Thương trường như chiến trường. Hai nền kinh tế số 2 và số 3 thế giới (Trung Quốc và Nhật) đang trong thế đối đầu lớn tại một thị trường xa xôi nhưng đầy tiềm năng là châu Phi.
Đã từ nhiều năm nay, Trung Quốc dần xây dựng được vị trí là một trong những quốc gia đầu tư lớn nhất vào châu Phi, mà điển hình nhất là khoản cam kết cho vay lên tới 60 tỉ USD vào lục địa đen trong vòng 3 năm tới của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nam Phi vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới tại châu Phi đang gặp phải một sự thách thức không hề nhỏ, và thách thức đó lại đến từ nền kinh tế số 3 thế giới là Nhật Bản, khi đất nước mặt trời mọc cũng đang có nhu cầu rất lớn mở rộng đầu tư ra nước ngoài như một giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Châu Phi là một thị trường đầy tiềm năng để đầu tư của các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, và trong tương lai gần nó sẽ là địa điểm cho một cuộc đối đầu lớn về cạnh tranh kinh tế giữa hai quốc gia châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc.
Một cam kết có vai trò quan trọng vừa được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra tại hội nghị các nhà lãnh đạo châu Phi tại thủ đô Nairobi của Kenya, theo đó Nhật Bản sẽ cam kết một gói hỗ trợ trị giá 30 tỉ USD vào nền kinh tế các quốc gia châu Phi trong vòng 3 năm tới. Vị thủ tướng Nhật Bản thậm chí còn tuyên bố một cách đầy tự tin rằng nước này hoàn toàn có thể trở thành đối tác kinh tế lớn nhất với các nước châu Phi và qua mặt hai nhà đầu tư lớn khác tại lục địa đen là Trung Quốc và Mỹ. Đây được xem là bước đi tiếp theo trong chiến lược mở rộng đầu tư kinh tế tại các thị trường tiềm năng nhất trên thế giới của Nhật Bản, cách đây vài tháng một gói hỗ trợ có trị giá tương đương cũng đã được Nhật Bản cam kết với Ấn Độ.
Khi nền kinh tế có tới 60% tăng trưởng hằng năm là dựa vào tiêu dùng nội địa của Nhật Bản đang có dấu hiệu chững lại vì giảm phát và dân số già hóa, thì rõ ràng việc tăng cường đầu tư ra nước ngoài có thể trở thành đòn bẩy tăng trưởng cho kinh tế Nhật, khi nó sẽ giúp tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều, và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Nhật. Hiện tại kim ngạch thương mại song phương giữa Nhật Bản và các nước châu Phi vẫn còn khá khiêm tốn, đạt khoảng 20 tỉ USD vào năm 2015, trong đó xuất khẩu của các nước châu Phi đến Nhật chỉ đạt 8,5 tỉ USD trong khi chiều ngược lại là 11,6 tỉ USD. Con số này còn ít hơn kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nhật Bản và một nền kinh tế đang phát triển như Indonesia hay Việt Nam.
Tuy vậy, sẽ không dễ để Nhật Bản có thể qua mặt Trung Quốc trong việc cạnh tranh và tăng cường ảnh hưởng về kinh tế tại châu Phi. Trong số các nền kinh tế đang có tỷ trọng đầu tư lớn nhất tại châu Phi, thì tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của Trung Quốc là lớn nhất. Kể từ năm 2003 đến nay, vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nước châu Phi thuộc tiểu vùng Sahara đã tăng gấp 40 lần, đỉnh điểm là cam kết gói đầu tư trị giá lên tới 60 tỉ USD của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào nền kinh tế châu Phi diễn ra cuối năm ngoái. Trong khi đó, số vốn mà Nhật Bản đầu tư vào nền kinh tế các nước châu Phi trong vòng 23 năm qua mới chỉ đạt tổng cộng khoảng 47 tỉ USD. So với Nhật Bản hay Mỹ, thì Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận và mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại châu Phi do khoảng cách phát triển không quá lớn. Trong đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất của các quốc gia châu Phi, tổng kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu thô của các nước này đã tăng gấp 5 lần kể từ khi làm ăn với Trung Quốc. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cũng xâm nhập thị trường châu Phi vốn có thu nhập thấp, thuận lợi hơn nhiều so với hàng hóa của các nước phát triển như Mỹ hay Nhật. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang là một trong những chủ nợ lớn nhất tại châu Phi, khi tỷ lệ nợ Trung Quốc của các nước châu Phi vùng hạ Sahara đã tăng từ mức 2% năm 2005 lên tới 15% năm 2012.
Nhưng, không phải là không có những kẽ hở để Nhật Bản khai thác trong cuộc tranh giành ảnh hưởng kinh tế với Trung Quốc tại châu Phi. Khi Trung Quốc tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tiêu thụ nội địa nhiều hơn, đồng thời nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô cũng giảm mạnh, đang là lý do khiến cho ảnh hưởng kinh tế của nước này ở châu Phi sụt giảm, bất chấp những khoản đầu tư lớn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, dòng vốn đầu tư nước này rót vào châu Phi giảm tới 45,9% trong quý 1/2015 so với cùng kỳ. Rõ ràng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, và các nhà đầu tư nước này không còn dư dả và buộc phải chọn lựa các đối tượng dễ sinh lời hơn chủ yếu ở châu Âu và Mỹ, thì đầu tư vào châu Phi sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, việc các nước châu Phi duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 5-6% trong vòng 20 năm qua cũng khiến cho nhu cầu và tiêu chuẩn xuất nhập khẩu của khu vực này thay đổi khá nhiều, từ chỗ chuộng hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sang các loại sản phẩm có chất lượng và giá cả cao hơn.
Trên khía cạnh này thì Nhật Bản đang có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trong việc cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế tại châu Phi. Nền kinh tế quốc nội đã bão hòa buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài như giải pháp để tăng trưởng kinh tế, trong khi đó Trung Quốc hiện lại đang bước vào giai đoạn tăng trưởng dựa trên tiêu dùng nội địa và giảm đầu tư ra nước ngoài. Việc liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ phát triển kinh tế lên tới hàng chục tỉ USD cho các thị trường lớn như Đông Nam Á, Ấn Độ và giờ đây là châu Phi, chính phủ Nhật Bản dường như đang không giấu diếm ý định tạo ra một tuyến kết nối về trao đổi thương mại khổng lồ nối liền châu Phi với các thị trường lớn châu Á, trong đó Nhật Bản giữ vai trò trung tâm – một con đường tơ lụa của riêng Nhật Bản, có lẽ là vậy.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/Cafebiz)