Ảnh vệ tinh chụp bởi công ty Maxar cho thấy Iran vừa di chuyển một mô hình tàu sân bay từ thành phố cảng Bandar Abbas đến eo biển chiến lược Hormuz.
Mô hình được xác định mô phỏng tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, lớn bằng 50 - 70% kích thước tàu thật và có cả 16 chiến đấu cơ giả.
Iran tiến hành di chuyển mô hình từ cuối tuần qua. Đây là dấu hiệu cho thấy quốc gia Trung Đông này có khả năng sắp tổ chức tập trận bắn đạn thật với nội dung tấn công đánh chìm tàu sân bay như năm 2015.
Trong lần tập trận 5 năm trước, Iran tấn công tàu sân bay bằng súng máy và pháo bắn từ ca nô chạy tốc độ cao, cộng thêm tên lửa đất đối biển.
Mỹ thường triển khai ít nhất một tàu sân bay đồn trú gần vịnh Ba Tư. Đầu tháng 7 nhóm tác chiến USS Eisenhower xuất hiện tại khu vực nhưng hiện đang ở Địa Trung Hải tập trận cùng hải quân Hy Lạp. Có thể nhóm tác chiến USS Nimitz sẽ đến gia nhập Hạm đội 5 (đóng ở Bahrain) sau khi diễn tập với hải quân Ấn Độ.
Bình luận về động thái từ phía Iran, phát ngôn viên Hạm đội 5 Rebecca Rebarich khẳng định họ hoàn toàn đủ sức tự vệ trước bất cứ mối đe dọa nào.
Với chiều rộng chỗ hẹp nhất khoảng 33km, eo biển Hormuz là tuyến đường thủy ngăn cách Iran và Oman, kết nối vùng Vịnh với biển Ả Rập.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính trong năm 2016, mỗi ngày có khoảng 18,5 triệu thùng dầu đi qua eo biển Hormuz, chiếm 30% lượng dầu thô lẫn sản phẩm dầu dạng lỏng vận chuyển bằng đường biển thời gian đó.
Số liệu từ công ty phân tích Vortexa cho thấy lượng dầu qua đây trong hai năm 2017 và 2018 lần lượt là 17,2 triệu thùng/ngày và 17,4 triệu thùng/ngày - tức gần 1/5 tổng tiêu thụ dầu toàn cầu (100 triệu thùng/ngày).
Tuyến đường vận chuyển cho hầu hết dầu khô xuất khẩu từ Ả Rập Saudi, Iran, UAE, Kuwait, Iraq cũng như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do Qatar cung cấp đều là eo biển Hormuz.
Mỗi khi quan hệ Iran - Mỹ căng thẳng, eo biển Hormuz đều trở thành điểm nóng. Tại đây từng xảy ra không ít sự cố bắn máy bay do thám, tàu chiến, thậm chí tàu chở dầu.
Cẩm Bình (theo Sky News, The Jerusalem Post)