Cả Nga và Ukraine, sau gần ba năm xung đột, đều tỏ ra không sẵn sàng nhượng bộ hay vội vàng tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Theo Wall Street Journal, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều thể hiện lập trường cứng rắn về việc duy trì chiến lược lâu dài, dù phải đối mặt với áp lực nội bộ và quốc tế ngày càng gia tăng.
Nga đặt mục tiêu chiến lược lâu dài
Trong sự kiện truyền hình diễn ra vào ngày 19.12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định rằng Nga không có ý định chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine sớm, đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow vẫn đang "tiến lên từng bước" trên chiến trường. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Nga đối mặt với tổn thất tại Ukraine, khi tháng 11 vừa qua được đánh giá là thời điểm khó khăn nhất đối với quân đội Nga kể từ khi xung đột bắt đầu, theo nhận định của phương Tây.
Ông Putin nhấn mạnh rằng quân đội Nga đang từng bước giành được lãnh thổ mỗi ngày, bất chấp áp lực ngày càng gia tăng từ chiến trường cũng như các khó khăn kinh tế trong nước. Ông cáo buộc Ukraine thiếu thiện chí trong việc tham gia đàm phán hòa bình. "Chúng tôi luôn sẵn sàng đàm phán, nhưng Ukraine thì không", ông Putin khẳng định, cho rằng Kyiv chỉ là một công cụ trong kế hoạch của phương Tây nhằm làm suy yếu Nga.
Nhà lãnh đạo Nga tiếp tục chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tuyên bố rằng nhiệm kỳ của ông Zelensky đã kết thúc và ông không còn là lãnh đạo hợp pháp của Ukraine. Theo quan điểm của ông Putin, Ukraine cần tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới để hợp thức hóa quyền lãnh đạo, và Moscow sẵn sàng đàm phán với người thắng cử, dù đó có là ông Zelensky. Tuy nhiên, kế hoạch bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 31.3 tại Ukraine đã bị tạm hoãn do tình trạng thiết quân luật.
Đáng chú ý, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga sẽ sẵn sàng cấp quyền tị nạn chính trị cho Zelensky nếu ông quyết định rời khỏi Ukraine. "Chúng tôi không từ chối ai, kể cả ông Zelensky", ông Putin nói, nhưng cũng ngầm ám chỉ rằng phương Tây có thể sẽ bảo đảm sự an toàn cho nhà lãnh đạo Ukraine.
Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trước đó đã cam kết sẽ đạt được hòa bình nhanh chóng tại Ukraine, thậm chí tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.2025. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng việc đạt được hòa bình sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt khi Nga kiên quyết duy trì chiến lược hiện tại và tin rằng họ đang có lợi thế.
Putin cho biết ông sẵn sàng gặp hoặc nói chuyện với ông Trump bất cứ lúc nào, nhưng lưu ý rằng hai nhà lãnh đạo đã không liên lạc trong suốt 4 năm qua. Ông cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực hòa giải nào của Trump đều sẽ gặp phải trở ngại lớn, bao gồm sự bất đồng sâu sắc về lợi ích giữa các bên liên quan.
Ukraine quyết không nhượng bộ
Trong khi đó, trong một tuyên bố ngày 18.12, Tổng thống Zelensky cũng không vội vã tìm kiếm hòa bình bằng bất cứ giá nào. Ông cho biết Ukraine chỉ sẵn sàng đàm phán nếu có thể đạt được "vị thế mạnh mẽ", điều mà ông nhấn mạnh chỉ có thể thực hiện được khi Ukraine trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Zelensky cũng cảnh báo rằng việc đóng băng xung đột ở giai đoạn hiện tại sẽ tạo cơ hội cho Nga tái tổ chức lực lượng và tấn công Ukraine trong tương lai. Nhà lãnh đạo Ukraine kiên quyết từ chối bất kỳ thỏa thuận nào đòi hỏi Ukraine nhượng lại các vùng lãnh thổ đã bị Nga sáp nhập, bao gồm Crimea và Donetsk.
“Hiến pháp Ukraine không cho phép chúng tôi làm điều đó”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng Ukraine hiện không có đủ sức mạnh để giành lại các vùng lãnh thổ này.
Trong tuyên bố ngày 19.12, ông Zelensky cũng đã chỉ trích Tổng thống Nga về lời đe dọa phóng tên lửa siêu thanh Oreshnik vào Kyiv, theo Kyiv Independent.
"Mọi người đang thiệt mạng, và ông ấy nghĩ điều đó thú vị sao?", ông Zelensky đáp trả, đồng thời cũng bác bỏ đề xuất hòa bình từ các cuộc đàm phán Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2022 giữa Ukraine và Nga, gọi đây là "trò lừa bịp". Theo ông, Nga chỉ muốn buộc Ukraine đầu hàng, đóng băng xung đột và từ bỏ độc lập để chuyển sang sự kiểm soát của Moscow.
Ông Zelensky nhấn mạnh: "Đây không phải là một thỏa thuận hòa bình mà là giấc mơ viển vông". Phát biểu của ông thể hiện rõ lập trường cứng rắn của Ukraine trong việc bảo vệ chủ quyền và độc lập trước áp lực từ Nga.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây tuyên bố ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.2025. Theo các nguồn tin, ông Trump có ý định thuyết phục Ukraine "đóng băng" xung đột theo ranh giới hiện tại và bắt đầu các cuộc đàm phán với Moscow.
Tuy nhiên, ông Zelensky bác bỏ khả năng đạt được thỏa thuận bất lợi. Ông cho biết: "Ông Trump thực sự muốn hành động nhanh chóng, nhưng ông ấy vẫn chưa vào Nhà Trắng và không thể tiếp cận mọi thông tin. Ông ấy hiểu rõ mong muốn kiên định của tôi là bảo vệ độc lập của Ukraine".
Chiến lược quân sự: Nga tăng cường sức mạnh, Ukraine kiên cường phản công
Nga tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu quân sự, dự kiến đạt 130 tỉ USD vào năm tới, tương đương hơn 6% GDP. Moscow cũng nói về việc sử dụng tên lửa Oreshnik mới, được quảng bá là "không thể ngăn chặn" và là niềm tự hào quân sự của Nga.
Trong nước, Nga đang đối mặt với những thách thức kinh tế đáng kể. Lạm phát gia tăng và tình trạng thiếu hụt lao động đang tạo áp lực lên nền kinh tế vốn đã bị tổn thương bởi chi phí chiến tranh khổng lồ. Ngân hàng trung ương Nga dự kiến sẽ tăng lãi suất từ mức cao nhất hiện nay là 21% để chống lạm phát, nhưng điều này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Tổng thống Putin thừa nhận rằng "Nga đang gặp một số rắc rối với lạm phát", song ông vẫn khẳng định nền kinh tế “vẫn ổn định”.
Ở phía Ukraine, Kyiv đã tăng cường các chiến dịch phản công sâu vào lãnh thổ Nga với sự hỗ trợ của các tên lửa tầm xa từ phương Tây. Những cuộc tấn công này đã gây tổn thất cho Moscow, bao gồm vụ ám sát một tướng Nga ngay tại Moscow vào tuần qua, nhấn mạnh chiến lược leo thang của Kyiv.
Cả Nga và Ukraine đều tỏ ra không vội vàng kết thúc chiến tranh, mỗi bên đều tin rằng chiến lược của mình sẽ mang lại lợi thế lâu dài. Đối với Moscow, xung đột là cơ hội để củng cố vị thế Nga như một cường quốc toàn cầu, bất chấp những tổn thất. Với ông Kyiv, đây là cuộc chiến bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ là một bài kiểm tra về quân sự mà còn là cuộc chiến về ý chí chính trị và khả năng ngoại giao. Khi cả hai bên đều không sẵn sàng nhượng bộ, tương lai của cuộc chiến vẫn còn nhiều ẩn số, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ tiếp tục định hình cục diện chính trị toàn cầu trong nhiều năm tới.