Dù chủ đầu tư đã cam kết sẽ tháo bỏ đá loại II kém chất lượng ra khỏi công trình, nhưng thực tế lại không phải vậy!

Cố tình sử dụng đá loại II ở cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận?

Phạm Trung | 22/12/2020, 08:00

Dù chủ đầu tư đã cam kết sẽ tháo bỏ đá loại II kém chất lượng ra khỏi công trình, nhưng thực tế lại không phải vậy!

Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cam kết sau khi kết thúc gia tải, xử lý nền đất yếu, đá kém chất lượng (đá loại II) sẽ được bốc xúc ra khỏi nền đường, không sử dụng cho lớp nền thượng K98 và kết cấu mặt đường. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV, ở một số gói thầu, đá loại II đến nay không hề được bốc xúc đi như đã cam kết. Thậm chí đơn vị thi công đã rải đá chất lượng cao chồng lên và thực hiện lu lèn nền đường.

3(2).jpg
Đá chất lượng cao được rải chồng lên đá loại II tại gói thầu XL-13 - Ảnh: Phạm Trung

Lấy đá chất lượng cao "đè lên" đá kém chất lượng

Trong thông tin được Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận gửi đến các cơ quan báo chí vào ngày 30.11.2020 nhân dịp đoàn công tác của tỉnh Tiền Giang thăm và làm việc tại dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận cho thấy, tổng lũy kế sản lượng đến thời điểm lúc bấy giờ đã đạt 4.633/6.347 tỉ đồng (tương đương đạt 73% sản lượng các gói thầu trên tuyến chính). Trong đó phần tuyến đã hoàn thành công tác cắm bấc thấm và gia tải xử lý nền đất yếu trên tuyến chính. Một số gói thầu đã tiến hành công tác dỡ tải để thi công lớp nền thượng K98 và móng đường, mặt đường.

Trong văn bản số 1251/2020/BOT-TLMT được ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận ký, diễn giải việc xử lý phần đá loại II kém chất lượng mà dư luận phản ánh, đã nhấn mạnh: “Sau khi kết thúc gia tải, khối luợng cấp phối đá dăm loại II đang dùng cho việc gia tải sẽ được bốc xúc ra khỏi nền đường”. Theo ông Đông, sau dỡ tải sẽ thực hiện thí nghiệm, kiểm tra chất lượng và tái sử dụng cho các công trình phụ tạm, bù phụ nền đường công vụ, mặt bằng bãi đúc cấu kiện bê tông… Đá loại II sẽ không sử dụng cho lớp nền thượng K98 và kết cấu mặt đường.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV vào chiều 20.12 tại gói thầu XL-13 cho thấy, một nửa mặt đường tại đoạn đá kém chất lượng của tuyến chính dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đơn vị thi công đã dùng xe ủi cào đá chất lượng cao để che lấp đá loại II (loại đá có thể dùng tay bẻ vỡ vụn một cách dễ dàng như người dân phản ánh và PV đã quay clip), chứ không hề được loại bỏ như cam kết của Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận.

2(3).jpg
Một nửa mặt đường tại đoạn đá loại II được sử dụng đã được lu lèn nền đường - Ảnh: Phạm Trung
Tại các gói thầu XL-11 và XL-12, ghi nhận vào chiều 20.12 cũng cho thấy, phần đá kém chất lượng loại II không hề được dỡ tải để loại bỏ ra khỏi tuyến chính của dự án cao tốc như đã cam kết của Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận. Thậm chí đoạn này đang được đơn vị thi công dùng xe ủi để làm phẳng và thực hiện lu lèn nền đường.

“Bật đèn xanh” đưa đá chất lượng kém vào khi chưa được phép!

Ngày 23.4.2020, ông Nguyễn Tấn Đông giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đã ký văn bản 754/2020/TLMT-KHTK để gửi các nhà tư vấn, nhà thầu thi công. Nội dung cho biết, ngày 16.1.2020, đơn vị này đã có quyết định số 126/2020/QĐ-TGĐ-TLMT về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công hạng mục kết cấu mặt đường tuyến chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1.

Tại quyết định số 126/2020/QĐ-TGĐ-TLMT thì bản vẽ thi công hạng mục kết cấu mặt đường tuyến chính thuộc dự án nêu trên đã phê duyệt vật liệu lớp đáy kết cấu áo đường (nền thượng K98) sử dụng cấp phối đá dăm loại I. Tuy nhiên, văn bản 754 cho biết, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tại văn bản 31/HĐNTNN-CTTĐ ngày 20.3.2020 cho rằng, cần nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế lớp đáy móng kết cấu áo đường sử dụng vật liệu cấp phối đá dăm loại II theo tiêu chuẩn TCVN 8859-2011 (Dmax 37,5) làm lớp đáy kết cấu áo đường (có qua xem xét, thí nghiệm phối trộn…). Mục đích để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của lớp đáy áo đường theo quy định và phù hợp với thực tế dự án.

Tại văn bản 754 cũng thể hiện, chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn thiết kế nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế theo chỉ đạo của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước. Sau đó có báo cáo và hồ sơ thiết kế điều chỉnh, chủ đầu tư sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh kết cấu mặt đường và vật liệu làm lớp đệm tiếp giáp với đáy kết cấu áo đường theo quy định.

1(5).jpg
Tại gói thầu XL-11, đá kém chất lượng đã được đơn vị thi công san phẳng, chứ không hề được dỡ tải bỏ đi - Ảnh: Phạm Trung

Tuy nhiên với lý do để đảm bảo tiến độ dự án, trong khi chờ duyệt điều chỉnh thiết kế, tại văn bản 754, Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đã "bật đèn xanh" khi đề nghị các nhà thầu tập kết vật liệu cấp phối đá dăm loại II (Dmax 37,5) để gia tải, sau đó tận dụng làm nền thượng.

Thế nhưng đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế lớp đáy móng kết cấu áo đường sử dụng cấp phối đá dăm loại II hay nói cách khác đề xuất chuyển từ đá dăm loại I sang loại II đã không được phê duyệt. Nhưng đá loại II vẫn được sử dụng. Trên thực tế, đã có ít nhất tại 3 gói thầu, gồm XL-11, XL-12 và XL-13, đá dăm loại II (Dmax 37,5) đã được tập kết vào công trường dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và đến hiện nay vẫn chưa dỡ tải loại bỏ. Thậm chí tại gói thầu XL-13, loại đá có chất lượng cao hơn đã được rải đè lên đá loại II để thực hiện lu lèn.

Bài liên quan

(3) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cố tình sử dụng đá loại II ở cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận?