ChatGPT (chatbot phổ biến của công ty khởi nghiệp OpenAI) ước tính đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1.2023, chỉ 60 ngày sau khi ra mắt.

ChatGPT vượt TikTok thành ứng dụng phát triển nhanh nhất, nhà đầu tư Mỹ đổ hàng tỉ USD vào AI Trung Quốc

Sơn Vân | 02/02/2023, 14:30

ChatGPT (chatbot phổ biến của công ty khởi nghiệp OpenAI) ước tính đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1.2023, chỉ 60 ngày sau khi ra mắt.

Qua đó, ChatGPT trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, theo một nghiên cứu của UBS (ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ).

Trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Similarweb, UBS cho biết trung bình có khoảng 13 triệu khách truy cập đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1, nhiều hơn gấp đôi so với mức của tháng 12.2022.

Các nhà phân tích của UBS viết trong ghi chú: "Trong 20 năm sau không gian internet, chúng tôi không thể nhớ lại có gì phát triển nhanh hơn trong ứng dụng của người tiêu dùng như ChatGPT".

Theo dữ liệu từ công ty Sensor Tower, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để đạt được 100 triệu người dùng và Instagram mất đến 2,5 năm.

ChatGPT có thể tạo các bài báo, tiểu luận, truyện cười, thơ và thậm chí cả mã để đáp lại lời nhắc từ người dùng. OpenAI, công ty tư nhân được hỗ trợ bởi Microsoft, đã cung cấp miễn phí ChatGPT cho công chúng vào cuối tháng 11.2022.

Hôm 2.2, OpenAI đã công bố gói đăng ký ChatGPT hàng tháng giá 20 USD, ban đầu chỉ dành cho người dùng ở Mỹ, cung cấp một dịch vụ ổn định hơn và nhanh hơn cũng như cơ hội để thử các tính năng mới trước tiên.

Các nhà phân tích tin rằng sự lan truyền của ChatGPT sẽ mang lại cho OpenAI lợi thế như hãng đi đầu so với các công ty AI khác. Việc sử dụng ChatGPT ngày càng tăng, trong khi áp đặt chi phí tính toán đáng kể lên OpenAI, cũng cung cấp phản hồi có giá trị để giúp đào tạo chatbot cách trả lời.

OpenAI cho biết doanh thu từ đăng ký sẽ giúp trang trải chi phí điện toán. 

ChatGPT cũng đặt ra câu hỏi về việc tạo điều kiện cho thông tin sai lệch và thiếu trung thực trong học thuật. Một số khu học chánh lớn nhất Mỹ, bao gồm cả thành phố New York, đã cấm chatbot AI vì lo ngại rằng học sinh sẽ sử dụng trình tạo văn bản để gian lận hoặc đạo văn.

chatgpt-bo-xa-tiktok-tro-thanh-ung-dung-phat-trien-nhanh-nhat.jpg
ChatGPT trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử - Ảnh: Internet

Hôm 23.1, Microsoft cho biết đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho OpenAI. Microsoft đang mở rộng quan hệ đối tác lâu dài với OpenAI thông qua một “khoản đầu tư mới nhiều năm, nhiều tỉ USD”.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI xung quanh tham vọng chung nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến một cách có trách nhiệm và dân chủ hóa AI như một nền tảng công nghệ mới. Ở giai đoạn hợp tác tiếp theo của chúng tôi, các nhà phát triển và tổ chức trong các ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và chuỗi công cụ AI tốt nhất với Azure để xây dựng và chạy các ứng dụng của họ”.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến ​​Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.

Microsoft cũng đang có kế hoạch triển khai các mô hình của OpenAI trên nhiều sản phẩm dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Microsoft cũng được cho đang chuẩn bị thách thức Google với việc tích hợp ChatGPT vào kết quả tìm kiếm Bing. Nhà sản xuất hệ điều hành Windows được cho đang xem xét tích hợp một số công nghệ AI ngôn ngữ vào các ứng dụng Word, PowerPoint và Outlook của mình.

Microsoft không tiết lộ chính xác số tiền họ đã đầu tư vào OpenAI nhưng đang tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết này để tiếp tục thương mại hóa dịch vụ Azure OpenAI của mình. Công ty đã bắt đầu triển khai dịch vụ này cách đây 2 tuần. Nó bao gồm một số mô hình AI do OpenAI tạo ra như GPT-3.5, Codex và DALL-E.

Microsoft được thiết kế cho các doanh nghiệp để sử dụng các mô hình của OpenAI về cơ bản bằng cách đóng gói GPT-3.5 với khả năng mở rộng quy mô mà người dùng mong đợi từ Azure cũng như các bổ sung về quản lý và xử lý dữ liệu.

Tin đồn về thỏa thuận này cho thấy Microsoft có thể nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi đảm bảo hoàn vốn đầu tư và 49% cổ phần trong công ty. OpenAI cho biết vẫn là một công ty có giới hạn lợi nhuận sau thỏa thuận này, cho phép họ tiếp tục huy động vốn.

Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, nói: “Ba năm hợp tác vừa qua của chúng tôi thật tuyệt vời. Microsoft chia sẻ các giá trị của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục nghiên cứu độc lập của mình và hướng tới việc tạo ra AI tiên tiến mang lại lợi ích cho mọi người”.

Microsoft đã mua giấy phép độc quyền cho công nghệ cơ bản đằng sau GPT-3 vào năm 2020 sau khi đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI hồi năm 2019. Hãng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với OpenAI và cũng đang lên kế hoạch thêm mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh AI vào Bing được cung cấp bởi DALL-E 2 của OpenAI.

Nhà đầu tư Mỹ đổ hàng tỉ USD vào các công ty AI Trung Quốc

Các nhà đầu tư Mỹ chiếm gần 1/5 khoản đầu tư vào những công ty trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc từ năm 2015 đến 2021, theo CSET.

Tài liệu do CSET, nhóm chính sách công nghệ tại Đại học Georgetown, phát hành trong bối cảnh các khoản đầu tư của Mỹ vào AI, lượng tử và chất bán dẫn ngày càng được xem xét kỹ lưỡng, khi chính quyền ông Biden chuẩn bị công bố những hạn chế mới với việc tài trợ của Mỹ cho các hãng công nghệ Trung Quốc.

Theo báo cáo, 167 nhà đầu tư Mỹ đã tham gia vào 401 giao dịch, tương đương khoảng 17% khoản đầu tư vào các công ty AI của Trung Quốc trong giai đoạn này. 401 giao dịch đó đại diện cho tổng số tiền đầu tư 40,2 tỉ USD, tương đương 37% tổng số tiền huy động được của các công ty AI Trung Quốc trong thời gian 6 năm.

Dữ liệu cho thấy Qualcomm Ventures và Intel Capital đã lần lượt tham gia vào 13 và 11 khoản đầu tư vào các công ty AI Trung Quốc, kém xa GGV Capital (dẫn đầu các công ty Mỹ với tổng số 43 khoản đầu tư vào lĩnh vực này).

Chính quyền ông Biden dự kiến sẽ công bố một sắc lệnh hành pháp trong năm nay hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các ngành công nghệ nhạy cảm Trung Quốc. Lý do vì phe diều hâu ở Washington đổ lỗi cho các nhà đầu tư Mỹ đã chuyển vốn và bí quyết có giá trị cho các hãng công nghệ Trung Quốc có thể giúp nâng cao năng lực quân sự của nước châu Á này.

Theo báo cáo, GSR Ventures (Mỹ) cùng FlyTek Co Ltd (công ty nhận dạng giọng nói Trung Quốc) đầu tư vào một công ty AI Trung Quốc sau khi FlyTek Co Ltd bị thêm vào danh sách đen thương mại.

Silicon Valley Bank và Wanxiang American Healthcare đã bơm tiền vào các công ty AI của Trung Quốc cùng với SenseTime (hãng AI hàng đầu Trung Quốc về nhận dạng và xử lý khuôn mặt người) trước khi SenseTime bị thêm vào danh sách đen thương mại.

Cả FlyTek Co Ltd và SenseTime bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại vào năm 2019, ngăn họ nhận hàng xuất khẩu công nghệ từ Mỹ, vì cáo buộc vi phạm nhân quyền liên quan đến việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Lớn nhất có khoản đầu tư riêng của ngân hàng Goldman Sachs vào 1KMXC (công ty chế tạo robot hỗ trợ AI của Trung Quốc), cũng như khoản đầu tư của ba hãng vốn mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ vào Geek+ (công ty rô bốt di động tự hành), báo cáo cho biết.

Theo CSET, chỉ có một công ty AI của Trung Quốc nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư Mỹ tham gia phát triển các ứng dụng AI cho mục đích quân sự hoặc an toàn công cộng.

Bài liên quan
Gã khổng lồ internet Trung Quốc đặt tham vọng với chatbot kiểu ChatGPT
Baidu đang lên kế hoạch ra mắt công cụ chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự ChatGPT của OpenAI vào tháng 3, một người quen thuộc về vấn đề này nói với Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
4 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ChatGPT vượt TikTok thành ứng dụng phát triển nhanh nhất, nhà đầu tư Mỹ đổ hàng tỉ USD vào AI Trung Quốc