Quốc gia Nam Mỹ Ecuador đã phải ban bố cảnh báo sau khi hải quân nước này phát hiện hàng trăm tàu cá gắn cờ Trung Quốc ở vị trí cách quần đảo Galapagos 322km, làm dấy lên lo ngại hệ sinh thái biển ở khu vực bị tàn phá.
Theo Guardian, cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuador Yolanda Kakabadse cho biết 260 tàu cá gắn cờ Trung Quốc đã xuất hiện ở vùng biển quốc tế gần Galapagos (Ecuador). Bà cho rằng sự hiện diện này, đi kèm với hoạt động đánh bắt cá, có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới sự cân bằng sinh thái tại khu vực. "Quy mô và cường độ khai thác sinh vật biển của đội tàu này là mối đe dọa lớn đối với cân bằng sinh thái ở Galapagos", bà Yolanda cảnh báo.
Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador, ông Oswaldo Jarrin cũng xác nhận hải quân nước này đã liên tục theo dõi đội tàu cá Trung Quốc kể từ khi phát hiện vụ việc vào tuần trước. “Chúng đã tôi cảnh giác, tiến hành giám sát, tuần tra để tránh tái diễn sự cố hồi năm 2017”, ông Jarrin nói.
Sự cố mà người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ecuador đề cập đến là vụ hải quân nước này bắt giữ tàu cá Fu Yuan Yu Leng 999 mang cờ Trung Quốc vào giữa tháng 8.2017 khi nó đang chở khoảng 300 tấn cá mập thuộc những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, gồm cả cá mập đầu búa. Bộ Môi trường Ecuador thời điểm đó cho biết tàu cá Trung Quốc bị bắt khi đang hoạt động ở Galapagos. Chính phủ Ecuador đã tiến hành tịch thu tàu cá Trung Quốc, và các thuyền viên trên tàu cá Trung Quốc bị kết án tù từ 1 đến 4 năm. Các ngư dân này cũng bị phạt tổng cộng 5,9 triệu USD.
Được biết Galapagos cách đất liền khoảng 910km là quần đảo lịch sử đã tạo cảm hứng cho nhà khoa học Charles Darwin nghiên cứu về thuyết tiến hóa. Khu vực này nổi tiếng với các loài động thực vật độc đáo, thu hút khoảng 250.000 khách du lịch mỗi năm. Ngoài ra, quần đảo này được mệnh danh là một “bảo tàng sống, nơi trưng bày về sự tiến hóa”. UNESCO vào năm 1978 đã công nhận Galapagos là Di sản thiên nhiên của nhân loại.
Trong một thông điệp đưa lên mạng xã hội Twitter cuối tuần qua, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã mô tả quần đảo Galapagos là một trong những ngư trường lớn nhất và là nơi nhân giống sinh vật biển của cả hành tinh.
Với nguồn thủy sản phong phú, tàu cá Trung Quốc hằng năm thường tìm đến khu vực gần quần đảo Galapagos để đánh bắt. Nhưng năm nay đã ghi nhận số lượng tàu cá Trung Quốc hoạt động lớn nhất trong lịch sử.
Trước tình hình này, cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuador Yolanda Kakabadse và cựu thị trưởng thủ đô Quito, ông Roque Sevilla ngày 27.7 được giao nhiệm vụ thiết lập "chiến lược bảo vệ quần đảo Galapagos”.
Ông Sevilla nói rằng các nỗ lực ngoại giao sẽ được thực hiện nhằm yêu cầu tàu cá Trung Quốc rời khỏi khu vực. “Những tàu cá Trung Quốc có khả năng hủy hoại nỗ lực của Ecuador trong việc bảo vệ sinh vật biển ở Galapagos”, ông cho hay.
Theo ông Sevilla, nhóm chuyên trách của ông cũng sẽ tìm cách thực thi các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ các loài sinh vật biển. Bà Kakabadse trong khi đó tiết lộ những nỗ lực khác cũng sẽ được thực hiện nhằm mở rộng vùng đặc quyền kinh tế với chu vi 563km quanh quần đảo Galapagos để hợp nhất với vùng kinh tế của đất liền Ecuador, giúp hạn chế việc đánh bắt và xâm nhập của các tàu cá Trung Quốc.
Cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuador cho biết thêm rằng quốc gia Nam Mỹ cũng muốn thiết lập một hành lang bảo tồn biển với các nước láng giềng Thái Bình Dương gồm Costa Rica, Panama và Colombia nhằm khoanh vùng bảo vệ các khu vực đa dạng biển quan trọng.
Hoàng Vũ (theo Guardian)