Ưu tiên trong đầu tư xây dựng hệ thống thông tin môi trường hướng tới phát triển Chính phủ số trong lĩnh vực môi trường…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, chuyên gia có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Dự thảo Tờ trình Chính phủ.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án…
Lần đầu tiên, Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về Bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội.
Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm có 13 chương, 197 điều và các Phụ lục. Trong đó, có chương 9 quy định về “Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường”. Nội dung của chương này tập trung quy định về hoạt động quản lý thông tin môi trường và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với nội dung về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, Dự thảo Nghị định quy định các định hướng, ưu tiên trong đầu tư xây dựng hệ thống thông tin môi trường hướng tới phát triển Chính phủ số trong lĩnh vực môi trường.
Đảm bảo hoạt động của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường các cấp; yêu cầu đối với cơ sở dữ liệu môi trường; trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin dữ liệu; việc kết nối, chia sẻ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu môi trường; quy định về vận hành quản lý cơ sở dữ liệu môi trường.
Trong Chương 2 - Bảo vệ các thành phần môi trường (có 17 điều) với các mục liên quan đến Bảo vệ môi trường nước, Bảo vệ môi trường không khí, Bảo vệ môi trường đất và Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
Về bảo vệ môi trường nước, Dự thảo Nghị định quy định nội dung, trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh và sông, hồ nội tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; mối liên hệ của kế hoạch với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia…
Về bảo vệ môi trường không khí, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh…
Đặc biệt, Dự thảo Nghị định cũng đã quy định cụ thể việc thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cũng như việc xác định môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp liên vùng, liên tỉnh và cấp tỉnh.
Đối với nội dung “Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực”, Dự thảo có đề cập tới quy định các vấn đề về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, trong đó quy định cụ thể các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, lấy ý kiến về cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường đối với công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc mục đích khác…
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định đã quy định nội dung bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực, hoạt động như làng nghề; mai táng, hỏa táng; cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; bảo vệ môi trường đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy…