Ngay khi châu Âu tưởng như đang khống chế được đại dịch thì dịch bệnh COVID-19 dường như bắt lan rộng trở lại.

COVID-19 bùng phát dữ dội trở lại, châu Âu quay về thời kỳ cách ly

29/07/2020, 08:34

Ngay khi châu Âu tưởng như đang khống chế được đại dịch thì dịch bệnh COVID-19 dường như bắt lan rộng trở lại.

Dân châu Âu sẽ phải đối diện với lệnh cách ly mới

Các đợt bùng phát mới đang lan rộng khắp châu Âu hệt như ở châu Á, kéo theo các biện pháp cách ly mới và đó cũng là thông điệp rõ ràng rằng không có quốc gia nào an toàn trước đại dịch.

Đức là một ví dụ điển hình cho dù đầu tàu châu Âu trước đó đã khống chế dịch rất tốt. Viện Robert Koch (RKI) hôm thứ Hai nói rằng sự tăng đột biến các ca nhiễm gần đây "rất đáng lo ngại".

Đức được coi là một tấm gương tiêu biểu về cách xử lý đại dịch, với khả năng phản ứng nhanh, khả năng xét nghiệm hàng loạt, cung cấp thông tin minh bạch và sự bình tĩnh của Thủ tướng Angela Merkel. Trong khi hơn 4% bệnh nhân mắc coronavirus đã chết trên toàn thế giới vào tháng 3, thì tỷ lệ tử vong COVID-19 của Đức chỉ là 0,4%.

Đến giữa tháng 4, Đức đã xét nghiệm hơn 2 triệu người và đang thực hiện khoảng 400.000 xét nghiệm mỗi tuần. Không giống như một số nhà lãnh đạo thế giới, bà Merkel – vốn xuất thân là một nhà khoa học - đã sớm nắm bắt được mức độ nghiêm trọng của tình hình và đưa ra cảnh báo với công chúng ngay từ tháng 3 để thuyết phục người dân rằng những hạn chế là cần thiết.

Đức chỉ bắt đầu mở cửa trở lại sau khi tốc độ lây lan được xác định theo tỷ lệ "R" - số người trung bình mà mỗi bệnh nhân bị nhiễm virut tiếp tục lây nhiễm - đã giảm xuống mức dưới 1, chính xác là xuống còn 0,7.

Nhưng một khi việc cách ly được nới lỏng, các vụ dịch mới đã nhanh chóng xuất hiện, với sự gia tăng 900 ca trong một ngày vào tháng 5. Số ca mắc mới hàng ngày vốn đã giảm xuống còn khoảng 500 trong những tuần gần đây, nhưng đã tăng lên 815 vào tuần trước, RKI cho biết.

Tỷ lệ "R" trong 7 ngày của Đức đã vọt lên 1,10 và trong 4 ngày qua là 1,28. Các trường hợp nhiễm mới có liên hệ với các cuộc tụ họp lớn, từ nơi làm việc và các cơ sở cộng đồng, cũng như du khách trở về từ các quốc gia khác.

Phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng, Helge Braun, hôm thứ Hai cho biết các số liệu là "nguyên nhân gây lo ngại" và để giải quyết đại dịch vào mùa thu, các ca nhiễm mới trong mùa hè cần phải giữ "dưới 500" mỗi ngày.

Chính phủ hiện đang cung cấp các xét nghiệm miễn phí cho cư dân của thị trấn Mamming, miền nam nước Đức, nơi đang đối mặt với sự bùng phát của những người lao động thời vụ tại một trang trại rau. Công nhân tại các trang trại khác ở Bavaria cũng sẽ được xét nghiệm.

Lan khắp châu Âu

Sự gia tăng trong các ca nhiễm ở châu Âu kéo theo sự tăng tốc lây lan ở Úc và ở các nước châu Á tưởng như đã kiểm soát được coronavirus.

Thủ tướng Anh, ông Vladimir Boris Johnson hôm thứ Ba cảnh báo rằng có dấu hiệu của làn sóng thứ hai ở châu Âu. Nói về quyết định của Anh trong việc áp dụng kiểm dịch đối với những người trở về từ Tây Ban Nha, Johnson phát biểu: "Những gì chúng tôi phải làm là hành động nhanh chóng và quyết đoán khi chúng tôi cảm thấy rủi ro đang bắt đầu trỗi lại".

"Chúng ta cần nhận biết thấu đáo về những gì đang xảy ra ở châu Âu, giữa một số quốc gia châu Âu thân thiết của chúng ta, tôi e rằng các bạn đang bắt đầu thấy ở một số nơi những dấu hiệu của một đợt đại dịch thứ hai", ông Johnson phát biểu.

Tây Ban Nha đã ghi nhận ít hơn 400 trường hợp mới mỗi ngày trong hầu hết tháng 6, nhưng riêng thứ Hai qua, Bộ y tế Tây Ban Nha đã báo cáo 855 trường hợp nhiễm coronavirus mới.

Giám đốc Trung tâm y tế khẩn cấp Tây Ban Nha, Fernando Simon, cho biết có nhiều trường hợp mắc bệnh ở xứ Aragon và xứ Catalonia, nhưng ông không nghĩ đó là làn sóng thứ hai..

Sự gia tăng lây lan trên có liên quan đến việc người dân đổ xô đi nghỉ hè thời gian qua. Cả Đức và Pháp đều công bố kế hoạch kiểm tra hành khách từ các quốc gia "có nguy cơ cao" - gồm cả những người đến từ Mỹ - ngoài việc cách ly 14 ngày bắt buộc.

Pháp đã chứng kiến ​​các trường hợp nhiễm mới mỗi ngày leo trở lại mức tương tự như khi lệnh cách ly được dỡ bỏ vào ngày 11.5, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran hôm Chủ nhật cho biết nước này chưa xảy ra đợt đại dịch thứ hai, nhưng cảnh báo rằng các ca nhiễm mới đang tăng mạnh - vượt quá 1.000 mỗi ngày trong tuần trước.

Viện nghiên cứu Echoing từ Nhật Bản cho thấy nhiều ổ dịch mới bắt nguồn từ những người dưới 40 tuổi có ít triệu chứng. Bộ trưởng Veran cho biết bệnh nhân nhiễm COVID-19 gần đây có độ tuổi trẻ hơn trước và kêu gọi những người trẻ tuổi đặc biệt cảnh giác.

Hôm thứ Sáu, Bộ Y tế Pháp cho biết tỷ lệ "R" đã tăng lên 1,3 và cảnh báo rằng "coronavirus đang phát tán trên toàn quốc".

Tái lập các quy tắc nghiêm ngặt

Thủ tướng Jean Castex của Pháp hôm thứ Bảy nói rằng ông muốn tránh tác động tiêu cực của việc cách ly toàn quốc và thay vào đó, chính phủ sẽ tìm cách áp đặt các hạn chế cục bộ, như đã áp dụng ở Đức và Vương quốc Anh. Các nhà điều hành du lịch cũng đã kêu gọi thiết lập " khu vực hành lang " để cho phép các chuyến đi đến một số khu vực nhất định, giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ đại dịch.

Nhưng ngay lúc này, Bỉ đã thắt chặt các hạn chế trên toàn quốc cho đến cuối tháng 8 sau khi các ca nhiễm mới ở nước này tăng trung bình 193 mỗi ngày trong tuần trước - tăng 91% so với tuần trước đó.

Từ hôm nay, không gian sinh hoạt chung trong phòng sẽ phải giảm từ 15 xuống chỉ còn 5 người, các cuộc tụ họp người trời sẽ được giới hạn ở mức 10 và các cửa hàng sẽ khôi phục các quy tắc giãn cách trước đó, giới hạn mỗi người chỉ được mua sắm trong 30 phút. Bỉ cũng bắt buộc đeo khẩu trang ở chợ ngoài trời và trong các trung tâm thương mại.

"Các biện pháp này không phải là khuyến cáo, chúng là mệnh lệnh", nữ phát ngôn của thủ tướng Sophie Wilmes khẳng định. Chính phủ Bỉ thừa nhận rằng việc siết chặt các quy tắc này là một "đòn mạnh cho tinh thần của chúng tôi, nhưng chúng tôi thà thực hiện các biện pháp này ngày hôm nay hơn là để ngày mai phải hối tiếc"

Đối với Ý, từng là tâm điểm của đại dịch, Bộ trưởng y tế Roberto Speranza tuần trước nói rằng bây giờ họ đã "thoát khỏi cơn bão". Nhưng Ý cũng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Các ca nhiễm mới hàng ngày tuần trước vượt quá 300 lần đầu trong một tháng qua, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Chính phủ Ý hôm thứ Sáu đã triển khai một lệnh cách ly mới đối với du khách vào nước này từ Romania hoặc Bulgaria. "Virus chưa bị dập tắt và tiếp tục phát tán. Đây là lý do tại sao vẫn cần thận trọng và chú ý", Bộ trưởng Bộ Y tế đã phải thay đổi sự lạc quan trong phát biểu. "Tình hình quốc tế thật đáng lo ngại, thế giới chúng ta đang ở thời điểm tồi tệ nhất của dịch bệnh". Đồng thời, Speranza nhận định cuộc khủng hoảng sẽ chỉ "trở thành quá khứ" cho đến khi vắc-xin được phát triển thành công.

Thực tế cho thấy các công cụ kiểm soát trực quan nhất đang hoạt động hiệu quả chống lại virus - chẳng hạn như cách ly, kiểm dịch, hạn chế đi lại và giãn cách xã hội - và đây có thể là những công cụ đáng tin cậy nhất của thế giới cho đến khi chúng ta tìm thấy và phân phối vắc-xin.

Anh Tú (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19 bùng phát dữ dội trở lại, châu Âu quay về thời kỳ cách ly