Với vốn điều lệ hơn 2.000 tỉ đồng, hơn 10.000 tài khoản khách hàng, Công ty chứng khoán Kim Long (KLS) đã trải qua chặng đường nhiều thăng trầm với thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, do năm 2015 bị lỗ, KLS bất ngờ tuyên bố giải thể để đảm bảo chia cổ tức cho cổ đông.

Công ty chứng khoán nghìn tỉ bất ngờ tuyên bố giải thể

Theo Dân Trí | 09/04/2016, 05:40

Với vốn điều lệ hơn 2.000 tỉ đồng, hơn 10.000 tài khoản khách hàng, Công ty chứng khoán Kim Long (KLS) đã trải qua chặng đường nhiều thăng trầm với thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, do năm 2015 bị lỗ, KLS bất ngờ tuyên bố giải thể để đảm bảo chia cổ tức cho cổ đông.

Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long (mã chứng khoán: KLS) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Đây có thể sẽ là đại hội cổ đông cuối cùng của KLS khi Hội đồng quản trị công ty đã công bố tờ trình chi tiết về phương án giải thể công ty.

Theo tờ trình, giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu KLS tại thời điểm 31.12.2015 là 12.468 đồng. Hội đồng quản trị KLS ước tính giá trị thị trường của các tài sản này có thể chỉ đạt khoảng 85% đến 90% giá trị sổ sách (mức chiết khấu khoảng 10% đến 15%). Theo đó mức giá trị thanh lý mỗi cổ phiếu sẽ rơi vào khoảng 10.600 đồng/cp - 11.200 đồng/cp.

Công ty dự kiến việc thanh toán tiền cho cổ đông có thể chia làm nhiều lần tạm ứng khác nhau và lần cuối cùng là lần hoàn tất thanh toán.

Theo đề nghị của Hội đồng quản trị KLS, trình tự giải thể công ty sẽ được thực hiện từ 25.4.2016 (tức sau khi KLS tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016) đến tháng 11.2016. Trong quá trình giải thể, KLS sẽ ký Thỏa thuận chính thức chuyển giao 10.811 tài khoản khách hàng với Công ty chứng khoán khác.

Dự kiến tháng 9.2016, KLS sẽ thực hiện các thủ tục chốt danh sách tại ngày hủy niêm yết để tạm chia tiền cho cổ đông. Sau khi thực hiện quyết toán thuế, KLS sẽ thực hiện chia nốt số tiền còn lại cho cổ đông.

Nói về quyết định giải thể công ty, Chủ tịch KLS, ông Hà Hoài Nam cho biết, do thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đủ lớn để có nhiều công ty chứng khoán, vì thế hoạt động của khối công ty chứng khoán nhìn chung còn nhiều khó khăn.

Với KLS, hiệu quả hoạt động 3 năm qua cho thấy: Hai năm trước, công ty trả cổ tức cho cổ đông ở mức 8% và 7%, nhưng năm 2016 sẽ không trả được cổ tức, vì năm 2015 công ty lỗ. "Hiệu quả hoạt động của KLS như vậy là không tốt" - ông Nam thừa nhận.

Quá trình tăng vốn điều lệ của KLS

Về thị giá cổ phiếu, thời gian dài vừa qua, cổ phiếu KLS chủ yếu giao dịch ở mức 6.000 - 7.000 đồng/cp (tức dưới giá trị sổ sách). Trong khi đó, nếu thanh lý toàn bộ tài sản và danh mục đầu tư, với hơn 182 triệu cổ phiếu KLS đang lưu hành, giá trị còn lại được chia của mỗi cổ phiếu ước tính là khoảng 11.000 đồng.

"Trước thực tế thị giá và giá trị thanh lý của KLS có sự chênh lệch như vậy, một số cổ đông KLS đã có kiến nghị công ty giải thể, trả lại tiền cho cổ đông. Xét trên quyền lợi của cổ đông, việc này hợp lý và đây cũng là quyền của họ. Sau nhiều trăn trở, HĐQT quyết định trình Đại hội đồng cổ đông phương án giải thể KLS. Đây là một quyết định khó khăn, nhưng tôi tin điều này cũng là ý nguyện của đa số cổ đông" - lãnh đạo KLS chia sẻ.

Ông Nam cũng cho biết, may mắn là KLS vẫn giữ được tiền. Tài sản chủ yếu của KLS là tiền mặt và cổ phiếu (khoảng 2.000 tỉđồng), do đó, công ty có điều kiện để chia tiền cho cổ đông khi Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án này.

Tính đến thời điểm hiện tại, danh mục của KLS chỉ còn khoảng hơn 300 tỷ đồng giá trị cổ phiếu niêm yết, phần này công ty sẽ chủ động bán từ từ, hợp lý, mỗi ngày một ít để tránh thiệt hại cho bản thân công ty. Ngoài ra, KLS cũng sẽ tìm đối tác để bán qua giao dịch thỏa thuận.

Theo nhận định của ông Hà Hoài Nam, việc KLS giải thể có thể ảnh hưởng đến thị trường chung, nhưng tác động là nhỏ. "KLS chỉ là 1 trong 80 công ty chứng khoán trên TTCK Việt Nam. Việc giải thể của KLS, xét ở khía cạnh thị trường, về dài hạn còn là tốt và cũng phù hợp với chủ trương tái cấu trúc, thu gọn số lượng các CTCK hiện nay" - ông Nam nhìn nhận.

Hơn nữa, là doanh nghiệp niêm yết, việc thôi niêm yết của KLS cũng là bình thường khi KLS chỉ là 1 trong gần 1.000 loại cổ phiếu đang được giao dịch trên 2 Sở. "Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp hủy niêm yết mà không gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chung. Thị trường luôn có các doanh nghiệp hủy niêm yết và các doanh nghiệp niêm yết mới" - lãnh đạo KLS cho hay.

Bích Diệp - Dân Trí
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty chứng khoán nghìn tỉ bất ngờ tuyên bố giải thể