Người đàn ông làm việc trong nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã chứng kiến một đồng nghiệp bị giảm lương vì uống nước quá lâu, theo trang Rest of World.

‘Công nhân nhà máy iPhone lớn nhất thế giới bị giảm lương vì uống nước quá lâu’

Sơn Vân | 04/02/2023, 18:58

Người đàn ông làm việc trong nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã chứng kiến một đồng nghiệp bị giảm lương vì uống nước quá lâu, theo trang Rest of World.

Có biệt danh là Hunter, người đàn ông 34 tuổi từng làm việc tại nhà máy Foxconn (Đài Loan) ở Trịnh Châu đã chia sẻ với ấn phẩm công nghệ Rest of World những hiểu biết sâu sắc về cảm giác làm việc trong một xưởng lắp ráp iPhone không có cửa sổ.

Hunter nói với Rest of World rằng anh đã làm việc với một số vai trò tại nhà máy này trong hơn 1 thập kỷ và công việc cuối cùng của anh là làm trên dây chuyền lắp ráp iPhone 14 Pro vào năm 2022. Anh làm ca 10 tiếng và phải lắp ráp 600 chiếc iPhone mỗi ngày.

Hunter nói rằng mọi hành động của anh bên trong nhà máy đều được giám sát bởi Xiazhang (những người đứng đầu dây chuyền, thường xuyên khiển trách công nhân). Hunter tiết lộ anh ấy có 1 giờ nghỉ trưa nghiêm ngặt và nếu phải đi vệ sinh, anh sẽ phải làm bù lại thời gian đã mất.

Hunter cho biết trong cơ sở lắp ráp iPhone này, việc phân biệt giữa ngày và đêm rất khó khăn.

Hunter chứng kiến một đồng nghiệp bị giảm lương vì uống nước quá lâu, trong khi một người khác bị la mắng vì chỉ hoàn thành 40 nhiệm vụ trong một giờ, còn những người khác làm được 60 nhiệm vụ.

Dù hiếm khi là mục tiêu của các nhà lãnh đạo, Hunter nói anh ghét phải chịu đựng sự sỉ nhục tại nơi làm việc và cảm thấy mình bị tước bỏ "quyền và phẩm giá", nhưng tiền lương tạo động lực để anh tiếp tục làm việc.

Rest of World báo cáo rằng nếu những người mới tuyển dụng làm việc theo ca 10 giờ/ngày trong 6 ngày mỗi tuần. Họ có thể kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng, tương đương 1.474 USD/tháng.

Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu chỉ mới hoạt động trở lại gần như hết công suất sau khi trải qua đợt bùng phát dịch, theo hãng tin Reuters. Vào tháng 11.2022, hàng trăm công nhân đã biểu tình tại đây vì những hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch và vì bị trả lương, thưởng muộn.

Vào thời điểm đó, Foxconn đưa ra một tuyên bố xin lỗi giữa các cuộc biểu tình về "lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình giới thiệu” dẫn đến việc thanh toán bị chậm trễ. Apple được cho là đã giao cho Luxshare Precision, một trong những đối thủ lớn nhất của Foxconn, lắp ráp dòng iPhone 14 Pro sau các cuộc biểu tình.

Vào ngày 9.1, Hunter rời nhà máy để trở về quê hương. Hunter nói rằng hy vọng sẽ không quay lại nhà máy của Foxconn để lắp ráp loạt iPhone tiếp theo, nhưng anh không thể "hoàn toàn chắc chắn".

Foxconn và Apple không trả lời ngay lập tức câu hỏi về vấn đề trên.

cong-nhan-nha-may-iphone-lon-nhat-the-gioi-bi-tru-luong-vi-uong-nuoc-qua-lau-anh.jpg
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy Foxconn ở Trung Quốc - Ảnh: AP

Do nữ công nhân Foxconn thành lập, Luxshare vươn lên thành nhà lắp ráp iPhone 14 Pro cho Apple

Đầu năm 2023, truyền thông đưa tin Luxshare Precision (nhà sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến) sẽ ký hợp đồng lắp ráp smartphone cao cấp lớn nhất từ trước đến nay với Apple.

Điều này cho thấy Luxshare Precision có lợi thế bất ngờ trước Foxconn và sức mạnh ngày càng tăng của công ty kể từ khi được thành lập gần hai thập kỷ trước.

Theo tờ Financial Times, Apple sẽ giao cho Luxshare Precision việc lắp ráp những chiếc iPhone cao cấp hơn sau khi công ty Trung Quốc này thử sản xuất một số lượng nhỏ iPhone 14 Pro Max ở thành phố Côn Sơn (Trung Quốc) cuối năm ngoái, vào thời điểm nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu gặp sự cố dưới sự bùng phát dịch và cuộc di cư của hàng chục ngàn nhân viên.

cong-nhan-nha-may-iphone-lon-nhat-the-gioi-bi-tru-luong-vi-uong-nuoc-qua-lau.jpg
Trụ sở chính của Luxshare Precision tại Thâm Quyến, Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Trước khi xảy ra hàng loạt rủi ro gần đây tại Trịnh Châu, Foxconn đã được Apple giao nhiệm vụ lắp ráp tất cả mẫu iPhone Pro 14.

Luxshare Precision cũng là nhà sản xuất chính tai nghe không dây AirPods của Apple, được đồng sáng lập bởi bà Wang Laichun (55 tuổi, quê ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).

Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở năm 1988, Wang Laichun gia nhập một nhà máy nhỏ do Foxconn thành lập ở Thâm Quyến, trở thành 1 trong 100 công nhân đầu tiên mà công ty Đài Loan tuyển dụng ở Trung Quốc.

Sau 10 năm lắp ráp các đầu nối cáp tại Foxconn, Wang Laichun rời đi và thành lập công ty điện tử Luxshare Precision cùng anh trai vào năm 2004. Luxshare Precision sau này trở thành một trong những đối thủ kinh doanh đáng gờm nhất với Foxconn, chủ cũ của cô.

Ban đầu Luxshare Precision cung cấp đầu nối dây và các thành phần khác cho Foxconn. Công ty tiếp tục mở rộng đế chế kinh doanh của mình thông qua một loạt thương vụ mua lại, gồm cả việc mua Kunshan United Tao Electronics Co vào năm 2011, đánh dấu lần đầu tiên tham gia vào chuỗi giá trị được đánh giá cao của Apple, xây dựng các đầu nối cáp cho MacBook và iPad.

Trong năm 2017 và 2020, thông qua việc mua lại Meite Technology (thành phố Tô Châu, Trung Quốc) cùng 2 nhà máy từ Wistron, Luxshare Precision đã giành được thị phần lớn hơn trong chuỗi cung ứng của Apple bằng cách sản xuất AirPods và iPhone cấp thấp.

Meite Technology và Wistron đều là công ty Đài Loan.

Đến năm 2021, Wang Laichun là người phụ nữ giàu thứ hai ở Trung Quốc, theo danh sách được tổng hợp bởi nền tảng thông tin tài chính địa phương New Fortune.

cong-nhan-nha-may-iphone-lon-nhat-the-gioi-bi-tru-luong-vi-uong-nuoc-qua-lau1.jpg
Bà Wang Laichun (giữa) và Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook chụp hình trong chuyến thăm nhà máy Luxshare vào năm 2017 - Ảnh: Nikkei

Luxshare Precision là hình ảnh thu nhỏ của sự tiến bộ công nghệ ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc, vươn lên trong chuỗi cung ứng của Apple bất chấp sự cạnh tranh toàn cầu và áp lực địa chính trị.

Trong khi các công ty Đài Loan như Quanta Computer, Pegatron, Compal Electronics và Wistron dần rời bỏ hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, ngày càng nhiều hãng Trung Quốc trở thành đối tác với Apple.

Trong năm 2014, chỉ 14 trong số 198 công ty trong chuỗi cung ứng của Apple có trụ sở tại Trung Quốc, theo Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản.

Cách đây chưa lâu, Apple tiết lộ Trung Quốc chiếm 91 trong số 190 nhà cung cấp của mình, theo danh sách gã khổng lồ Mỹ cung cấp cho năm tài chính kết thúc vào ngày 25.9.2021.

Song khi Apple bị giám sát ngày càng nhiều ở Mỹ do sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một cơ sở sản xuất, cũng như gián đoạn sản xuất do Bắc Kinh thay đổi chính sách về đại dịch, công ty Mỹ đã đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.

Ấn Độ dự kiến sẽ lắp ráp tới một nửa số iPhone vào năm 2027, tăng từ mức dưới 5% hiện nay, theo một báo cáo mới từ bộ phận nghiên cứu của DigiTimes (nhật báo Đài Loan chuyên về công nghệ).

JPMorgan (một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất, có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ) trước đó dự đoán rằng Ấn Độ sẽ sản xuất 25% tổng số iPhone trên toàn thế giới vào năm 2025.

Theo Navkendar Singh, Phó chủ tịch nghiên cứu thiết bị tại IDC Ấn Độ, dù chính phủ Ấn Độ đã đưa ra các ưu đãi để thu hút thêm nhiều nhà cung cấp cho Apple nhưng vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để quốc gia Nam Á này trở thành cơ sở chính sản xuất iPhone vài năm tới.

Các yếu tố sẽ là khả năng của hệ sinh thái để sản xuất ở quy mô lớn, trình độ kỹ năng, sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng như nước, điện…”, Navkendar Singh nói.

Các công ty Trung Quốc như Luxshare Precision, vốn phụ thuộc vào Apple với tư cách là một trong những khách hàng quan trọng nhất về doanh thu, cũng đang phải đối mặt với tình trạng doanh số smartphone trên toàn thế giới đang chậm lại.

Theo báo cáo thu nhập năm 2021, Luxshare Precision lưu ý rằng hơn 70% doanh thu của họ đến từ “khách hàng lớn nhất”, được cho là Apple.

Trong hồ sơ nộp lên sàn giao dịch chứng khoán hôm 5.1, Luxshare Precision đã tìm cách xua tan tin đồn rằng công ty đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc Apple giảm đơn đặt hàng.

Trang Nikkei đưa tin Apple thông báo cho một số nhà cung cấp sản xuất ít linh kiện hơn cho AirPods, Apple Watch và MacBook trong quý 1/2023 do nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu.

Báo cáo không xác định các nhà cung cấp cụ thể bị ảnh hưởng. Song xu hướng rộng lớn hơn là Apple đang chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa rủi ro chuỗi cung ứng khiến các nhà đầu tư lo ngại hơn về tương lai của các nhà cung cấp cho công ty Mỹ tại quốc gia này.

Goertek, nhà sản xuất AirPods có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), đã điều chỉnh ước tính thu nhập hàng năm của mình giảm gần 60% vào tháng 12 do đơn đặt hàng từ Apple giảm.

Nếu việc cắt giảm đơn đặt hàng từ Apple được xác nhận, đó sẽ là một bước thụt lùi đáng kể với nhiều công ty trong số này, vốn phụ thuộc vào gã khổng lồ công nghệ Mỹ để có doanh thu lớn.

Dongshan Precision Manufacturing nói gần một nửa doanh thu năm 2021 đến từ khách hàng lớn nhất của họ, được cho là Apple.

Được thành lập năm 1998 tại thành phố Tô Châu (miền đông Trung Quốc), Dongshan Precision Manufacturing sản xuất bảng mạch in cho Apple.

Vào năm 2021, Oflim từng là một trong những nhà cung cấp mô-đun máy ảnh lớn nhất cho Apple. Thế nhưng, Oflim chứng kiến ​​doanh thu giảm 53% vào 2021 so với cùng kỳ năm trước và giảm 37% trong ba quý đầu 2022, sau khi bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp cho công ty Mỹ.

Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd là nhà cung cấp chất cách điện cho smartphone và máy tính. Theo bản cáo bạch từ Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd, rủi ro lớn là việc công ty phụ thuộc vào Apple với tư cách người dùng cuối cùng các sản phẩm của mình. Trong đó, Apple chiếm đến 88% doanh thu của Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd vào năm 2021, tăng từ 84% vào năm 2020.

Trong tuyên bố dài 272 trang trả lời các câu hỏi từ Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd đề cập đến tên Apple hơn 900 lần.

Dongguan Sixpure Intelligent Technology Co, nhà cung cấp các linh kiện điện tử trong chuỗi cung ứng của Apple thông qua các công ty như Foxconn, cho biết trong bản cáo bạch rằng Apple chiếm 77% doanh thu của mình. Điều này khiến Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đặt câu hỏi liệu việc phụ thuộc vào Apple có phải là rủi ro đáng kể không và liệu các đơn đặt hàng có bền vững không.

Apple đã và đang chuyển sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình bên ngoài Trung Quốc sang các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam, sau khi hoạt động sản xuất bị gián đoạn do đại dịch. Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã gây thêm nghi ngờ về tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Bài liên quan
Cách bảo mật thông tin trên iPhone tốt hơn ngay cả khi bị trộm, cướp
Nhiều người dùng không biết có một cài đặt đơn giản nhưng mạnh mẽ để giữ cho thông tin của bạn được bảo vệ tốt hơn ngay cả khi iPhone bị trộm hay cướp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Công nhân nhà máy iPhone lớn nhất thế giới bị giảm lương vì uống nước quá lâu’