Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung ương và cấp tỉnh được quyết định các dự án của DNNN thuộc quyền quản lý của mình. Cục Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc theo dõi và quản lý các giao dịch liên quan đến đầu tư ra nước ngoài (tương tự như chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay).

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.

Việc bỏ loại Giấy này không phải là giải pháp nhằm tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này mà chỉ nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chế độ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên giao quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng cho các Bộ, UBND tỉnh?