Mới đây, mạng xã hội xôn xao về đoạn video công an khu vực Q.Đống Đa, Hà Nội đi kiểm tra cư trú vào giữa đêm nhưng không được chủ nhà mở cửa vì cho rằng không có lệnh khám xét hoặc giấy tờ liên quan.

Công an được quyền tự tiện đòi vào nhà kiểm tra cư trú, giấy tờ?

Theo Thanh Niên | 10/04/2016, 06:53

Mới đây, mạng xã hội xôn xao về đoạn video công an khu vực Q.Đống Đa, Hà Nội đi kiểm tra cư trú vào giữa đêm nhưng không được chủ nhà mở cửa vì cho rằng không có lệnh khám xét hoặc giấy tờ liên quan.

Theo nội dung đoạn video, người mặc sắc phục công an yêu cầu kiểm tra cư trú và tranh cãi với người dân tại đây. Mới chỉ đăng tải 1 ngày nhưng video đã có gần 700.000 lượt xem, và gần 10.000 lượt chia sẻ.
Như vậy, người thực thi công vụ đi kiểm tra hộ khẩu, căn cước cần trình những văn bản nào để có thể vào nhà dân kiểm tra? Người dân cần làm gì khi được kiểm tra?
Luật quy định việc kiểm tra cư trú
Luật sư (LS) Lê Việt Hùng (Hãng luật Minh Mẫn, TP.HCM) cho biết, Khoản 2, Điều 9, Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định: cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và công an xã trong khi làm nhiệm vụ được quyền kiểm tra, kiểm soát CMND của công dân tại nơi công cộng hoặc phạm vi địa bàn quản lý.
Ngoài ra, Quyền kiểm tra cư trú của công an được quy định tại Khoản 4, Điều 26, Thông tư 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an như sau: “Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia”.
Cần những giấy tờ gì thì mới được vào nhà người dân?
Theo LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội), chưa có quy định cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật cư trú về người kiểm tra phải chứng minh những giấy tờ gì khi yêu cầu kiểm tra nhà dân.
Trong khi tại Điều 26 Thông tư 35/TT - BCA chỉ quy định về hình thức kiểm tra, đối tượng kiểm tra, nội dung kiểm tra cư trú mà không quy định về quy trình kiểm tra cán bộ, người có thẩm quyền, phải chứng minh có những giấy tờ gì.
LS Quynh giải thích: Khoản 1 có quy định "Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự" như vậy điều luật này quy định đương nhiên muốn kiếm tra định kỳ thì phải có thông báo, đột xuất thì phải có văn bản là đương nhiên.
Nếu không có "văn bản" thì người dân có quyền không chấp hành việc cho kiểm tra cư trú.
“Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”, LS Quynh nhận định.
Ngoài ra, LS Quynh cũng cho rằng việc khám xét chỗ ở do luật định. Do đó, để tránh trường hợp gây khó khăn, mạo danh, xâm phạm chỗ ở, khi thực hiện việc kiểm tra cư trú thì Bộ công an cần ban hành, bổ sung và làm rõ quy định này để mọi người dân biết chấp hành.
Dễ dẫn đến lạm quyền
LS Lê Việt Hùng ý kiến, không có quy định về giờ giấc đi kiểm tra trong các văn bản pháp luật về cư trú. Cụ thể, Khoản 1, Điều 26, Thông tư 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Do đó, Công an có quyền kiểm tra bất cứ lúc nào.
Theo đánh giá của LS Lê Việt Hùng đây là một quy định mà có thể dẫn đến sự lạm quyền của ngành công an.
Tuy nhiên, theo LS Hùng, Điều 8, Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS 2003) quy định rằng không ai được xâm phạm chỗ ở, việc khám xét chỗ ở khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.
“Điều 140 bộ luật này quy định việc khám chỗ ở chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám chỗ ở cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã”, LS Hùng nói.
         
Kiểm tra chỗ ở không đúng theo quy định thì sẽ bị xử lý như thế nào?   
   

LS Lê Việt Hùng cho biết Điều 124 BLHS năm 1999 quy định về tội xâm phạm chỗ ở của công dân như sau:

   

1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

   

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây hậu quả nghiêm trọng.

   

3. Người phạm tội còn có thểbị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

   
   
         
   
Theo LS Nguyễn Văn Quynh, trong trường hợp công an đi kiểm tra đúng quy địnhyêu cầu mà người dân không xuất trình sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ – CP như sau:
   
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
   
Ngoài ra, nếu không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
   
Đối với hành vi không xuất trình CMND, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
   

Vũ Phượng/Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công an được quyền tự tiện đòi vào nhà kiểm tra cư trú, giấy tờ?