Cuộc chiến giá cả khốc liệt giữa các nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc trong sự kiện mua sắm Ngày độc thân đang bộc lộ nhu cầu yếu trong tiêu dùng hộ gia đình và làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục xuống dốc.

Cuộc chiến giá cả trong lễ hội mua sắm Ngày độc thân phơi bày nỗi lo của người Trung Quốc

Sơn Vân | 10/11/2023, 22:05

Cuộc chiến giá cả khốc liệt giữa các nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc trong sự kiện mua sắm Ngày độc thân đang bộc lộ nhu cầu yếu trong tiêu dùng hộ gia đình và làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục xuống dốc.

Ban đầu là một sự kiện mua sắm trực tuyến kéo dài 24 giờ ở Trung Quốc được tổ chức vào ngày 11.11, Ngày độc thân đã mở rộng thành các tuần khuyến mãi, gồm cả tại những cửa hàng truyền thống, khiến đây trở thành lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới.

Lễ hội năm nay đang được theo dõi chặt chẽ hơn bao giờ hết như một thước đo niềm tin của người tiêu dùng khi Trung Quốc đang cố gắng giảm phát và xác định việc thúc đẩy nhu cầu hộ gia đình là chìa khóa để tránh giai đoạn tăng trưởng kinh tế yếu kéo dài.

Trên Taobao và Tmall, hai nền tảng thuộc sở hữu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, người tiêu dùng có thể được giảm giá 50 nhân dân tệ (6,86 USD) khi chi 300 nhân dân tệ. Alibaba đang thúc ép các thương nhân đưa ra mức giá thấp nhất trong Ngày độc thân sau khi hứa sẽ cung cấp 80 triệu sản phẩm với mức giá thấp nhất trong năm nay cho đợt giảm giá bắt đầu từ cuối tháng 10.

Nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo và JD.com cho biết sẽ cung cấp hàng tỉ giao dịch hoàn lại tiền trong thời gian bán hàng, cho những người mua sắm trên nền tảng tương ứng của họ.

Phương thức quảng cáo chính của Tmall cho Ngày độc thân từ lâu là "giảm giá tại nhiều cửa hàng trong khi chi tiêu tối thiểu", nói cách khác là thúc giục người dân mua sắm nhiều hơn để tiết kiệm nhiều hơn. Năm nay, Tmall nhấn mạnh rằng đưa ra "mức giá thấp nhất trong số tất cả các nền tảng".

Slogan của JD.com năm nay ngắn gọn và trực tiếp: "Thực sự rẻ". Công ty thậm chí còn cho biết: "Giá thấp đã ăn sâu vào DNA của JD".

Nền tảng video ngắn Douyin và Kuaishou cùng nền tảng về phong cách sống Xiaohongshu đều yêu cầu các bên cung ứng đưa ra mức giá thấp cho họ, thậm chí thấp hơn so với các nền tảng khác.

Jason Yu, Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết: “Giá thấp và chiết khấu là chủ đề bao trùm”, đồng thời lưu ý rằng ngay cả dòng iPhone 15 cũng được bán với mức chiết khấu 500 nhân dân tệ.

"Đó là dấu hiệu cho thấy không phải ai có thể dễ dàng chi 10.000 nhân dân tệ (1.371 USD) cho một chiếc điện thoại vào lúc này. Niềm tin đang hơi yếu", Jason Yu nói.

Jacob Cooke, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn thương mại điện tử WPIC Marketing+Technology có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, nói trọng tâm của năm nay về giảm giá trên khắp các nền tảng cho thấy "sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt để giành người tiêu dùng".

“Sẽ chính xác khi nói rằng người tiêu dùng hiện nay tương đối quan tâm đến giá cả. Song thực tế phức tạp hơn, khi một số nhóm người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu ở một số danh mục nhất định nhưng lại tăng chi tiêu ở những danh mục khác. Trong chiến lược đưa ra cho các đối tác thương hiệu của mình, chúng tôi thực sự không mong muốn thấy cuộc đua đưa giá xuống đáy, bởi người tiêu dùng vẫn rất tập trung vào chất lượng sản phẩm và thương hiệu, đồng thời tìm cách nâng cao mức tiêu thụ của họ ở một số khu vực khác", ông nói thêm.

cuoc-chien-gia-ca-trong-le-hoi-mua-sam-o-trung-quoc-phoi-bay-noi-lo-cua-nguoi-tieu-dung.jpg
Cuộc chiến giá cả khốc liệt giữa các nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc trong sự kiện mua sắm Ngày độc thân đang bộc lộ nhu cầu yếu trong tiêu dùng hộ gia đình - Ảnh: Internet

Dữ liệu công bố hôm 9.11 cho thấy giá tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19 đã làm tăng thêm nghi ngờ về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau vài tháng qua thì các chỉ số cho thấy tăng trưởng ổn định.

Các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn của Trung Quốc đã không công bố số liệu bán hàng cuối cùng cho năm 2022, khi những nhà phân tích nói hạn chế do COVID-19 đã hạn chế chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng. Không rõ liệu họ có công bố số liệu cho năm 2023 hay không, nhưng mong đợi về con số là không cao và điều này có lý do chính đáng.

Công ty tư vấn quản lý Bain và Company nhận thấy rằng 77% trong số 3.000 người tiêu dùng được khảo sát có kế hoạch cắt giảm hoặc duy trì mức chi tiêu cho Ngày độc thân so với năm ngoái.

Bain và Company nói: “Những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô đang khiến người tiêu dùng có ý thức hơn về tiền chi tiêu”.

Một số chỉ số cho thấy doanh số bán hàng trong Ngày độc thân đang chậm lại. Nhà cung cấp dữ liệu Syntun ước tính các nền tảng thương mại điện tử đã bán được 311 tỉ nhân dân tệ giá trị sản phẩm từ ngày 31.10 đến ngày 3.11, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, Syntun cho biết Douyin, Diantao và Kuaishou đã tăng doanh số bán hàng 10,5%, ở mức 99 tỷ nhân dân tệ, giúp giảm bớt phần nào sự suy giảm trong ngành công nghiệp mua sắm trực tuyến.

Các nhà phân tích khác lạc quan hơn. Jacob Cooke dự kiến ​​tổng tăng trưởng doanh số bán hàng trong Ngày độc thân năm nay là từ 14% đến 18% và "lạc quan rằng việc tăng trưởng của Trung Quốc đang ổn định".

“Nền kinh tế có thể trải qua sự suy giảm lần thứ ba

Sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, nơi phần lớn tài sản của hộ gia đình được cất giữ, chính quyền địa phương cắt giảm chi tiêu, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vượt quá 20% và tiền lương giảm ở một số lĩnh vực của nền kinh tế khiến người tiêu dùng muốn tiết kiệm.

Nhập khẩu tăng bất ngờ trong tháng 10 đã làm tăng hy vọng rằng chi tiêu có thể thay đổi, nhưng sự giảm phát cho thấy giá hàng hóa có thể tăng cao trước đó là lý do đằng sau.

Cùng với các báo cáo sản xuất yếu kém và nhu cầu bên ngoài suy yếu, áp lực giá tiêu dùng khiến Trung Quốc mất đà tăng trưởng vào cuối năm 2023.

Các nhà phân tích của tập đoàn thương mại Nomura viết trong một ghi chú: “Chúng tôi tiếp tục nhận thấy nguy cơ nghiêm trọng về việc nền kinh tế Trung Quốc có thể trải qua sự suy giảm lần thứ ba”.

Với Tan Jiapeng - nhân viên văn phòng 35 tuổi ở thủ đô Bắc Kinh, món hàng duy nhất anh mua trong Ngày độc thân đến nay là áo khoác mùa đông Descente. Đây là một món đồ “thiết yếu” cho mùa đông. Lo lắng về sự ổn định của công việc, Tan Jiapeng dừng mua game Pokemon trên smartphone, sữa dưỡng thể và rượu Moutai, tất cả những thứ anh mong muốn.

Tan Jiapeng nói: “Ai cũng biết thời nay tìm việc khó đến mức nào, ngay cả với những người trẻ, nhận lương thấp hơn. Nền kinh tế đang xuống dốc, tôi không thể chi tiêu thoải mái như trước được nữa”.

Bài liên quan
Google đình chỉ ứng dụng của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc vì tìm ra phần mềm độc hại
Hôm 20.3, Google thông báo gắn cờ một số ứng dụng do Pinduoduo tạo ra là độc hại, cảnh báo những người đã cài đặt chúng và đình chỉ ứng dụng chính thức của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến giá cả trong lễ hội mua sắm Ngày độc thân phơi bày nỗi lo của người Trung Quốc