Thời điểm thông qua luật - ngay sau lễ nhậm chức của Biden hôm 20.1 - cho thấy Bắc Kinh có mục đích cảnh báo chính quyền mới của Mỹ rằng họ sẽ không lay chuyển lợi ích trên biển của mình.

Báo Nhật phân tích toan tính của Trung Quốc khi cho phép hải cảnh nổ súng vào tàu nước khác

Anh Tú (theo Nikkei) | 23/01/2021, 13:15

Thời điểm thông qua luật - ngay sau lễ nhậm chức của Biden hôm 20.1 - cho thấy Bắc Kinh có mục đích cảnh báo chính quyền mới của Mỹ rằng họ sẽ không lay chuyển lợi ích trên biển của mình.

Hai ngày sau khi chính quyền Joe Biden nhậm chức, Trung Quốc đã ban hành luật trao quyền hạn rộng rãi cho lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này, gần như biến nó thành lực lượng quân sự.

Cụ thể, luật cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển nổ súng vào các tàu nước ngoài trong một số trường hợp nhất định. Lực lượng này sẽ được trao quyền "thực hiện các hoạt động quốc phòng" theo lệnh của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cơ quan ra các quyết định quần sự hàng đầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký lệnh ban hành luật, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.2. Động thái này diễn ra ngay sau khi cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan, cam đoan với người đồng cấp Nhật Bản hôm 21.1 rằng quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý thuộc phạm vi của Hiệp ước quốc phòng Mỹ - Nhật Bản. Theo đánh giá, luật này có khả năng làm gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông không chỉ với Nhật mà cả với Mỹ.

Điều này đặc biệt đáng báo động đối với Nhật Bản khi nước này đối mặt với các cuộc xâm nhập ngày càng thường xuyên của Trung Quốc vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, nơi được Bắc Kinh tuyên bố là Điếu Ngư. Hơn 1.100 lượt tàu của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp quanh quần đảo hồi năm ngoái. Đó là con số cao kỷ lục và Nhật Bản buộc phải lên kế hoạch tăng cường tuần tra trong khu vực để đáp trả.

"Chúng tôi đã chuyển sự quan tâm và lo lắng của chúng tôi tới phía bên kia" về luật mới, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với các phóng viên hôm qua 22.1. Ông gọi việc Bắc Kinh tiếp tục tiến hành các cuộc gây hấn xung quanh quần đảo là "cực kỳ đáng tiếc".

Thời điểm thông qua luật - ngay sau lễ nhậm chức của Biden hôm 20.1 - cho thấy Bắc Kinh có mục đích cảnh báo chính quyền mới của Mỹ rằng họ sẽ không lay chuyển lợi ích trên biển của mình.

Lực lượng bảo vệ bờ biển ban đầu được xác định như một cơ quan dân sự chứ không phải là một cơ quan quân sự, thuộc Cục Quản lý Đại dương. Việc núp bóng dân sự là để tránh đụng độ với các nước láng giềng hoặc Mỹ trong khi vẫn mở rộng sự kiểm soát hiệu quả của Bắc Kinh ở Biển Đông và các nơi khác. Năm 2018, nó đã được chuyển sang thành đơn vị thuộc Cảnh sát Vũ trang Nhân dân.

Đạo luật trao cho lực lượng bảo vệ bờ biển nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển thuộc "quyền tài phán" của Trung Quốc cũng như vùng trời phía trên. Trung Quốc chưa xác định rõ phạm vi của "quyền tài phán" này, nhưng nước này nhiều lần đơn phương tuyên bố chủ quyền khu vực xung quanh Senkaku và các vùng biển nằm trong "đường chín đoạn" ôm gần trọn Biển Đông.

Theo luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, các nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ bờ biển bao gồm bảo vệ các đảo và rạn san hô cũng như các đảo nhân tạo và các cấu trúc khác. Khi được hỏi về luật trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng Senkaku và các đảo liên kết là một "phần cố hữu của lãnh thổ Trung Quốc" và nước này sẽ bảo vệ "các quyền lãnh thổ và lợi ích trên biển".

Kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã thực hiện hoạt động bồi đắp phi pháp một số đảo trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) ở Biển Đông. Năm 2016, một hội đồng trọng tài quốc tế đã xác định rằng những hoạt động này là bất hợp pháp trong một phán quyết nêu rõ rằng đường 9 đoạn không có cơ sở luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đã từ chối tuân thủ phán quyết, gọi nó không hơn gì một "mảnh giấy vụn". Giờ đây, Bắc Kinh ra luật mới quy định rằng lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ thực hiện bất kỳ "biện pháp cần thiết nào" để bảo vệ lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Nhờ nỗ lực mở rộng dưới thời ông Tập, lực lượng này năm 2019 có 130 tàu từ 1.000 tấn trở lên, nhiều gấp ba lần so với năm 2012. Ngoài ra, lực lượng này còn có cả các tàu trọng tải hơn 10.000 tấn được trang bị pháo 76 mm - lớn hơn cả các tàu hải quân lớn nhất mà Philippines và Indonesia sở hữu.

Luật này cũng quy định rằng lực lượng bảo vệ bờ biển có thể buộc tháo dỡ các công trình không được chấp thuận do nước ngoài xây dựng trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, báo hiệu rằng Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích của mình ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ có quyền sử dụng "tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả vũ khí," trong trường hợp mà Trung Quốc cho là chủ quyền bị xâm phạm.

Tuần trước, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản báo cáo rằng một tàu tuần duyên Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải xung quanh Senkakus và cố gắng tiếp cận một tàu đánh cá của Nhật Bản. Đây là sự cố mới nhất trong chuỗi các sự cố tương tự kể từ tháng 5 năm ngoái.

Theo một nguồn tin của chính phủ Nhật Bản, các tàu đánh cá của Nhật Bản trong vùng tiếp giáp của các đảo cũng đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM cần làm gì để đột phá trong tăng trưởng kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. Thành phố có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Nhật phân tích toan tính của Trung Quốc khi cho phép hải cảnh nổ súng vào tàu nước khác