Cuộc tập trận xảy ra 2 tháng trước của hải quân Mỹ hé lộ chiến lược mà họ áp dụng để săn lùng tàu ngầm Trung Quốc.

Mỹ và chiến thuật săn lùng tàu ngầm Trung Quốc

Cẩm Bình | 13/05/2022, 16:19

Cuộc tập trận xảy ra 2 tháng trước của hải quân Mỹ hé lộ chiến lược mà họ áp dụng để săn lùng tàu ngầm Trung Quốc.

Vào tháng 3 vừa rồi, hải quân Mỹ cùng lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản lần đầu tiên tiến hành tập trận phóng ngư lôi ở vịnh Tokyo. Từ trên không, một trực thăng MH-60R phóng ngư lôi huấn luyện xuống biển để mô phỏng cuộc tấn công nhằm vào tàu ngầm. Trước đây mọi cuộc diễn tập tương tự đều tiến hành ở vùng biển ngoài khơi San Diego (Mỹ).

Cuộc tập trận ở vịnh Tokyo diễn ra khi hải quân Mỹ âm thầm cải tổ đội hình tàu chiến đồn trú ở Nhật Bản. Họ đem đến tàu mới có khả năng tiếp cận eo biển Đài Loan gần hơn.

Kể từ mùa hè năm ngoái, 5 khu trục hạm lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường đã đến Yokosuka - căn cứ nước ngoài lớn nhất của hải quân Mỹ - thay thế tàu USS John S.McCain và USS Curtis Wilbur đồn trú đã một phần tư thế kỷ qua.

Số tàu chiến cũ tập trung vào phòng thủ trước tên lửa đạn đạo, đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhưng tàu chiến mới theo dự kiến sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn: tham gia phòng không đối phó chiến đấu cơ Trung Quốc, săn lùng tàu ngầm, phòng thủ trước tên lửa chống hạm tiên tiến, đồng thời cũng phải để mắt đến tên lửa đạn đạo.

4 trong số 5 khu trục hạm Arleigh Burke mới đến là phiên bản Flight IIA có nhà chứa máy bay trực trăng chở theo được như chiếc MH-60R vừa tham gia tập trận.

Trang bị hệ thống phóng mới, nhiều radar, ngư lôi, tên lửa chống hạm, MH-60R đủ sức tìm, theo dõi và tiêu diệt tất cả mối đe dọa dưới mặt biển. Máy bay trực thăng được xem là vũ khí chính để săn tàu ngầm đối phương, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đối phó đối thủ mạnh như Trung Quốc hay Nga.

my00.jpg
Trực thăng MH-60R đậu trên khu trục hạm USS Ralph Johnson thuộc lớp Arleigh Burke - Ảnh: US Navy

Trong cuộc tập trận ở vịnh Tokyo, MH-60R cất cánh từ nhà chứa máy bay trên đất liền. Khu trục hạm có nhà chứa máy bay trực thăng sẽ giúp chúng hoạt động xa hơn.

Trung úy Mark Langford thuộc Hạm đội 7 khẳng định: “Với khả năng chở trực thăng đến khu vực ngoài tầm với của trực thăng cất cánh từ đất liền, các tàu phiên bản Flight IIA đã mở rộng đáng kể phạm vi lẫn năng lực tác chiến chống tàu ngầm trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Một nhà phân tích Mỹ giải thích với tạp chí Nikkei Asian Review: “Điểm khác biệt chính giữa khu trục hạm Arleigh Burke phiên bản trước với khu trục hạm phiên bản Flight IIA chính là nhà chứa máy bay trực thăng. Tàu bản trước cũng có bãi đáp trực thăng và tiếp liệu cho trực thăng, nhưng không thể cho trực thăng đậu thời gian dài. Flight IIA với nhà chứa máy bay thì lại có thể tự mình điều khiển một chiếc trực thăng và luôn có một trực thăng đậu trên tàu”.

Chiếc khu trục hạm Arleigh Burke duy nhất không có nhà chứa máy bay là USS Higgins, nhưng tàu này lại sở hữu hệ thống Baseline 9 Aegis mới nhất hoạt động như lá chắn tên lửa.

Hiện có 8 chiếc khu trục hạm Arleigh Burke đồn trú tại Yokosuka, cùng với soái hạm USS Blue Ridge, tàu sân bay USS Ronald Reagan và 3 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường.

Với 13 tàu chiến Mỹ, Yokosuka được đánh giá là một trong những căn cứ chiến lược quan trọng nhất của quân đội Mỹ. Tầm quan trọng này còn tăng lên dưới thời Tổng thống Joe Biden do ông xem Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng nguy hiểm đang định thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Di chuyển từ Yokosuka đến eo biển Đài Loan mất một ngày rưỡi nếu tàu đi với vận tốc 30 hải lý/giờ, nhanh hơn đi từ Guam (gần 2 ngày), Singapore (2 ngày rưỡi), Hawaii (gần 6 ngày) hay San Diego (hơn 8 ngày).

Hải quân Mỹ còn một căn cứ ở Nhật là Sasebo thuộc tỉnh Nagasaki, nơi thậm chí còn gần Đài Loan hơn nữa. Hiện có 9 tàu chiến Mỹ đóng tại đây (5 trong số này là tàu đổ bộ cỡ lớn phụ trách đưa hàng trăm lính thủy đánh bộ ở Okinawa ra chiến trường).

my01.jpg
Hai khu trục hạm lớp Arleigh Burke tại Yokosuka tháng 9.2021 - Ảnh: US Navy

Trong quá khứ, Mỹ từng phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ khi gia tăng hiện diện quân sự tại Nhật. Hàng trăm người đã tập trung biểu tình phản đối lúc tàu sân bay hạt nhân USS George Washington đến Yokosuka.

Nhưng một số căng thẳng tại khu vực gần đây đã làm thay đổi dư luận. Trong một cuộc thăm dò do Nikkei Asian Review thực hiện tháng 4 năm ngoái, 74% người được hỏi tỏ ý ủng hộ Nhật Bản can dự việc theo đuổi hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Hải quân Trung Quốc đã vượt hải quân Mỹ về số lượng tàu. Trong khi Bắc Kinh triển khai nhiều tàu chiến uy lực nhất đến gần eo biển Đài Loan, Washington không đủ nguồn lực để mở rộng hạm đội cho ngang bằng với đối thủ châu Á. Thay vào đó, họ hoạt động cùng các đối tác và đồng minh trong khu vực.

Điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 3.5, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley khẳng định điều quan trọng hơn số lượng là phải đảm bảo các tàu hiện có ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, có nhân lực, được huấn luyện và trang bị. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ có điều mà Trung Quốc không có: đối tác và đồng minh mạnh, chẳng hạn lực lượng phòng vệ Nhật, hải quân Úc…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ và chiến thuật săn lùng tàu ngầm Trung Quốc