Tiếp sau động thái yêu cầu 4 ngân hàng lớn dừng việc tăng mức thu phí rút tiền ATM nội mạng của Ngân hàng Nhà nước, mới đây Cục Cạnh tranh cũng đã yêu cầu các ngân hàng báo cáo về sự việc.
Chiều 12.7, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phát đi thông báo cho biết, trong những ngày qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh bốn ngân hàng lớn gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đã đồng loạt thông báo tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM từ mức 1.000 đồng lên 1.650 đồng (đã bao gồm thuế GTGT) bắt đầu từ ngày 15.7.2018.
Với mục đích phục vụ công tác giám sát và quản lý cạnh tranh, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, ngày 11.7.2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có văn bản đề nghị các ngân hàng nêu trên cung cấp thông tin, tài liệu liên quan bao gồm thông tin về việc triển khai dịch vụ ATM của từng ngân hàng, thông tin về mức phí, các lần tăng phí rút tiền qua ATM (cả nội mạng và ngoại mạng) trong thời gian 2 năm (từ ngày 1.7.2016 đến nay).
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết sẽ giám sát chặt chẽ để kịp thời có các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm sự tuân thủ Luật Cạnh tranh của mọi doanh nghiệp trên các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó lĩnh vực ngân hàng.
Sau khi 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống gồm Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng từ ngày 15.7 lên 1.650 đồng/giao dịch (đã gồm VAT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải lần thứ hai yêu cầu tạm dừng kế hoạch này để xem xét lợi ích giữa các bên, cân nhắc lại lợi ích các bên và có thời gian thông tin, giải thích cho khách hàng, không tăng phí ồ ạt khi chưa đạt sự đồng thuận.
Theo số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 77 triệu thẻ ngân hàng các loại, trong đó khoảng 70 triệu thẻ ATM. Trong đó cả Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đang chiếm khoảng 63% thị phần thẻ ATM hoạt động trên thị trường. Nếu kế hoạch tăng phí được áp dụng sẽ có khoảng 49 triệu thẻ bị ảnh hưởng.
Đáng nói là từ đầu năm đến nay, không chỉ phí rút tiền ATM nội mạng được các ngân hàng kế hoạch tăng mà nhiều loại phí dịch vụ khác đã được điều chỉnh tăng như Mobile Banking, Internet Banking hay Bankplus…
Theo quy định tại Điều 9, Luật Cạnh tranh hiện hành, thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bị cấm khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm theo Điều 8, Nghị Định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21.7.2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm luật trong lĩnh vực cạnh tranh hoặc bị xem xét xử lý hình sự theo điều 217, Bộ Luật hình sự năm 2015 tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
A.Thư