Ứng cử viên vắc xin Soberana 2 cho thấy hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 đạt 62% với 2 trong số 3 liều của nó.
BioCubaFarma, tập đoàn dược phẩm sinh học nhà nước Cuba, vừa cho biết thông tin này, trích dẫn dữ liệu sơ bộ từ các thử nghiệm giai đoạn cuối.
Với lĩnh vực công nghệ sinh học đã xuất khẩu vắc xin trong nhiều thập kỷ, Cuba có 5 ứng cử viên vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó hai vắc xin Soberana 2 và Abdala đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối.
Sau khi tiêm 2 liều (trong 3 liều), Soberana 2 có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 đạt 62%.
Vicente Vérez, Giám đốc Viện Vắc xin Finlay, đơn vị phát triển Soberana 2, cho biết: “Trong vài tuần nữa, chúng tôi sẽ có kết quả về hiệu quả với 3 liều mà chúng tôi mong đợi sẽ vượt trội hơn”.
Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh hòn đảo lớn nhất Caribe đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu sau sự xuất hiện của nhiều biến thể dễ lây lan hơn, lập kỷ lục mới về các ca nhiễm coronavirus mới hàng ngày.
Cuba đã chọn không nhập khẩu vắc xin nước ngoài mà dựa vào vắc xin của chính mình. Các chuyên gia cho rằng đây là sự đánh cược mạo hiểm, nhưng nếu thành công, Cuba có thể đánh bóng danh tiếng khoa học của mình, tạo ra nhiều tiền thông qua xuất khẩu và tăng cường hoạt động tiêm chủng vắc xin trên toàn thế giới.
“Chúng tôi biết chính phủ của chúng tôi đã không thể cung cấp cho dự án này tất cả các khoản kinh phí cần thiết, và dù sao đây là kết quả của vị thế toàn cầu”, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba, Miguel Diaz-Canel, nói tại buổi giới thiệu kết quả vắc xin trên truyền hình nhà nước.
Một số quốc gia từ Argentina, Jamaica đến Mexico và Venezuela đã bày tỏ mong muốn mua vắc xin của Cuba. Soberana 2 được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở Iran vào đầu năm nay.
Các nhà chức trách Cuba đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin thử nghiệm hàng loạt như một phần của "nghiên cứu can thiệp" mà họ hy vọng sẽ làm chậm sự lây lan COVID-19.
Theo dữ liệu chính thức, các ca mắc COVID-19 hàng ngày đã giảm một nửa ở thủ đô Havana của Cuba kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin, dù điều đó cũng có thể do các biện pháp phong tỏa chẽ hơn.
Đến nay, Cuba ghi nhận 166.368 ca mắc COVID-19 với 1.148 người chết và 157.285 trường hợp khỏi bệnh.
Cuba sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Abdala
cho Việt Nam
Chiều tối 16.6.2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc trực tuyến với ông Jose Angel Portal Miranda, Bộ trưởng Bộ Y tế nước Cộng hoà Cuba; lãnh đạo của Trung tâm Kỹ thuật Gene và Công nghệ sinh học Cuba (CIGB), Tập đoàn Dược – Sinh học Cuba (BioCubaFarma) về vấn đề cung ứng vắc xin phòng COVID-19 do Cuba sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất, đóng ống vắc xin này tại Việt Nam.
Phía Cuba cho biết vắc xin Abdala của họ đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1, thử nghiệm trên 123 người; giai đoạn 2 thử nghiệm trên 660 người và giai đoạn 3 trên 48.000 người trong độ tuổi từ 19-80 tuổi.
Các kết quả thử nghiệm giai đoạn này cho thấy vắc xin Abdala có khả năng ngăn chặn các loại biến thể của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vắc xin này chưa được thử nghiệm lâm sàng trên người ở bất kỳ quốc gia nào.
Bộ trưởng Jose Angel Portal Miranda cho biết Bộ Y tế Cuba thường xuyên kiểm tra các giai đoạn, các bước và đã đánh giá tất cả các giai đoạn lâm sàng của quá trình thử nghiệm, đồng thời thường xuyên làm việc với các đơn vị sản xuất vắc xin để thúc đẩy tiến độ sản xuất, nhưng phải đảm bảo mọi công đoạn sản xuất tuân thủ đúng quy trình.
Về năng lực sản xuất vắc xin Abdala, Cuba cho biết có thể sản xuất khoảng 100 triệu liều/năm và Cuba chỉ sử dụng khoảng 30 triệu liều cho thị trường trong nước (dân số Cuba hơn 11,317 triệu).
Phía Cuba bày tỏ sẵn sàng ký kết hợp tác với Việt Nam về cung ứng vắc xin Abdala, đồng thời hợp tác với nước ta để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin này. Nếu Việt Nam có nhu cầu về vắc xin lớn hơn số vắc xin Cuba đang sản xuất, Cuba sẽ mở thêm 2 xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi lời chúc mừng Cuba đã đạt được những thành tựu trong việc bào chế vắc xin phòng COVID-19 để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của Cuba, đồng thời góp phần cùng thế giới ngăn chặn COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn thiện chí của Cuba trong hợp tác với Việt Nam. Bộ Y tế Việt Nam hoàn toàn ủng hộ hợp tác này và giao cho Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) là đơn vị đầu mối trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin Abdala.
“Về khả năng mua vắc xin, trên cơ sở trao đổi và khả năng và nhu cầu, Bộ Y tế sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để quyết định số lượng cần mua”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói tại buổi làm việc.
Bộ trưởng cũng thông tin về 2 ứng viên vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 3, trong đó vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 3 có sự tương đồng về công nghệ với vắc xin Abdala.
Phía Cuba bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hợp tác và khẳng định hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để thành công trong việc hợp tác này.
Thông tin về vắc xin Abdala
- Kết quả bước đầu thử nghiệm lâm sàng cho thấy Abdala có khả năng ngăn chặn được các loại biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tìm thấy ở châu Phi và Brazil, có độ an toàn cao, độ miễn dịch tốt.
- Vắc xin sẽ được tiêm 3 mũi, khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 14 ngày.
- Có thể bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 2-8 độ C.