Theo Bản tin lúc 6h00 ngày 4.5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, không có ca mắc mới COVID-19 nào được ghi nhận. Hiện vẫn còn hơn 27.000 người đang cách ly phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 27.409, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 238
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.871
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 21.300
Về số ca nhiễm:
Tính từ 6h ngày 16.4 đến 6h ngày 4.5: tròn 18 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 4.5: Việt Nam ghi nhận tổng cộng 131 ca mắc bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh (trong đó, ca mới nhất được công bố chiều 3.5, là bệnh nhân số 271, nam giới 37 tuổi, quốc tịch Anh, chuyên gia của Tập đoàn Dầu khí được nhập cảnh để thực hiện dự án kinh tế.)
- Tính từ 18h ngày 3.5 đến 6h ngày 4.5: Không ghi nhận nhận ca mắc mới.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 219/271 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh/xuất viện.
52 bệnh nhân mắc COVID-19 còn lại hiện đang được điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 8 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó riêng tại bệnh viện tuyến trung ương điều trị, theo dõi sức khoẻ cho 40 bệnh nhân; bệnh viện tuyến tỉnh điều trị, theo dõi cách ly 11 bệnh nhân và tuyến huyện là 01 bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân có sức khoẻ ổn định;
Tính đến chiều 3.5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện đã có 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Về sức khoẻ của các bệnh nhân COVID-19 nặng, hiện có 2 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và 1 bệnh nhân khác là nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
BN 19: Bệnh nhân thở máy qua mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, ran nổ 2 bên giảm. Bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt, cơ lực cải thiện không có phù trên lâm sàng, tiểu qua sonde; Ăn nhỏ giọt qua sonde, đỡ trào ngược; Da niêm mạc hồng; Bệnh nhân trong ngày không sốt. Đến thời điểm này, đây là bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị lâu nhất ở nước ta, đã gần 2 tháng kể từ khi nhập viện.
BN 161: Bệnh nhân thở máy qua mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, không ran, đờm ít, đặc, ngày qua tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực khá. Tim nhịp xoang, tần số tim 83-108 chu kì/phút. Huyết áp trung bình 76-108 mmHg.
Gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, bệnh nhân hiện vẫn liệt cứng 1/2 người (T). Tập vận động thụ động cho bệnh nhân 2 lần/ngày. Bệnh nhân cũng đã đỡ phù vùng cánh tay (T), mí mắt; Bệnh nhân ăn qua sonde; tiểu qua sonde. Da niêm mạc kém hồng. Bệnh nhân hiện không sốt.
Đây là cụ bà 88 tuổi, quê Hưng Yên. Bệnh nhân được chuyển từ khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai sang khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) hôm 25/3, với chẩn đoán chảy máu não thất, phát hiện tăng huyết áp 2 tuần, chụp CT phổi có tổn thương phổi trái. 3 ngày sau khi nhập viện, tới ngày 28.3, bệnh nhân có xu hướng tổn thương phổi tăng hơn. Tới ngày 2.4, nữ bệnh nhân này phải thở ôxy, sau đó mở nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Sau đó bệnh nhân được chỉ định thở máy.
BN 91: Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân vẫn nằm yên/an thần, không sốt. Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi phải. Siêu âm tim phổi: tim co bóp đồng bộ, không tràn dịch, Bline mặt trước, phổi trái Bline nhiều, đông đặc vùng thấp, co nhỏ nằm khoang liên sườn 3-4.
Bệnh nhân đang điều trị kháng sinh, hỗ trợ hô hấp/ mở khí quản; ECMO; Lọc máu; Kiểm soát Rối loạn đông máu, dẫn lưu khí màng phổi phải
Trước đó, ngày 17.3, BN91 khởi phát sốt, ho và đến chiều 18/3 tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khám, nhập viện với tình trạng X-Quang có tổn thương nhu mô phổi phải. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm dương tính vào khuya ngày 18/3. Mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur TP.HCM dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 20/3. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị cách ly tại bệnh viện cho đến nay.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này đã nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên xen lẫn trong đó là những lần dương tính yếu. Kết quả xét nghiêm lần gần đây nhất- ngày 30.4, bệnh nhân này đã âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh thâm nhập vào trong nước vẫn còn hiện hữu, do đó chúng ta cần không được chủ quan trong phòng chống dịch. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm sau để phòng chống COVID-19:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.
Chuyên gia quốc tế lý giải thành công của Việt Nam trong phòng dịch
Thời gian gần đây, nhiều tờ báo của thế giới đã đăng tải các bài viết về hình mẫu Việt Nam trong phòng chống đại dịch COVID-19.
Họ đi tìm hiểu, lý giải nguyên nhân thành công của Việt Nam trong kiểm soát, khống chế bệnh dịch. Rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, học giả quốc tế đã bày tỏ những ý kiến của mình về cách chống dịch của Việt Nam.
Theo hãng thông tấn Reuters, Việt Nam - một quốc gia có 96 triệu dân, có chung đường biên giới với Trung Quốc, đang phát đi những tín hiệu cho thấy họ đã thành công trong phòng chống dịch COVID-19 trong khi nhiều quốc gia giàu có và phát triển hơn vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh.
Một số chuyên gia y tế công cộng được Reuters phỏng vấn cho rằng, Chính phủ Việt Nam đến nay đã báo cáo có 271 trường hợp mắc COVID-19, một tỷ lệ tương đối nhỏ và không có trường hợp tử vong. Điều này đã giúp Việt Nam bước vào việc khôi phục nền kinh tế sớm hơn nhiều so với hầu hết những quốc gia khác.
Philippines có dân số đông hơn Việt Nam một chút nhưng số trường hợp mắc tăng gấp 30 lần và có hơn 500 trường hợp tử vong. Reuters nhận định, các chuyên gia y tế công cộng cho rằng, Việt Nam thành công sớm trong phòng chống dịch bởi nước này đã có những động thái quyết liệt nhằm hạn chế nhập cảnh từ vùng dịch, xét nghiệm trên diện rộng, cách ly hàng chục nghìn người và theo dõi sát những người phơi nhiễm hiệu quả.
Quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ông Matthew Moore - người đã liên hệ với Chính phủ Việt Nam ngay từ khi bùng phát dịch kể từ hồi tháng 1 - nói: “Nói thì dễ nhưng làm lại khó, nhưng Việt Nam đã rất thành công trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch rất nhiều lần”. Ông cho biết mình có niềm tin mạnh mẽ vào những biện pháp ứng phó, phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam.
Kể từ khi bùng phát dịch hồi tháng 1, Việt Nam mới chỉ có 3 phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm COVID-19, nhưng đến tháng 4, nước này đã có tới 112 cơ sở có thể xét nghiệm COVID-19. Đến nay đã có hơn 200.000 xét nghiệm được thực hiện tại Việt Nam.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Kidong Park cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy có ca nhiễm bị Chính phủ Việt Nam bỏ sót hay không công bố.
Giám đốc đơn vị nghiên cứu thí nghiệm lâm sàng thuộc Đại học Oxford (Anh) tại TP. Hồ Chí Minh, ông Guy Thwaites cho biết, Việt Nam đã đưa ra các quyết sách thống nhất trên toàn quốc được ban hành nhanh chóng và thực hiện hiệu quả. Số liệu của Chính phủ Việt Nam hoàn toàn khớp với số liệu phòng thí nghiệm của ông Thwaites phát hiện. “Nếu có sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra nhưng không được phản ánh trong số liệu của Chính phủ, tôi chắc chắn đã thấy các bệnh nhân như vậy trong bệnh viện của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thấy có tình trạng đó” - ông Thwaites xác nhận. Phòng thí nghiệm của Thwaites đã tăng công suất xét nghiệm từ 100 xét nghiệm mỗi ngày lên 1.000 test.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Y Harvard có trụ sở tại Hà Nội, ông Todd Pollack cho biết, chưa đến 10% số người được xét nghiệm dương tính với COVID-19 thuộc nhóm trên 60 tuổi - nhóm có khả năng tử vong nhiều nhất nếu mắc COVID-19. Tất cả bệnh nhân nhiễm bệnh đều được theo dõi tại các cơ sở y tế và họ đều nhận được sự chăm sóc rất tốt. Việt Nam có thể so sánh với Hàn Quốc trong việc triển khai chương trình xét nghiệm trên diện rộng, Hàn Quốc cũng duy trì tỷ lệ tử vong tương đối thấp (hiện tỷ lệ tử vong của Hàn Quốc là khoảng 2%). Nếu xem xét các yếu tố kể trên về phản ứng của Việt Nam sẽ hiểu được tại sao Việt Nam có thể tránh được các trường hợp tử vong.
Một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm và an toàn sinh học tại Trung tâm An ninh Y tế của Đại học Johns Hopkins - Krutika Kuppalli cho biết: “Việt Nam đã có những phản ứng tuyệt vời bằng việc xét nghiệm trên diện rộng, giám sát các trường hợp có nguy cơ và cách ly hiệu quả”. Hiện nay, Việt Nam vẫn tiếp tục giám sát và xét nghiệm lại các trường hợp nghi ngờ, kể cả những người xuất viện và có xét nghiệm âm tính nhiều lần hay với các nhóm người không được cách ly, nhưng có thể bị phơi nhiễm với virus.
Theo SK&ĐS