Ngày 25.4, Triều Tiên tổ chức diễu binh quy mô lớn tại thủ đô Bình Nhưỡng kỷ niệm ngày thành lập quân đội. Ngày 12.5, Triều Tiên thông báo phát hiện 2 ca nhiễm COVID-19 biến thể Omicron. Một ngày sau đã có ca tử vong đầu tiên.
Hãng thông tấn KCNA cho biết kể từ cuối tháng 4 nước này đã ghi nhận một đợt sốt không rõ nguyên nhân với khoảng 350.000 người có triệu chứng. Khoảng 187.800 người đang được cách ly điều trị.
Hình ảnh về cuộc diễu binh cho thấy có hàng nghìn người không đeo khẩu trang, không tuân thủ giãn cách tập trung, đến quảng trường Kim Nhật Thành xem binh sĩ cùng những quả tên lửa khổng lồ di chuyển qua.
Nhà nghiên cứu Hong Min thuộc Viện Thống nhất quốc gia Triều Tiên cho biết: “Hơn 20.000 người đã đến chuẩn bị từ hai tháng trước lúc sự kiện diễn ra, và họ ở lại thủ đô để chụp ảnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un”.
Bình Nhưỡng nhận thức về tình hình khá chậm. Họ chỉ tiến hành xét nghiệm COVID-19 sau khi những người tham dự cuộc duyệt binh trở về nhà.
Theo học giả Cheong Seong-chang thuộc Viện Nghiên cứu Sejong: “Việc tổ chức một cuộc duyệt binh quy tụ đông người tham dự trong lúc láng giềng Trung Quốc chật vật đối phó với biến thể Omicron cho thấy Bình Nhưỡng quá tự tin vào khả năng phòng chống dịch của họ”.
Lúc COVID-19 mới bùng phát tại Trung Quốc đầu năm 2020, Triều Tiên rất nhanh chóng đóng cửa biên giới. Chính sách cô lập nghiêm ngặt giúp nước này “sạch bóng” COVID-19 suốt hơn 2 năm.
Bình Nhưỡng thậm chí còn tổ chức diễu binh trong đêm vào tháng 9.2021 nhưng không hề ghi nhận ca nhiễm nào. Hình ảnh về sự kiện cho thấy người tham dự đều đeo khẩu trang. Nhưng rồi dường như Triều Tiên đã lơ là cảnh giác.
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên chỉ ra rằng vào thời điểm tổ chức duyệt binh lớn vào tháng 9.2021, phần lớn hoạt động di chuyển của người cùng hàng hóa đến từ hoặc đi Trung Quốc đều bị hạn chế. Nhưng đầu năm nay Bình Nhưỡng gần như nới lỏng hoàn toàn hạn chế giao thương, đây có thể là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch hiện tại.