Trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng, đồng thời lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để củng cố yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, Mỹ đang triển khai ngày càng nhiều chiến dịch tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này, cũng như hối thúc các đồng minh có động thái tương tự.

Mỹ thúc giục Úc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông

28/07/2020, 11:13

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng, đồng thời lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để củng cố yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, Mỹ đang triển khai ngày càng nhiều chiến dịch tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này, cũng như hối thúc các đồng minh có động thái tương tự.

Chiến hạm của Mỹ, Úc và Nhật Bản trong cuộc tập trận trên biển - Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc

"Mỹ muốn thấy nhiều quốc gia có cùng chí hướng tham gia để xây dựng đồng thuận quốc tế nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp. Đây không phải Trung Quốc chống lại Mỹ theo cách họ luôn mô tả. Đây là Trung Quốc chống lại các quốc gia có cùng chí hướng", hãng tin ABC của Úc dẫn lời một quan chức cao cấp của Mỹ hôm 28.7.

Quan chức này nhấn mạnh, khi nhiều quốc gia khác thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, hoặc thực hiện các hoạt động chung với Mỹ, điều này sẽ thể hiện rõ ràng rằng các nước đã đứng lên vì trật tự dựa trên quy tắc và Trung Quốc là quốc gia duy nhất đi chệch hướng.

Những bình luận trên được đưa ra trước thềm cuộc cuộc họp tham vấn cấp bộ trưởng Mỹ - Úc hằng năm tại Washington (AUSMIN). Trong hội đàm lần này, Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và Mark Esper để thảo luận về mở rộng hợp tác quân sự tại Biển Đông và nỗ lực chống tin giả trên internet.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông và thuyết phục các đồng minh, đối tác tham gia ngăn chặn tham vọng đòi yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi đầu tháng 7 cũng đã tuyên bố chiến hạm hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi qua Biển Đông và giúp các quốc gia trong khu vực đẩy lùi hoạt động “gây hấn” của Trung Quốc.

"Năm 2019 đã chứng kiến số chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông nhiều kỷ lục trong lịch sử. Chúng tôi sẽ giữ nhịp độ này trong năm nay. Mỹ luôn muốn tăng cường mối quan hệ trong khu vực để các quốc gia Đông Nam Á có thể giữ gìn và bảo vệ vùng biển của họ", người đứng đầu Lầu Năm Góc cho hay.

Thời gian qua, Úc chưa có tuyên bố rõ ràng về việc có ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ về Biển Đông. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc chỉ đưa ra một tuyên bố báo chí yêu cầu các bên tôn trọng luật pháp quốc tế (đặc biệt là UNCLOS 1982) và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực về Biển Đông. Úc lâu nay cũng đã từ chối tham gia với Mỹ trong các hoạt động tự do hàng hải trong vòng 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc có yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông do lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của nước này với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, căng thẳng ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc leo thang trong những tháng gần đây kể từ khi Thủ tưởng Scott Morrison cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Úc kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19. Đáp trả, Bắc Kinh cũng đã hạn chế thương mại với Canberra khi áp mức thuế 80% đối với lúa mạch Úc và đình chỉ nhập khẩu hàng từ 4 nhà sản xuất nông nghiệp Úc, đồng thời khuyến cáo người dân Trung Quốc không đến Úc, cũng như cảnh báo du học sinh nước này cân nhắc rủi ro khi học tập tại Úc.

Kể từ tháng 4.2020, Úc đã có nhiều bước đi đáng chú ý thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn về Biển Đông. Tàu chiến Úc HMAS Parramatta đã tham gia tập trận chung với tàu chiến Mỹ tại khu vực Biển Đông hồi tháng 4. Trong tháng 7, có 5 chiến hạm Úc gồm HMAS Canberra, HMAS Hobart, HMAS Stuart, HMAS Arunta và HMAS Sirius cũng đã lần lượt đi qua khu vực Biển Đông, trong đó có khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trước khi tham gia tập trận chung với tàu chiến Nhật Bản và Mỹ tại vùng biển Philippines.

Trong công hàm trình lên Liên Hợp Quốc hồi tuần trước, Úc cũng tuyên bố yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc bao gồm cả những vấn đề liên quan đến việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi cạn và rạn san hô ở Biển Đông “không có cơ sở pháp lý”.

"Úc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử hay quyền và lợi ích hàng hải được thiết lập trong quá trình hoạt động có tính lịch sử lâu dài ở Biển Đông. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để khẳng định chủ quyền cho các thực thể hàng hải hoặc mhóm đảo ở Biển Đông”, tuyên bố nêu rõ.

Hoàng Vũ (theo ABC)

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ thúc giục Úc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông