Sinh ra đã mắc phải căn bệnh thoái hóa võng mạc khiến đôi mắt cứ mờ dần đi và gần như chỉ phân biệt được sáng tối, nhưng Lê Hương Giang đã vượt lên số phận với một niềm tin “Tôi sinh ra trên đời là để làm nên điều kỳ diệu cho chính cuộc sống của mình”. Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi Giang mày mò chế tạo ra chiếc máy đếm tiền phát ra tiếng nói.

Cô sinh viên khiếm thị chế tạo máy đếm tiền phát ra tiếng nói

Một Thế Giới | 12/02/2015, 06:30

Sinh ra đã mắc phải căn bệnh thoái hóa võng mạc khiến đôi mắt cứ mờ dần đi và gần như chỉ phân biệt được sáng tối, nhưng Lê Hương Giang đã vượt lên số phận với một niềm tin “Tôi sinh ra trên đời là để làm nên điều kỳ diệu cho chính cuộc sống của mình”. Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi Giang mày mò chế tạo ra chiếc máy đếm tiền phát ra tiếng nói.

Chính sự nghiệt ngã tạo nên điều kỳ diệu

Sinh năm 1995, Lê Hương Giang là con gái đầu trong gia đình, bố mẹ em đều làm trong ngành dịch vụ nên thường xuyên phải đi sớm về khuya. Khác với bạn bè cùng trang lứa, số phận của em thật không may mắn khi vừa sinh ra đã mắc phải căn bệnh làm suy giảm thị lực.
Giọng Giang trầm xuống khi kể về tuổi thơ của mình: “Vì khi đó em còn quá nhỏ nên cũng không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ khoảng thời gian đó bệnh viện là nơi rất đỗi quen thuộc với em. Khi ấy, mắt em chỉ nhìn được lờ mờ chứ không thấy rõ được vật gì cụ thể nên ngày nào mẹ cũng đưa em đến bệnh viện để khám rồi tập phản xạ mắt. Không chỉ vậy, em đã phải trải qua mấy lần phẫu thuật mắt rồi nhưng kết quả cũng chẳng có gì khả quan. Sau này lớn lên em mới biết mình bị mắc chứng bệnh thoái hóa võng mạc và rung giật nhãn cầu bẩm sinh. Bố mẹ đưa em đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng đều không có hy vọng”.
Với đôi mắt chỉ thấy 1/10, bước vào lớp 1, Giang vẫn hòa nhập cùng các bạn sáng mắt, học chữ bình thường. Tuy nhiên, càng lớn Giang càng nhận ra sự khác biệt giữa mình và các bạn khiến em bắt đầu cảm thấy tự ti, mặc cảm.
“Trong suốt mấy năm học cấp 1 thành tích học tập của em cũng không kém gì các bạn bình thường. Mặc dù không nhìn thấy rõ ràng nhưng em vẫn có thể viết nhờ cảm giác, còn khi đọc sách thì phải dùng kính lúp. Tuy nhiên vì còn nhỏ, chưa nhận thấy sự khác biệt của mình nên em vẫn rất vô tư chơi cùng các bạn. Nhưng rồi, khi vừa bước lên cấp 2, mọi thứ đều lạ lẫm từ môi trường học tập đến thầy cô, bạn bè thì bệnh của em trở nên xấu đi. Em gần như chỉ phân biệt được sáng tối. Khi đó, em cảm thấy suy sụp hoàn toàn, ở trên lóp cũng như ở phòng, em luôn xa lánh thầy cô, bạn bè và luôn tự nhốt mình trong phòng, không nói chuyện với bất kỳ ai. Chính vì vậy, việc học hành của em sa sút thậm tệ. Em đã nghĩ con đường học hành của mình sẽ dừng lại”, Giang tâm sự.

Gặp phải cú sốc đầu đời quá lớn, tưởng chừng Giang sẽ không thể vượt qua nhưng nhờ có sự động viên của gia đình, bạn bè, em đã tìm lại được niềm tin vào cuộc sống. Giang kể: “Khoảng thời gian ấy với em quả thực giống như 1 cơn ác mộng vậy. Trước mắt chỉ toàn là 1 màu đen khiến em cảm thấy rất sợ hãi. Tuy nhiên, sự động viên giúp đỡ của bạn bè, thầy cô và đặc biệt là của gia đình, em đã bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn và dần lấy lại niềm tin ở bản thân. Chính các bạn khiếm thị đã giúp em định hướng đường đi, dạy em học chữ nổi và làm những công việc thường nhật để tự phục vụ bản thân. Cứ như vậy, em tập làm quen dần, nhưng cũng phải mất 3 năm em mới vực dậy được. Cuối năm lớp 8, đầu lớp 9, em bắt đầu thay đổi bằng việc tham gia hoạt động văn nghệ, lớp nghệ thuật của trường, từ làm gốm, học đàn guitar, ca hát, nhảy múa...”.

Khi lên THPT, Giang là học sinh khiếm thị duy nhất của trường THPT Thăng Long. Giang chia sẻ: “Bạn bè đều bất ngờ khi biết em học tại ngôi trường này. Ai cũng nghĩ rằng sẽ quá sức với em vì đây là ngôi trường không học chữ nổi, không có thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thị nên việc theo học đối với em vô cùng khó khăn. Ban đầu, em thấy hơi lo lắng và không biết làm thế nào để hòa nhập trong môi trường như vậy, nhưng các thầy cô và bạn bè đã giúp em vượt qua. Phương pháp học của em chủ yếu là trao đổi trực tiếp với giáo viên và thực hiện các bài kiểm tra, bài thi bằng vấn đáp”.

Hơn ai hết, Giang hiểu được rằng cuộc sống của mình tốt xấu ra sao là do bản thân tự quyết định, vì vậy em luôn nỗ lực hết mình. Ngoài sự nỗ lực trong học tập, Giang còn tham gia tất cả các buổi ngoại khóa do trường tổ chức. Trong suốt những năm học cấp 3, Giang luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm 2012, em còn giành huy chương Đồng cuộc thi Thách thức Công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu tại Incheon Hàn Quốc. Không chỉ vậy, với việc chế tạo ra chiếc máy đếm tiền phát ra tiếng nói, Giang đã giành giải 3 trong “Hội thi Khoa học Kỹ thuật Intel ISEF” và được tuyển thẳng vào Trường ĐH KHXH&NV. Hiện tại, Giang còn là cộng tác viên của chuyên mục “Niềm tin ánh sáng” của VOV giao thông.

Chiếc máy có thể đếm tối thiểu 500 tờ tiền trong vòng 30 giây

Hiện Lê Hương Giang đang là sinh viên năm thứ nhất của khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH&NV. Chia sẻ về lý do theo học chuyên ngành này, Giang nói: “Từ nhỏ em đã có cơ hội theo chân nhiều tổ chức đến vùng sâu, vùng xa để chia sẻ câu chuyện của bản thân với những bạn khiếm thị, khuyết tật khác. Sau những chuyến đi như thế, em cảm thấy mình thật may mắn so với nhiều bạn khuyết tật khác không được đến trường do hoàn cảnh gia đình. Hơn nữa, hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới, người khuyết tật đang gặp rất nhiều rào cản, khó khăn để khẳng định bản thân. Có thể rào cản xuất phát từ chính sự hoài nghi, mặc cảm, thiếu tự tin về bản thân, hoặc do gia đình không tin tưởng vào khả năng của con cái mình. Hơn nữa, xã hội đang có cái nhìn thương hại đối với người khuyết tật. Em mong muốn mọi người có cái nhìn công bằng về khả năng học tập, làm việc như người bình thường của người khuyết tật. Bản thân em là một người khiếm thị nên em mong muốn trở thành chuyên gia tâm lý giúp đỡ các bạn khuyết tật khác hòa nhập với cộng đồng. Đây cũng là dự án mà em đã ấp ủ từ rất lâu và bây giờ vẫn đang trong quá trình thực hiện”.

Nói về ý tưởng phát minh ra chiếc máy đếm tiền phát ra tiếng nói phục vụ cho việc kinh doanh của người khiếm thị, Giang kể: “Khi em tham gia Hội thi Khoa học Kỹ thuật Intel ISEF, các thầy cô giáo đã gợi ý cho em rằng hãy nghĩ về một việc giúp tháo gỡ khó khăn cho các bạn khiếm thị. Sau khi suy nghĩ, em nhận thấy nhiều bạn trong trường học rất giỏi nhưng vì điều kiện không cho phép nên phải tạm dừng việc học về nhà kinh doanh và họ gặp khó khăn lớn trong vấn đề sử dụng, đếm tiền. Từ đó, em bắt đầu lên ý tưởng và chế tạo mô hình chiếc máy đếm tiền, phân biệt mệnh giá tiền phát ra tiếng nói”.

Vì chưa từng chế tạo máy móc nên Giang đã nhờ anh Phạm Ngọc Tuyên, sinh viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách Khoa giúp đỡ thực hiện ý tưởng này. Giang chia sẻ: “Đầu tiên, chúng em tìm những tài liệu có liên quan ở nước ngoài rồi dịch ra để nghiên cứu, sau đó đến khâu đi tìm mua nguyên vật liệu cần thiết. Bước cuối cùng mới là mày mò chế tạo chiếc máy. Chiếc máy có cấu tạo hai phần là đếm tiền và phân biệt thật giả. Để phân biệt cần có bộ máy cảm biến kích thước đo độ dài rộng của tờ tiền và nguồn phát hồng ngoại, cực tím để đặc điểm bảo an của tờ tiền hiện lên màn hình sau đó phát ra tiếng nói. Mô hình của chiếc máy mà em thiết kế có thể đếm tối thiểu 500 tờ tiền trong vòng 30 giây. Mặc dù, chiếc máy đếm tiền mới chỉ dừng lại ở mô hình nhưng em hy vọng trong tương lai chiếc máy được sản xuất và đưa vào ứng dụng trong thực tế để giúp đỡ các bạn khiếm thị”.

Theo Mai Hoa (Tuổi trẻ & Đời sống)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
2 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô sinh viên khiếm thị chế tạo máy đếm tiền phát ra tiếng nói