Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho biết hàng năm, Việt Nam tổn thất 23 tỉ USD do ô nhiễm không khí gây ra.
Thông tin trên được ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng - Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại buổi họp báo chiều 21.12.
Ông Jacques Morisset đánh giá Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 so với các nước khác, nhưng lại không kiểm soát tốt việc biến đổi khí hậu. Theo ông, Việt Nam có 60.000 người tử vong hàng năm do ô nhiễm không khí. Trong đó, ước tính chi phí là 400.000 USD trên một ca tử vong.
Ông Jacques Moirisset cũng cho biết thêm, hàng năm, Việt Nam tổn thất 23 tỉ USD do ô nhiễm không khí gây ra. Ước tính chi phí thiệt hại của biến đổi khí hậu, thiên tai... bằng 6 -8% GDP mỗi năm.
Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với COVID-19. Đợt bão lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua và ô nhiễm không khí tăng lên ở các thành phố lớn trong nước là minh chứng rõ ràng về sự mong manh và dễ tổn thương.
Để phục hồi bền vững nền kinh tế, bà Carolyn Turk cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần áp dụng những chính sách nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi xanh. Điều này sẽ góp phần xây dựng khả năng phục hồi bền bỉ trước những tổn thương về mặt môi trường cũng như khí hậu. Mặt khác cũng tạo dựng khả năng chống chịu trước những rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, theo bà Carolyn, phục hồi xanh cũng giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội về tăng trưởng thông qua mở rộng cơ hội mới, mở ra những cánh cửa để tạo việc làm.
Báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế bán thường niên của Ngân hàng Thế giới vừa cho thấy, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2020 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.
Trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này của WB được đưa ra dựa trên giả định rằng khủng hoảng COVID-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vắc xin COVID-19 chứng minh được tính hiệu quả.
Báo cáo cũng cho thấy, khu vực kinh tế đối ngoại - động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua đạt kết quả rất tốt khi khủng hoảng COVID-19 bắt đầu. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời dự trữ ngoại hối tăng.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư, dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam do việc kiểm soát tốt đại dịch.