Nhiều gia đình không đủ khả năng trang bị thiết bị cho con em học trực tuyến. Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời các em.

Cử tri đề nghị hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn

Lam Thanh | 23/11/2021, 18:01

Nhiều gia đình không đủ khả năng trang bị thiết bị cho con em học trực tuyến. Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời các em.

Báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện tháng 9, 10 của Quốc hội, cho biết cử tri dành nhiều sự quan tâm trong việc thực hiện các biện pháp hành chính trong phòng chống dịch COVID-19. Trong đó nổi bật là việc đi lại, lưu thông hàng hóa.

Một bộ phận người dân vẫn còn lo lắng về tình hình quản lý người từ các tỉnh khác trở về, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở doanh nghiệp thực hiện 4 tại chỗ...

dtb.jpg
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình

Cử tri cũng kiến nghị tăng cường hơn nữa giám sát việc trang bị và mua sắm các trang thiết bị y tế; việc chỉ định điều trị trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện…

Hiện việc tổ chức dạy và học của các em học sinh chủ yếu là trực tuyến. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nhiều gia đình không đủ khả năng trang bị thiết bị cho con em học trực tuyến, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương cần quan tâm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời trong việc học của các em.

Ban Dân nguyện cũng cho biết tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, thu hồi đất tuy gần đây có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và tạo thành điểm nóng sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp về ô nhiễm môi trường, đất đai, cưỡng chế giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án điện gió chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc cho người dân.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên việc tổ chức tiếp công dân của các đoàn đại biểu quốc hội bị ảnh hưởng; số buổi tiếp công dân của các đoàn có giảm nhiều so với chương trình, kế hoạch đề ra; thậm chí nhiều đoàn có thời điểm đã phải tạm dừng không tổ chức tiếp công dân trực tiếp.

Ngoài ra, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân vẫn chủ yếu là xem xét, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu được thông qua hình thức xem xét, đánh giá báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa tổ chức giám sát được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 và cho rằng công tác dân nguyện liên quan đến dân, Quốc hội gắn với dân là rất tốt.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao kết quả tiếp nhận, xử lý ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ nhất. Đến nay, đã có 306/536 kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ 57,1%. Số còn lại đang được các cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của các đoàn đại biểu quốc hội đã được thực hiện có nề nếp. Trong tháng 9 và tháng 10 các đoàn đại biểu quốc hội đã tiếp nhận tổng số 1.349 đơn thư. Trong đó có 236 khiếu nại, 129 tố cáo, còn lại là 299 kiến nghị, phản ánh; số đơn thư trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, không ký tên, đơn không rõ nội dung được xếp lưu theo dõi là 608 đơn.

vdh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Trong số 728 đơn đủ điều kiện xử lý, các đoàn đại biểu quốc hội đã chuyển 500 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 163 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân; đã nhận được 171 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các báo cáo kết quả giám sát kỳ trước cũng có tác động tích cực.

Cụ thể, ngày 5.11.2021, Văn phòng Chính Phủ đã có văn bản số 8105/VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với 32 vụ việc, qua theo dõi việc thực hiện kiến nghị giám sát, đến nay các cơ quan chức năng đã giải quyết được 12 vụ việc, còn 20 vụ việc đang xem xét, giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rút kinh nghiệm trong công tác dân nguyện, rà soát lại quy chế làm việc, phân công; nên lựa chọn các vụ việc có tính chất phức tạp, đại diện để tập trung giải quyết, chú ý cách thức phân loại đơn thư.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khi đơn thư chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì giám sát việc giải quyết đơn này như thế nào? Ngoài ra, cần có hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm để quản lý, theo dõi vấn đề này.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện có tham mưu, làm việc với các đoàn giám sát, thống kê, kiểm đếm các vụ việc của Trung ương, các tỉnh, thành phố và các bộ ngành. Đồng thời lập danh mục, phân loại các vụ việc và cần có kết quả giải quyết các vụ việc, trách nhiệm giải quyết thuộc về cấp nào, không thể chung chung.

Bài liên quan
Trợ giúp máy tính, cước internet cho học sinh hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến
Thủ tướng yêu cầu tổ chức chương trình hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; hỗ trợ giá cước viễn thông, internet cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn để tham gia học trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử tri đề nghị hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn