Tổng thống Mỹ Biden đang có những nỗ lực hy vọng khôi phục lại vai trò “lãnh đạo thế giới” của nước Mỹ, nhưng bối cảnh và số liệu thực tế cho thấy không dễ để Mỹ lấy lại được vị thế.

Con đường đầy chông gai của Tổng thống Biden để đưa Mỹ trở lại lãnh đạo thế giới

Đức Thanh | 26/01/2021, 16:02

Tổng thống Mỹ Biden đang có những nỗ lực hy vọng khôi phục lại vai trò “lãnh đạo thế giới” của nước Mỹ, nhưng bối cảnh và số liệu thực tế cho thấy không dễ để Mỹ lấy lại được vị thế.

tong-thong-biden-phat-bieu-khi-nham-chuc.jpg
Tổng thống Biden phát biểu nhậm chức

Trước đây, chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump chủ trương “Nước Mỹ trên hết” đã đảo lộn nhiều chính sách trong quan hệ đồng minh, từ bỏ vai trò “cảnh sát thế giới”, ngoài ra cũng thúc đẩy đối đầu toàn diện với Trung Quốc khiến quan hệ Mỹ - Trung như vào Chiến tranh Lạnh mới.

Hiện nay, chính quyền mới của Tổng thống Biden đang nỗ lực đưa mọi thứ trở lại trật tự cũ, đảo ngược những chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Trong phát biểu nhậm chức ngày 20.1 Tổng thống Biden tự tin tuyên bố “Hãy làm cho nước Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới”, “Phải sửa chữa các mối quan hệ đồng minh, tham gia trở lại vào các vấn đề quốc tế”…

Thay đổi này đã được các nước đồng minh, đặc biệt là các nước châu Âu tán đồng. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Ursula von der Leyen, một chính trị gia Đức của đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức, người phản đối mạnh mẽ các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, đã tweet về chính quyền mới của Biden bày tỏ “hy vọng cùng hợp tác”.

Nhưng không dễ để trở lại

Tuy nhiên bối cảnh cho thấy có vẻ quá khó cho chính quyền Tổng thống Biden để đưa Mỹ trở lại trong tư cách là “lãnh đạo thế giới”.

Về xây dựng lại đồng minh, không đơn giản để Mỹ lại được các nước trao trọn niềm tin để phụ thuộc Mỹ đầy bị động, vì các nước đã cảnh giác trước những gì chính quyền thời Tổng thống Trump đã làm khi yêu cầu các nước thành viên NATO phải gánh vác trách nhiệm chung tương ứng, đơn phương rút khỏi “Thỏa thuận Hạt nhân Iran” – thỏa thuận nhằm hạn chế Iran phát triển hạt nhân… Một khảo sát dư luận vào cuối năm 2020 do tổ chức tư vấn tư nhân nổi tiếng Ủy ban Đối ngoại châu Âu (ECFR) thực hiện, chỉ ra trung bình 67% người dân ở 11 nước châu Âu (bao gồm Anh, Đức và Pháp) thừa nhận “cần xây dựng khả năng quốc phòng riêng để không phụ thuộc vào Mỹ”. Điều này phần nào cho thấy, dù hiện nay ngoài mặt thì châu Âu thể hiện thái độ hoan nghênh chính quyền mới Biden, nhưng đã chuyển xu hướng không còn dựa dẫm Mỹ với tư cách là “lãnh đạo thế giới”.

Về thái độ quyết tâm của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, được giới phân tích nhận định là điểm nhạy cảm nhất trong xung đột Mỹ - Trung năm 2021, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 21.1 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong khi chúc mừng Tổng thống Biden tuyên thệ nhậm chức và bày tỏ cảm kích từ “đoàn kết” mà Tổng thống Biden nhiều lần nhắc đến khi phát biểu nhậm chức, bà Hoa Xuân Oánh không quên nhấn mạnh vấn đề Trung Quốc đặc biệt coi trọng là tình hình Đài Loan - “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc không thể nhân nhượng.

Ngoài ra là con đường thúc đẩy thương mại quốc tế nhằm lôi kéo các nước tạo thế đối trọng với Trung Quốc: trở lại Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính quyền mới của Tổng thống Biden đang cố gắng quay lại hệ thống thương mại phối hợp đa quốc gia, nhưng ở Mỹ vẫn còn đó xu thế bất mãn rộng rãi cho rằng tự do thương mại đã lấy đi việc làm trong nước Mỹ, cho nên ở một mức độ nào đó còn đông đảo người Mỹ không hưởng ứng Mỹ trở lại TPP. Nhưng hiện nay quan trọng hơn nữa là Mỹ đã yếu thế so với Trung Quốc khi Trung Quốc mới thúc đẩy thành công mục tiêu chiến lược ở khu vực từ hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn Diện Khu vực RCEP ký hồi cuối tháng 11.2020.

Về vấn giảm khí thải cacbon thì số liệu cho thấy Trung Quốc đang đi trước Mỹ: thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chỉ ra sản lượng điện Mặt Trời và gió của Trung Quốc trong năm 2019 đạt 619 tỷ kWh, quy mô gấp khoảng 1,7 lần của Mỹ.

Hiện nay chính quyền tổng thống Biden đề xuất chính sách đầu tư 2 nghìn tỷ USD trong thời gian 4 năm vào cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, ưu tiên mua các sản phẩm của Mỹ. Nhưng lâu nay Mỹ thúc đẩy chính sách năng lượng “thoát phụ thuộc vào Trung Đông” thông qua phát triển dầu đá phiến, sau 45 năm vào năm 2018 đã một lần nữa trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Nếu trong tư cách là lãnh đạo thế giới phải đẩy nhanh quá trình giảm khí thải cacbon thì lại còn đó vấn đề nan giải trong bài toán về việc làm và nền kinh tế trong ngành năng lượng chiếm vị thế hàng đầu của Mỹ, không dễ giải quyết bài toán cân đối chính sách này.

Và Trung Quốc rút ngắn khoảng cách từ dịch COVID-19

Năm 2020 trong khi nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái vì bao trùm bởi dịch bệnh COVID-19 thì kinh tế của Trung Quốc vẫn cho thấy xu thế phát triển mạnh mẽ.

Ngày 18.1 Trung Quốc công bố báo cáo về tình hình kinh tế nước này trong quý 4.2020, cho thấy tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020, còn so với cả năm 2020 thì tăng 2,3%, vượt quá kỳ vọng của giới chuyên gia phân tích. Thành tựu này đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trên Fortunechina ngày 22.1 nhắc lại dự đoán trước đây được giới chuyên gia đưa ra về thời điểm Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, tuy nhiên thông tin chỉ ra hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến thời gian mà dự đoán trước đó đưa ra có thể sẽ đến sớm hơn: Trung Quốc sẽ vượt Mỹ sớm nhất vào năm 2026 và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tương tự là dự tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ ra nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá thì thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ có thể được ước tính sớm nhất là vào năm 2026.

Công ty tài chính Nomura Holdings (Nhật Bản) từng dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030, nhưng biểu hiện thành quả kinh tế của Trung Quốc năm 2020 cho phép công ty này lùi thời gian sớm hơn là vào năm 2028. Báo cáo của Nomura Holdings ghi nhận: “So với Trung Quốc, dịch bệnh COVID-19 tác động xấu cho nền kinh tế Mỹ lớn hơn nhiều. Thời gian sẽ trả lời tất cả, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, năm 2026 có thể sẽ là một cột mốc trong sự trỗi dậy trở lại của Trung Quốc và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Thương mại (CEBR) của Anh cũng cập nhật dự tính về thời điểm kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ. Báo cáo của cơ quan này vào cuối tháng 12.2020 cho thấy GDP của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên vượt qua Mỹ vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với ước tính trước đó của họ với lý vì dịch bệnh COVID-19 đã làm tình hình thay đổi. Trong khi nền kinh tế của Trung Quốc đang đà phục hồi thì các nền kinh tế lớn khác như Mỹ lại đang phải nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh và nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford cũng đã thay đổi dự đoán về “khi nào nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ”, theo đó do tính đến tác động của dịch bệnh đã chuyển thời điểm dự đoán trước đó là vào năm 2030 thành vào năm 2029.

Nhưng dù là năm 2026, 2028 hay 2030, giới chuyên gia cũng chỉ ra không có nhiều khác biệt, sự trỗi dậy của Trung Quốc cho thấy xu thế chuyển dịch quyền lực từ phương Tây sang phương Đông chỉ là vấn đề sớm muộn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con đường đầy chông gai của Tổng thống Biden để đưa Mỹ trở lại lãnh đạo thế giới