Theo Cục quản lý cạnh tranh, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhân viên thu hồi nợ có dấu hiệu đe dọa, quấy rối người tiêu dùng và người thân của người tiêu dùng trong quá trình thu hồi nợ.
Các hoạt động tín dụng thường quấy rối người tiêu dùng bằng các khoản vay để mua tài sản tiêu dùng như xe máy, máy tính, điện thoại…Vì có lợi thế là giải quyết nhanh, không cần tài sản thế chấp nên một bộ phận rất lớn người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng.
Thế nhưng, đi cùng sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của lĩnh vực này là xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận và đang tạo ra rất nhiều bức xúc cho người dân.
Trước tình trạng đó, đơn vị này đã liên tiếp nhận được các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Qua công tác thống kê từ hoạt động tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, Cục Quản lý cạnh tranh đã phát hiện thấy một số hành vi của các công ty tài chính tiêu dùng có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Dựa trên các trường hợp đã và đang xem xét, giải quyết, Phòng Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho người tiêu dùng.
Theo đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, khi có nhu cầu vay tiền, người tiêu dùng cần lưu ý một số nội dung trước khi ký hợp đồng.
Cụ thể, người tiêu dùng nên tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng, nếu không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tài chính.
Nếu lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay thì nên chọn các đơn vị có uy tín. Bên cạnh đó, tham khảo, hỏi ý kiến người thân, bạn bè hoặc tham khảo thông tin trên mạng Internet để xem các đánh giá của cộng đồng người tiêu dùng về dịch vụ, uy tín của công ty cung cấp dịch vụ.
Tiếp theo là đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng. Đặc biệt lưu ý các điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Lưu ý và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ.
Sau khi ký hợp đồng cần đề nghị nhân viên tư vấn hoặc công ty cung cấp một bản sao có giá trị pháp lý của hợp đồng đã ký kết. Trong trường hợp hợp đồng được gửi sau bằng đường bưu điện cần lưu ý nhân viên tư vấn có hình thức xác nhận về việc sẽ gửi hợp đồng cho người tiêu dùng và thời gian hoàn thành gửi hợp đồng.
Trong quá trình này, người tiêu dùng cần lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan, bao gồm: hợp đồng, các tài liệu hướng dẫn do công ty cung cấp, các hóa đơn nộp tiền và các tài liệu liên quan khác để làm chứng cứ cho các hoạt động của mình. Nếu có vấn đề phát sinh hoặc thắc mắc, cần chủ động liên hệ trực tiếp theo số máy điện thoại được cung cấp trên hợp đồng của công ty.
Trường hợp đã phản ánh, liên hệ nhưng vấn đề chưa được làm rõ hoặc giải quyết, cần phản ánh tới bên thứ ba (các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Sở Công Thương trên địa bàn hoặc Cục Quản lý cạnh tranh) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Phan Diệu